Phóng sự - Ghi chép

Bình Thuận chung tay phát triển bền vững kinh tế biển:Bài 2: Khắc phục triệt để tàu cá “3 không”

Sông Hương - Minh Sáng 07/08/2024 - 09:18

Khi chính quyền địa phương còn đang tích cực gỡ khó cho tàu cá “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm và không giấy phép khai thác thủy sản) thì hàng nghìn ngư dân Bình Thuận đã kịp thích nghi với những thay đổi mới trong nghề cá.

Nhận diện những bất cập

Rời Cảng cá Phan Thiết, chúng tôi tìm đến nhà ông Chín Hèo (tên thật là Trần Ngọc Thanh, 64 tuổi, thường trú số 109 Trần Bình Trọng, Phường Phước Lộc, Thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận).

Dù đã cho thuê thuyền và tạm nghỉ được vài năm nhưng ông Chín Hèo vẫn còn nặng lòng với biển cả. Vì thế, mọi thông tin về chủ trương, về pháp luật, về phát triển “nghề cá bền vững”, về sinh kế, về cuộc sống của ngư dân… ông Chín Hèo đều cập nhật rất đầy đủ.

2-1.jpg
Tàu cá “3 không” đã mang đến hệ lụy về an toàn tính mạng tài sản cho ngư dân và công tác quản lý

Với 40 năm theo nghề, ông Chín Hèo chia sẻ rằng, nghề cá đang gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với ngư dân. Lúc trước, khi đánh bắt gần bờ, ngư dân chỉ cần thả lưới khoảng 10 tiếng là đã có cá ăn. Giờ để đạt được sản lượng cá tương ứng, ngư dân phải lao động gấp đôi, mất đến 20 tiếng.

Khi đánh bắt xa bờ, thay vì chuyến đi biển của ngư dân chỉ mất 15 ngày thì nay phải mất từ 30-60 ngày mới có thể vào bờ. Áp lực về chi phí đã khiến ngư dân không nhận thức được hậu quả, vi phạm quy định trong nghề đánh bắt, mà nhiều nhất là những tàu cá “3 không”…

Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản, Chủ tịch Hiệp hội Nghề cá tỉnh Bình Thuận Huỳnh Quang Huy phân tích: Khách quan mà nói “nghề cá nhân dân” là nguyên nhân dẫn đến vi phạm quy định đánh bắt thủy sản. Lượng tàu cá “3 không” cũng từ “nghề cá nhân dân” mà ra; vì trước đây, chúng ta đã tạo điều kiện để nhân dân tự do phát triển; tự do đóng mới tàu, thuyền; tự do khai thác nên vượt trữ lượng và không kiểm soát được hạn ngạch. Còn khi nhắc đến chủ quan thì hầu hết ngư dân đều thiếu chuyên môn, nghiệp vụ; vì miếng cơm manh áo, ngư dân đã vô tình hoặc cố ý vi phạm pháp luật.

“Một chiếc ghe nhỏ khi ra biển cũng có thể nuôi sống ít nhất 5 gia đình, vì chủ ghe phải có trách nhiệm bảo đảm thu nhập cho 4 “bạn ghe”. Vậy nên, mỗi lần phát hiện vi phạm, xử phạt ngư dân, chúng tôi cũng xót xa lắm…”, ông Huy thêm lời đồng cảm.

“Thế nên trước những đòi hỏi thay đổi từ “nghề cá nhân dân” sang “nghề cá bền vững”, nhà nước cần quản lý cường lực khai thác (quản lý số lượng tàu, thuyền đánh bắt mới, khảo sát trữ lượng, siết chặt hạn ngạch, quy định ngành nghề cấm) và điều chỉnh linh hoạt, xuyên suốt trong quá trình quản lý…” ông Huy nói tiếp.

2-2(1).jpg
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Chủ tịch Hiệp hội Nghề cá tỉnh Bình Thuận Huỳnh Quang Huy nói về công tác quản lý nghề cá

Để san sẻ khó khăn cùng ngư dân địa phương, Chi cục Thủy sản Bình Thuận cũng cấp đăng ký tạm cho 2.348 tàu cá “3 không”, tiếp tục thống kê và cấp đăng ký theo quy định tại Thông tư số 06/2024/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Song song đó, Chi cục Thủy sản Bình Thuận sẽ tập trung hỗ trợ đăng ký, đăng kiểm và cấp giấy phép khai thác thủy sản cho ngư dân. Toàn tỉnh hiện có 5.935 tàu cá chiều dài từ 06m trở lên đã thực hiện đăng ký vào Sổ đăng ký tàu cá quốc gia; 3.290/5.935 tàu cá được cấp Giấy phép KTTS còn hạn (đạt 55,4%); 3.361/3.855 tàu cá chiều dài từ 12m trở lên đăng kiểm còn hạn, (đạt 84,59%).

