Phóng sự - Ghi chép

Bình Thuận chung tay phát triển bền vững kinh tế biển:Bài 1: Nhọc nhằn mưu sinh trên biển

Sông Hương – Minh Sáng 06/08/2024 - 11:09

Ông Phạm Tiêu nói trước kia biển dồi dào thủy sản, một chuyến ra khơi có thể giúp ngư dân trang trải cuộc sống cả tháng trời; nhưng nay biển đã cạn kiệt, mỗi cuộc mưu sinh trên biển sẽ phải nhọc nhằn hơn…

Sống chết cùng với biển

Thuyền trưởng Bùi Văn Toàn (52 tuổi, ngụ TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) vẫn còn nhớ như in khoảnh khắc cơn bão hung dữ đã cướp đi của ông 6 “bạn thuyền”, vào tháng 7/2022.

Khi chiếc tàu BTh97478TS đánh bắt tại khu vực Trường Sa - DK1, nằm cách bờ hơn 120 hải lý thì ông Toàn nhận được thông báo có bão lớn sắp đến.

1-1.jpg
Thuyền trưởng Bùi Văn Toàn chia sẻ về những cuộc mưu sinh trên biển và hai lần "chết hụt"

Ông Toàn cho tàu chạy suốt 24 tiếng đồng hồ nhưng không kịp. Cơn bão lồng lên như hổ đói vồ mồi. Sóng nước cao chừng 4-5 mét tràn vào hầm mũi, khiến con tàu dựng đứng và nhanh chóng chìm xuống biển. Với 31 năm làm nghề cá, ông Toàn chỉ kịp kêu anh em thả hai chiếc thúng chai xuống biển, trước khi con tàu chìm hẳn.

Cơn bão ấy vẫn tiếp tục hoành hành thêm hai ngày, lực lượng cứu nạn trên biển của Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực III vẫn liên tục phát đi tín hiệu thông báo, tìm kiếm những chiếc tàu bị mất tín hiệu liên lạc.

Trong khi đó, ở các xóm biển, những thân nhân của ngư dân như ngồi trên đống lửa. Họ chạy ngược chạy xuôi, ngóng tin về kết quả tìm kiếm. Họ cầu mong phép màu kì diệu sẽ xảy ra…

Sau 9 ngày lênh đênh trên biển, chiếc thúng chai chứa 7 thuyền viên được lực lượng cứu hộ cứu nạn trên biển tìm thấy, có 3 người trong số đó không qua khỏi, vì đói khát và kiệt sức. Hai ngày sau, chiếc thúng chai chứa ông Toàn và 8 người còn lại cũng được một tàu của Ai Cập cứu vớt, nhưng 3 người khác đã tử vong và mất tích.

“Tui thoát chết hai lần (lần đầu năm 2014) cũng nhờ có lắp đặt thiết bị định vị VMS. Khi tàu gặp nạn, lực lượng cứu hộ đã nhận được tín hiệu cầu cứu, xác định vị trí, khoanh vùng tìm kiếm và trục vớt kịp thời. Lúc đó, tui nghĩ nếu phương tiện đánh bắt của mình là tàu cá “3 không” thì thật nguy hiểm; vì khi có sự cố xảy ra, ai biết ở đâu mà tìm”, ông Toàn chia sẻ thêm về kinh nghiệm đi biển.

1-2(1).jpg
Ông Phạm Tiêu kể chuyện vui buồn về nghề đánh bắt thủy sản

Giữa biển cả mênh mông đâu chỉ có sóng to và bão lớn, mà ở đó còn có cả đói khát, ốm đau, bệnh tật, rồi “bắt nạt” lẫn nhau như câu chuyện của ông Phạm Tiêu (60 tuổi, ngụ phường Đức Thắng, TP Phan Thiết) và các đồng nghiệp.

Ông Tiêu nhớ lại có lần: Khoảng 3 giờ sáng, một ngày cuối tháng 6/2023, thuyền cá BTh99792TS nằm cách bờ biển Bình Thuận hơn 30 hải lý. Trời tối đen như mực, biển êm, sóng khẽ vỗ mạn khiến con thuyền lắc nhẹ như đưa võng.

Thuyền cá BTh99792TS nằm trong tổ đánh bắt ở TP Phan Thiết, có hơn chục chiếc cùng ra khơi, nhưng nằm rải rác, cách xa nhau chừng vài trăm mét. Như thường lệ, thuyền trưởng Phạm Tiêu vẫn làm bạn với chiếc đèn trong khoang lái ở phía trước, còn 11 thuyền viên đang say ngủ ở phía sau.

Chợt ông Phạm Tiêu nghe có tiếng máy nổ vọng đến từ phía xa. Qua hai đốm sáng nhấp nháy, vị thuyền trưởng nhận ra hai chiếc tàu lạ đang tiến về phía thuyền BTh99792TS, mỗi lúc một gần hơn. Khi ở khoảng cách hơn 20 mét, họ lên tiếng chửi bới, dọa nạt, nếu ông Tiêu không cho thuyền dời đi, họ sẽ kéo chìm.

