Lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử ngay khi xuất hiện đã đặt ra nhiều thách thức cho công tác quản lý, trong đó có quản lý thuế. Trong khi thương mại điện tử được đánh giá là “ăn nên, làm ra” thì việc thu thuế từ hoạt động này vẫn bộc lộ nhiều bất cập, số tiền thu thuế được khá khiêm tốn.
Tiềm năng thu lớn
Theo thông tin từ Tổng cục Thuế, có khoảng 14 tập đoàn, công ty công nghệ lớn trên thế giới và 8 trang điện tử hoạt động TMĐT xuyên biên giới có thu nhập tại Việt Nam đã thực hiện nghĩa vụ thuế. Giai đoạn 2018 - 9/2021, số thu thuế từ các tổ chức Việt Nam ký hợp đồng quảng cáo trực tuyến với tổ chức nước ngoài không thành lập pháp nhân tại Việt Nam (Google, Youtube, Facebook...) khoảng gần 4.100 tỷ đồng.
Các đơn vị này đã khai, nộp thuế với tổng số tiền là 4.263,82 tỷ đồng, trong đó một số tập đoàn lớn như Facebook là 1.641,75 tỷ đồng; Google là 1.573,24 tỷ đồng; Microsoft là 560,67 tỷ đồng.
Ngày 8/6, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay các tập đoàn công nghệ như Youtube, Google, Microsoft… đã đăng ký và nộp thuế đầy đủ.
Còn đối với trường hợp hàng hóa bán qua Zalo, Facebook rồi nhận hàng, sau đó trả bằng tiền mặt, Bộ trưởng cho rằng đây là khoản thất thu rất lớn.
Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, Bộ Tài chính đã giải quyết một bước, các tập đoàn lớn về công nghệ thông qua khai trương cổng thông tin điện tử xuyên biên giới, các tập đoàn đã kê khai nộp thuế. Sau này tiến hành thanh tra sau. Còn sàn thương mại điện tử cũng đang được tích cực kiểm tra.
Đối với Zalo, Facebook và các nền tảng khác, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành khác để thắt chặt trong lĩnh vực này.
Trong tương lai, sẽ xây dựng một hệ thống công nghệ để kiểm soát và tự động thu tiền thông qua hệ thống ngân hàng.
Tại Hà Nội, theo dữ liệu tại Cục Thuế Hà Nội, các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số chiếm khoảng 6% tổng thu và 10% thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2021. Trong triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, ngành Thuế đã chú trọng công tác phối hợp với các ban ngành, địa phương để phát hiện, yêu cầu người nộp thuế là cá nhân kê khai, nộp thuế theo pháp luật.
Có một số trường hợp cá nhân có phát sinh thu nhập cao với số thuế truy thu lớn, điển hình như: Có cá nhân phát sinh thu nhập là 105 tỷ đồng với số thuế và tiền chậm nộp đã nộp năm 2021 là 11 tỷ đồng; cá nhân sản xuất phần mềm và có nguồn thu từ quảng cáo có thu nhập là 330 tỷ đồng với số thuế đã nộp năm 2020 là 23,4 tỷ đồng và một cá nhân khác có thu nhập là 260 tỷ đồng với số thuế đã nộp năm 2020 là 18,1 tỷ đồng...
Mặc dù kết quả thu thuế đối với lĩnh vực TMĐT chưa lớn so với tiềm năng nhưng đã góp phần tăng thu hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước hàng năm. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát từ năm 2020, phương thức kinh doanh đã thay đổi nhanh và mạnh từ truyền thống sang TMĐT. Thói quen tiêu dùng của người dân cũng thay đổi với rất nhiều giao dịch, hàng hóa, dịch vụ được thực hiện thông qua hình thức TMĐT. Do đó, tiềm năng tăng thu ngân sách nhà nước trong lĩnh vực TMĐT của Việt Nam còn rất lớn.
Chưa thống nhất với pháp luật hiện tại
Mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý thuế và Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hoá đơn, chứng từ.
Dự thảo quy định các sàn thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến có trách nhiệm kê khai, nộp thuế thay cho người bán là cá nhân trên sàn. Quy định này yêu cầu các sàn thương mại điện tử thực hiện khấu trừ thuế từ thu nhập kinh doanh của người bán là cá nhân trên sàn.
Tuy nhiên, theo VCCI, việc này dường như chưa phù hợp với quy định pháp luật về thuế thu nhập cá nhân, vốn quy định trách nhiệm kê khai, nộp thuế của thu nhập từ kinh doanh thuộc về cá nhân kinh doanh.
Cụ thể, Điều 24 Luật Thuế thu nhập cá nhân chỉ quy định hai chủ thể có trách nhiệm thực hiện việc kê khai, nộp thuế, quyết toán thuế thu nhập cá nhân, gồm: tổ chức, cá nhân trả thu nhập; cá nhân có thu nhập chịu thuế.
Điều 29 Nghị định 65/2013/NĐ-CP quy định người nộp thuế trực tiếp khai thuế, nộp thuế với thu nhập từ kinh doanh của cá nhân cư trú với cơ quan thuế. Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ tính thống nhất của quy định này với hệ thống pháp luật hiện tại.
Ngoài ra, quy định yêu cầu các sàn thương mại điện tử có trách nhiệm đại diện cho người bán kê khai, nộp thuế thay. Tuy nhiên, theo VCCI cơ quan soạn thảo cần làm rõ trách nhiệm đại diện được phát sinh theo căn cứ nào, có cần trình tự, thủ tục nào hay không?
Lý do được VCCI đưa ra là vì Điều 135 Bộ luật Dân sự 2015 chỉ quy định 2 trường hợp căn cứ xác lập quyền đại diện, gồm: đại diện theo pháp luật (gồm đại diện của cá nhân trong 1 số trường hợp đặc biệt; đại diện của pháp nhân); đại diện theo uỷ quyền.
Mặt khác, quy định không nêu rõ phạm vi đại diện trong việc kê khai, nộp thuế thay của sàn thương mại điện tử bao gồm những trách nhiệm nào, có bao gồm quyết toán, hoàn thuế hay không?
Quy định này sẽ gây nên gánh nặng tuân thủ lên sàn TMĐT trong việc nộp thuế cho người bán trên nền tảng của mình. Trong khi đó, các mạng xã hội dự kiến sẽ không thuộc đối tượng thực hiện nghĩa vụ, dù số liệu khảo sát cho thấy người tiêu dùng mua sắm qua mạng xã hội tương đương với qua sàn TMĐT.
"Không rõ quy định này có áp dụng không và áp dụng như thế nào với các sàn TMĐT cung cấp dịch vụ xuyên biên giới? Nếu quy định này chỉ áp dụng được với các sàn TMĐT trong nước, đây có thể là một rào cản "bảo hộ ngược", gây bất bình đẳng cho DN nội địa. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, đánh giá các tác động, ảnh hưởng của quy định này lên các nhóm đối tượng liên quan và ảnh hưởng đối với sự cạnh tranh trong ngành thương mại điện tử" - VCCI kiến nghị.