Số tàu cá đã đăng ký chưa được cấp hoặc hết hạn giấy phép khai thác là: 2.322 tàu cá (trong đó: Thị xã La Gi: 659 tàu, TP Phan Thiết: 604 tàu, huyện Tuy Phong có 601 tàu, huyện Phú Quý: 421 tàu, huyện Hàm Thuận Nam: 27 tàu, huyện Hàm Tân: 07 tàu, huyện Bắc Bình: 02 tàu, huyện Hàm Thuận Bắc: 01 tàu).

Xây dựng phương thức quản lý mới

Ban chỉ đạo chống khai thác IUU tỉnh Bình Thuận cho hay sẽ tập trung xây dựng phương thức quản lý mới. Đó là phối kết hợp giữa xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và tích cực tuyên truyền các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thủy sản như: Hủy hoại nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái thủy sinh, khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống, nơi cư trú của các loài thủy sản;

Tàu cá, tàu biển và phương tiện thủy khác hoạt động trái phép trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn biển, trừ trường hợp bất khả kháng; khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định; mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, sơ chế, chế biến thủy sản từ khai thác thủy sản bất hợp pháp, thủy sản có tạp chất nhằm mục đích gian lận thương mại.

Sử dụng chất, hóa chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện, dòng điện, phương pháp, phương tiện, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt, tận diệt để khai thác nguồn lợi thủy sản; phá hủy, tháo dỡ gây hư hại, lấn chiếm phạm vi công trình của cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá;

2-3.jpg
Ban chỉ đạo chống khai thác IUU tỉnh Bình Thuận tập trung vận dụng phương thức quản lý mới, hướng tới phát triển “nghề cá bền vững”

Từ đầu năm 2024 đến nay, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã đăng ký kiểm chứng 11.417 lượt tàu cá/81.524 lượt lao động; điều động 08 lượt tàu/48 lượt cán bộ chiến sĩ tuần tra, kiểm soát bảo vệ vùng biển của tỉnh, đấu tranh phòng, chống các hoạt động khai thác IUU; các Đồn Biên phòng tổ chức tuần tra, kiểm soát trên sông, bãi ngang được 285 lượt tổ/966 lượt cán bộ chiền sĩ tham gia.

Toàn tỉnh có 1.953 tàu cá chiều dài từ 15m trở lên đã đăng ký thuộc diện phải lắp đặt thiết bị VMS; đã hoàn thành lắp đặt thiết bị cho 1.942 tàu cá đang hoạt động (đạt 100%); 11 tàu cá chưa lắp đặt (La Gi 03 tàu; TP Phan Thiết 04 tàu; Phú Quý 03 tàu; Tuy Phong 01 tàu) ngừng hoạt động do hư hỏng nằm bờ, thi hành án, tranh chấp dân sự... đã được cơ quan chức năng lập danh sách để quản lý, giám sát theo quy định.

2-4.jpg
Nhiều hành vi khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản… có thể bị xử lý hình sự

Mới đây, Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) cũng đã ban hành Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC để tăng hiệu quả quản lý và răn đe các trường hợp vi phạm.

Đây là Nghị quyết “hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản”, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024.

Nghị quyết này có 11 Điều, bao gồm: Hành vi xuất cảnh, nhập cảnh để khai thác thủy sản trái phép quy định tại các Điều 347, 348 và 349 của Bộ luật Hình sự; hành vi liên quan đến bảo vệ nguồn lợi thủy sản quy định tại Điều 242 và Điều 244 của Bộ luật Hình sự;

Hành vi cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông để khai thác thủy sản trái phép quy định tại Điều 287 của Bộ luật Hình sự; hành vi xâm phạm trong lĩnh vực thương mại thủy sản quy định tại các Điều 188, 189, 198 và 341 của Bộ luật Hình sự…

Dù vậy, khi quyết tâm thực hiện chống khai thác IUU, mục tiêu xuyên suốt của tỉnh Bình Thuận vẫn là không đặt nặng vào các giải pháp răn đe, mà chú trọng thay đổi nhận thức về nghề cá mới cho ngư dân, bắt đầu từ việc chuyển đổi tàu cá “3 không” thành “3 có”.

Còn tiếp...

Bài 1: Nhọc nhằn mưu sinh trên biển

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Khắc phục triệt để tàu cá “3 không”