Ông Tiêu kêu các thuyền viên thức giấc, có thuyền viên lên tiếng thách thức nhóm người trên tàu lạ. Ông Tiêu can ngăn vì giữa biển mênh mông, trời tối đen như mực, tránh voi chẳng xấu mặt nào. Rồi ông thúc giục mọi người thu dọn đồ để dời đi chỗ khác.

Hỗ trợ ngư dân bám biển

Bị “bắt nạt” như thế nhưng ông Phạm Tiêu nói mình không thấy bị tổn thương, ngược lại vẫn còn yêu nghề biển lắm. Mà thật ra, với những ngư dân có thâm niên nếu bỏ biển lên bờ cũng chẳng biết làm nghề gì để sống? Vì thế, ông Phạm Tiêu và thuyền viên chỉ nghĩ nhiều về gia đình, rồi mang theo “nụ cười”, mỗi khi đi biển.

Sau hơn một ngày nhọc nhằn đánh bắt và đạt được sản lượng dự kiến, ông Phạm Tiêu xoay tay đánh lái cập Cảng cá Phan Thiết. Cùng lúc, các thuyền viên cũng mở nắp khoang chứa, nhanh chóng chuyển thành quả đánh bắt lên bờ. Phía trên, nhiều phụ nữ trao đổi í ới, giọng nói trộn lẫn vào nhau, tạo ra một khung cảnh mua bán náo nhiệt…

1-3.jpg
Thành quả đánh bắt của ngư dân đã được đưa vào bờ

Ông Phạm Tiêu nói nghề đánh bắt bây giờ vất vả hơn nhiều. Hồi đó, biển còn nhiều thủy sản, mỗi chuyến ra khơi, thu nhập từ lượng thủy sản đánh bắt được có thể giúp gia đình ngư dân trang trải cuộc sống cả tháng trời. Nhưng nay biển ngày càng cạn kiệt, mỗi chuyến đi ai cũng đều mang theo nhiều “gánh lo lời lỗ”.

Hầu hết những ngư dân như ông Bùi Văn Toàn và ông Phạm Tiêu đều cho rằng, thực trạng khai thác thủy sản tại vùng biển Bình Thuận hiện nay không có lợi, vì hoạt động đánh bắt chủ yếu là giã cào bay, giã trà, lưới, câu, rọi đèn…; trong đó phương thức đánh bắt giã cào bay (chủ yếu là tàu thuyền lớn từ nơi khác đến) phải đầu tư tốn kém, sẽ hủy hoại các ngư trường và làm cạn kiệt nguồn thủy sản.

Còn với phương thức đánh bắt giã chà thì phải đầu tư khoảng 70-80 triệu đồng/giã chà (giã chà được giải thích là làm nhà, tạo bóng mát cho cá tập trung vào trong, sau đó dùng lưới vây quanh, rồi kéo lên); sử dụng một năm sẽ phải tu bổ định kỳ khoảng 3-4 lần, mỗi lần cũng tiêu tốn thêm khoảng 20 triệu đồng nữa. Nếu ai không may bị kẻ gian cắt trộm giã chà và bị trôi đi thì coi như mất trắng...

Trước đây, khi nhận thấy ngư dân gặp khó khăn, tỉnh Bình Thuận đã khẩn trương thực hiện Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để hỗ trợ ngư dân bám biển. Cụ thể, tỉnh đã phê duyệt 1.400 tàu cá đăng ký hoạt động thường xuyên trên các vùng biển xa, với tổng số tiền chi hỗ trợ hơn 1.547 tỷ đồng.

Nhưng rồi hiệu quả của chính sách cũng bị thực tế “bỏ rơi”, khó khăn lại bủa vây ngư dân, bủa vây nghề đánh bắt, chủ yếu vẫn là tình trạng giá dầu tăng cao, nguồn thủy sản cạn kiệt vì khai thác tràn lan. Nhiều người cũng vì thế mà phải chuyển đổi sinh kế khác.

1-4.jpg
Tỉnh Bình Thuận thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển

Nắm bắt thực trạng trên, chính quyền tỉnh Bình Thuận đã chủ động gặp dân để tìm hiểu khó khăn, hỗ trợ đăng ký, đăng kiểm và cấp giấy phép khai thác thủy sản; đồng thời tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật trong nghề đánh bắt.

Hi vọng, trong nay mai những giải pháp giải quyết khó khăn cho nghề cá sẽ mang lại hiệu quả.

Tỉnh Bình Thuận hiện có trên 46.000 ngư dân trực tiếp tham gia khai thác hải sản, có ngư trường rộng trên 14.000km2, có nghề cá trọng điểm, đứng thứ 2 cả nước về năng lực sản xuất. Sản lượng khai thác hải sản hàng năm đạt 225.000-230.000 tấn. Toàn tỉnh có 8.450 tàu cá chiều dài từ 06m trở lên. Số lượng tàu cá “03 không” đã rà soát, thống kê là 2.515 chiếc; gồm: Tuy Phong (666 chiếc), La Gi (800 chiếc), Phan Thiết (433 chiếc), Phú Quý (294 chiếc), Hàm Thuận Nam (103 chiếc), Hàm Tân (213 chiếc), Bắc Bình (05 chiếc), Hàm Thuận Bắc (01 chiếc).

Còn tiếp...

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Nhọc nhằn mưu sinh trên biển