Các ngân hàng đang nỗ lực giữ ổn định lãi suất cho vay nhưng áp lực vẫn rất lớn trong giai đoạn tới.
Trong bối cảnh nhiều nguồn thu đang bị hạn chế, khi dịch vụ tư vấn, phát hành trái phiếu doanh nghiệp bị kiểm soát chặt, các mảng thu phí dịch vụ thanh toán đang đến giai đoạn bão hòa và các nhà băng đang phải miễn giảm nhiều loại phí dịch vụ thanh toán để đảm bảo khả năng cạnh tranh... chỉ còn hoạt động tín dụng là nguồn thu nhập chính mà các ngân hàng đang trông chờ.
Vì vậy, với chi phí vốn gia tăng, không khó để nhận ra rằng lãi suất cho vay tất yếu sẽ chịu áp lực trong giai đoạn tới, dù nhà điều hành vẫn đang nỗ lực tìm cách kiềm chế và kêu gọi các ngân hàng cần phải nỗ lực giữ ổn định lãi suất cho vay.
Hiện tại, đợt điều chỉnh tăng mạnh lãi suất tiền gửi gần nhất của các ngân hàng sau động thái của nhà điều hành vẫn chưa tác động đến các khoản tiền gửi trung dài hạn của các nhà băng, nhưng càng về sau các ảnh hưởng sẽ rõ hơn, khi đó với chi phí đầu vào tăng mạnh thật khó để tiếp tục giữ nguyên lãi suất cho vay.
Ngược lại, cung tín dụng lại đang bị hạn chế khi nhiều ngân hàng đã sớm hết dư địa cho vay từ quý 2 năm nay và đợt phân bổ mới đây cũng chỉ ở mức khiêm tốn. Cầu tăng nhưng cung không đáp ứng được tất yếu sẽ đẩy giá tăng, theo đó các ngân hàng càng có động lực nâng lãi suất cho vay như là một trong những cách thức để lựa chọn khách hàng.
Đặc biệt, trong bối cảnh cầu tín dụng đang tăng trưởng mạnh mẽ, theo số liệu của Tổng cục thống kê tăng trưởng tín dụng đến ngày 20/9 tăng 10.54%, cao hơn nhiều mức tăng 7.17% của cùng kỳ năm 2021 và gấp 2.6 lần mức tăng trưởng huy động vốn, rõ ràng lãi suất cho vay khó lòng giữ vững
Với thị trường chứng khoán vẫn đang chìm trong sự ảm đạm, kênh trái phiếu doanh nghiệp bị kiểm soát chặt chẽ và đối mặt với sự nghi ngờ sau những tai tiếng, vi phạm bị phát hiện gần đây, nên các doan nghiệp cũng khó huy động vốn trên 2 kênh này dễ dàng như giai đoạn trước, vì vậy càng đổ về kênh tín dụng ngân hàng.
Ngược lại, cung tín dụng lại đang bị hạn chế khi nhiều ngân hàng đã sớm hết dư địa cho vay từ quý 2 năm nay và đợt phân bổ mới đây cũng chỉ ở mức khiêm tốn. Cầu tăng nhưng cung không đáp ứng được tất yếu sẽ đẩy giá tăng, theo đó các ngân hàng càng có động lực nâng lãi suất cho vay như là một trong những cách thức để lựa chọn khách hàng.
Đáng lưu ý là theo nhận định của giới phân tích, xu hướng lãi suất đi lên sẽ chưa sớm dừng lại. Với việc các ngân hàng trung ương trên khắp toàn cầu vẫn đang theo đuổi chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh tay, trong đó nhiều ngân hàng đã liên tục tăng lãi suất điều hành từ đầu năm đến nay, như việc Cục dự trữ liên bang Mỹ đã có đến 5 lần tăng, trong khi Việt Nam chỉ mới ghi nhận một lần tăng duy nhất dù mức tăng cũng khá mạnh tay lên đến 1%.
Vì lẽ đó, khả năng chi phí vốn đầu vào của các nhà băng sẽ còn tiếp tục tăng lên trong giai đoạn kế tiếp, xu hướng này sẽ tiếp tục gây áp lực lên lãi suất cho vay.
Điểm tích cực là vừa qua nhiều ngân hàng đã tăng mạnh được vốn điều lệ, phát hành trái phiếu dài hạn với lãi suất thấp, do đó giúp kìm hãm bớt mức tăng của chi phí vốn bình quân (nếu bao gồm cả vốn tự có của ngân hàng).
Dù vậy, đứng ở góc độ cổ đông của ngân hàng, những người đã tham gia vào các đợt tăng thêm vốn điều lệ, rõ ràng cũng đòi hỏi một mức sinh lời tối thiểu cho nguồn vốn đầu tư của mình tối thiểu phải cao hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng.