Apple lại có thêm bằng chứng để củng cố quyết định loại bỏ cục sạc khỏi hộp đựng iPhone là chính xác.
"Không còn bộ sạc đi kèm là một thay đổi táo bạo của Apple và là một động thái cần thiết cho hành tinh của chúng ta", Apple viết trong báo cáo về môi trường năm 2022. Theo thống kê của hãng, 550.000 tấn quặng đồng, thiếc và kẽm đã được tiết kiệm kể từ khi phụ kiện này không còn đi kèm trong hộp iPhone 12. Hộp đựng nhỏ hơn cũng giúp tăng số lượng iPhone trên mỗi pallet, tiết kiệm khối lượng vận chuyển tương đương giảm hai triệu tấn khí thải carbon ra môi trường. Ngoài ra, việc hãng loại bỏ hoàn toàn lớp màng bọc hộp đựng cũng được khẳng định giúp giảm lượng nhựa sử dụng khoảng 600 tấn.
Tuy nhiên, lời giải thích của Apple không có ý nghĩa đối với cư dân mạng. Trên nhiều nền tảng, cư dân mạng vẫn chỉ trích Apple vì cho rằng những phát ngôn của Apple thực chất chỉ mang tính sáo rỗng.
Một cư dân mạng chia sẻ: "Thế là bạn không cần mua cục sạc à? Điện thoại không cần sạc chắc?". Một cư dân mạng khác đồng quan điểm: "Vậy thì tốt nhất Apple không cần làm iPhone, chẳng phải điều đó còn thân thiện với môi trường hơn hay sao?"
Về lý do thực sự tại sao công ty bỏ cục sạc khỏi hộp máy, rất khó để biết. Tuy nhiên có một điều chắc chắn rằng, việc bỏ tặng kèm cục sạc theo hộp máy đem lại lợi ích cho hoạt động kinh doanh của Apple.
Apple không còn tặng kèm sạc và tai nghe trong hộp đựng iPhone từ năm 2020. Bên trong hộp chỉ còn điện thoại, dây cáp và sách hướng dẫn. Hãng cũng không giảm giá iPhone 12 so với các thế hệ trước đó.
Daily Mail ước tính Apple giảm được khoảng 35 USD chi phí trên mỗi iPhone công ty bán ra nhờ loại bỏ phụ kiện đóng gói kèm sản phẩm. Tính từ cuối 2020 đến đầu năm nay, Apple bán được khoảng 190 triệu iPhone, nên số tiền hãng tiết kiệm được khoảng 6,5 tỷ USD. Số tiền trên chưa tính đến doanh số bán củ sạc và tai nghe rời. Người dùng nếu có nhu cầu cần chi thêm 19 USD cho củ sạc 20 W và số tiền tương tự cho tai nghe EarPods. Còn nếu chuyển qua AirPods, họ cần ít nhất 129 USD.