Sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, cũng như những đặc trưng của nền kinh tế số đã đặt ra nhiều thách thức cho công tác quản lý thuế đối với hoạt động này.
Khó xác định nguồn thu, đối tượng nộp thuế
Hiện nay, cơ quan thuế đang quản lý hai nhóm đối tượng chính có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, đó là hoạt động kinh doanh thương mại điện tử mua bán hàng hóa, dịch vụ trong nước và thương mại điện tử xuyên biên giới.
Đối với hoạt động thương mại điện tử mua bán hàng hoá, dịch vụ trong nước, thực tế cho thấy hiện nay phát sinh quá nhiều đối tượng hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Các giao dịch diễn ra quá nhiều và mang tính nhỏ lẻ. Thực tế cũng phát sinh trường hợp người nộp thuế không đăng ký kinh doanh, không đăng ký thuế. Cơ quan thuế không xác định được địa điểm kinh doanh, thời gian kinh doanh do hoạt động mua, bán diễn ra liên tục 24/24 giờ và tất cả các ngày trong tuần.
Đối với hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới cũng rất khó để xác định nguồn thu, đối tượng khi người nộp thuế không đăng ký kinh doanh, không có cơ sở kinh doanh cố định. Doanh nghiệp nước ngoài thường viện dẫn theo hiệp định thuế, xác định không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam nên không kê khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết, khó khăn lớn nhất trong công tác quản lý thuế TMĐT hiện nay là quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp thuế.
Trong điều kiện nền kinh số, các tổ chức, cá nhân có thể tiến hành hoạt động kinh doanh xuyên biên giới mà không thuộc đối tượng đánh thuế của bất kỳ quốc gia nào theo nguyên tắc quản lý thuế truyền thống. Các quốc gia đều căn cứ trên sự hiện diện vật chất của người nộp thuế, trong khi doanh nghiệp, cá nhân có thể phân bổ thu nhập về địa điểm có lợi nhất về thuế theo quy định của từng nước.
"Vì khó xác định nguồn thu, đối tượng nộp thuế, nên cơ quan Thuế cũng rất khó khăn trong việc xác định căn cứ tính thuế. Bởi trên môi trường số, các hoạt động kinh doanh có thể thực hiện thông qua website hiện diện ở một khu vực thị trường nào đó mà không cần sự hiện diện vật chất của người nộp thuế tại đó. Hay nói cách khác, phạm vi điều chỉnh của luật thuế đang căn cứ vào “sự hiện diện vật chất” của tổ chức kinh doanh - nguyên tắc đánh thuế hiện hành. Điển hình cho hoạt động này là quảng cáo trực tuyến và các hoạt động tương tác thông qua nền tảng các mạng xã hội”, bà Nguyễn Thị Lan Anh nhận định.
Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển đa dạng của các hình thức thanh toán gắn với sự bùng nổ của công nghệ, cả hoạt động kinh doanh truyền thống và TMĐT đều có rất nhiều lựa chọn. Thông thường, khi có giao dịch mua, bán hàng hóa hay cung ứng dịch vụ thì phải có hoạt động thanh toán từ người mua sang người bán.
Tuy nhiên, với sự đa dạng về phương thức, việc kiểm soát hoạt động thanh toán TMĐT là vô cùng khó khăn. Thêm vào đó, ngay cả khi xác định có luồng tiền từ một chủ thể này sang một chủ thể khác cũng chưa thể khẳng định đó là hoạt động thanh toán cho giao dịch TMĐT, bởi lẽ có hàng trăm lý do để các chủ thể chuyển tiền cho nhau.
Ngoài ra, nếu chủ thể kinh doanh TMĐT cố tình gian lận thuế và sử dụng phương thức thanh toán trả tiền mặt khi giao hàng (COD), thì việc kiểm soát luồng tiền để xác định giao dịch TMĐT càng trở nên khó khăn.
Khó phân biệt loại thu nhập làm cơ sở để đánh thuế
Cũng theo đại diện Tổng cục Thuế, việc kiểm soát dòng tiền cũng không dễ dàng. Thực tế hiện nay cho thấy, cùng với sự phát triển của nền kinh tế số, những phương thức thanh toán không dùng tiền mặt cũng rất đa dạng như: thanh toán qua ngân hàng, thanh toán điện tử, thanh toán ngang hàng (P2P), tiền điện tử...
Ở Việt Nam, việc kiểm soát giao dịch kinh doanh TMĐT trong nước khó khăn hơn khi hệ thống thanh toán theo hình thức COD (trả tiền mặt khi giao hàng) được áp dụng phổ biến hơn các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Đây cũng là một khó khăn cho cơ quan thuế khi quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT.
Nhiều cán bộ đang công tác trong ngành Thuế hiện nay cũng cho biết, một khó khăn khác mà cơ quan thuế hiện nay đang rất đau đầu để tìm ra những giải pháp căn cơ trong quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, đó là khó khăn trong việc phân biệt rõ loại thu nhập làm cơ sở đánh thuế.
Trong nền kinh tế số rất khó phân biệt một số loại thu nhập, đặc biệt là bản quyền, phí dịch vụ và lợi nhuận kinh doanh. Ví dụ, điển hình là doanh thu liên quan đến phần mềm, sản phẩm nội dung thông tin số, các ứng dụng đăng tải trên mạng... rất khó để xác định số tiền chi trả cho bản quyền, phí dịch vụ hay lợi nhận kinh doanh.
Ngoài ra, mô hình kinh tế chia sẻ cũng đặt ra nhiều câu hỏi trong việc xác định ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh làm căn cứ tính thuế giá trị gia tăng, nghĩa vụ khai thuế.
Do hoạt động mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ thông qua các trang mạng điện tử diễn ra ở mọi lúc, mọi nơi, ở tất cả các ngày trong tuần, nên cơ quan thuế cũng khó kiểm soát giao dịch kinh doanh để quản lý đối tượng thu thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.
Do chủ thể kinh doanh thương mại điện tử không cần đến cửa hàng, cửa hiệu theo cách truyền thống, các giao dịch hoàn toàn thực hiện bằng phương thức điện tử, máy chủ có thể đặt tại nước ngoài, một đối tượng có thể có nhiều gian hàng trên một sàn giao dịch thương mại điện tử và cùng lúc trên nhiều sàn giao dịch thương mại điện tử, cùng lúc trên nhiều trang mạng xã hội nên khó quản lý chính xác các giao dịch mà người nộp thuế thực hiện.