Viêm tai giữa là bệnh không ít trẻ gặp phải hiện nay, bệnh ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của trẻ. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng hướng bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm khó lường.
Trên thực tế, bệnh viêm tai giữa là một trong các bệnh về tai khá phổ biến thường gặp ở trẻ, tuy nhiên số người lớn bị viêm tai giữa cũng không phải là ít. Nếu không được chữa trị dứt điểm bệnh viêm tai giữa rất dễ tái phát trở lại, nhất là khi thời tiết thay đổi hoặc trong thời điểm giao mùa như hiện nay.
Có lẽ vì vậy mà trong mấy ngày gần đây chuyên mục Bác sĩ tư vấn của báo Công lý liên tục nhận được những câu hỏi thắc mắc liên quan đến bệnh viêm tai giữa. Một độc giả tỏ ra vô cùng lo lắng gửi câu hỏi với nội dung sau:
“Thưa bác sĩ, cách đây nửa tháng con tôi bị đau tai kèm theo sốt. Tôi có cho cháu đi khám tại một phòng khám tư ở gần nhà, bác sĩ kết luận con tôi bị viêm tai giữa và cho thuốc về uống. Nhưng càng uống thuốc con tôi càng bị nặng hơn, cháu còn bị mưng mủ ở tai... Xin bác sĩ giải thích giúp tại sao con tôi uống thuốc lại bị nặng hơn và hướng điều trị như thế nào là tốt nhất?. Cám ơn bác sĩ”.
PGS.TS Võ Thanh Quang - Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, Chủ tịch Hội Tai Mũi Họng Việt Nam:
Con chị bị viêm tai giữa, uống thuốc không khỏi và có ứ mủ, rất có thể do cháu bị viêm mũi mủ hoặc viêm VA, là nguyên nhân gây nên viêm tai và uống thuốc không khỏi nếu không làm sạch được mũi.
Cách điều trị tốt nhất trong trường hợp này ngoài uống thuốc theo đơn của bác sĩ tai mũi họng, bé cần được hút rửa mũi tích cực cho sạch. Nếu tai bị viêm ứ mủ nhiều, điều trị lâu không khỏi, có thể phải trích rạch màng nhĩ để tháo mủ ra. Sau khi khỏi cần xem xét và có thể phải nạo VA.
Tuy nhiên chị nên cho cháu đến khám bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để được tư vấn cụ thể dựa theo bệnh tình của cháu. Chúc chị và cháu khoẻ.