Án tử hình với Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc là phù hợp

Nhóm PV| 23/04/2014 15:44
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Kết thúc ngày xét xử thứ 2, Đại diện VKSNDTC đề nghị Tòa bác kháng cáo kêu oan về tội tham ô tài sản của cựu Chủ tịch HĐQT Vinalines Dương Chí Dũng, cựu Tổng GĐ Vinalines Mai Văn Phúc, tuyên phạt tử hình đối với 2 bị cáo về tội danh này.

* Nhấn F5 để liên tục cập nhật

>> Diễn biễn chính ngày đầu tiên xử phúc thẩm Dương Chí Dũng

17h32: HĐXX tuyên bố kết thúc giờ làm việc ngày thứ hai.

Sáng mai (24/4), phiên tòa sẽ bước vào ngày xét xử cuối cùng theo dự kiến bắt đầu từ 8h.

17h: Luật sư Thiệp nêu quan điểm, đề nghị HĐXX xem xét mối liên hệ giữa Vinalines và công ty môi giới ở nước ngoài. Qua đó làm rõ trách nhiệm, vai trò của các cá nhân. Ông cho rằng, với tội Cố ý làm trái, động cơ mục đích của bị cáo Phúc là làm sao thực hiện nghị quyết của HĐQT trong việc triển khai dự án. Bản thân bị cáo thiếu thông tin về dự án. Bởi vì bị cáo vừa mới về Tổng công ty chưa đầy 2 tháng tại thời điểm đó. Bị cáo Phúc hoàn toàn thiếu thông tin, chưa được cập nhật đầy đủ về tình hình hiện tại của Tổng công ty.

Luật sư Thiệp cho rằng, bị cáo thừa nhận có sai sót trong quá trình quản lý từ khi về nhậm chức. Tuy nhiên, bị cáo Phúc kể từ khi về nhậm chức đã cố gắng để làm tròn trách nhiệm của mình trước HĐQT. Luật sư đề nghị HĐXX xem xét lại hành vi Cố ý làm trái của bị cáo Phúc. Luật sư Thiệp kiến nghị HĐXX xác định ai là người "đàm phán" số tiền lại quả để ông Goh chấp nhận chuyển tiền.

16h50: Luật sư Thiệp được HĐXX mời đứng dậy nêu quan điểm bào chữa cho bị cáo Mai Văn Phúc.

16h45: Quá trình bào chữa cho thân chủ Mai Văn Phúc, luật sư Được tập trung xoay quanh việc bị cáo Sơn khai đã đưa cho Phúc số tiền 10 tỷ đồng, đưa nhiều lần. Luật sư Được đưa ra các quan điểm bào chữa nhằm chứng minh lời khai mâu thuẫn của bị cáo Sơn so với lời khai của bị cáo Phúc và Dũng.

16h30: Theo luật sư Được, giữa Mai Văn Phúc và phía công ty môi giới AP, đại diện là ông Goh không hề có mối liên hệ nào. Hơn nữa, lời khai của bị cáo Sơn và các bị cáo khác có phần mâu thuẫn, không đồng nhất về việc nhận khoản tiền 'hoa hồng'. Sau khi lập luận, luật sư Được kết luận, Mai Văn Phúc có vai trò thấp hơn Dương Chí Dũng trong vụ việc, không giữ quyền quyết định. Do đó cần xác định ai là người giữ trách nhiệm chính trong vụ việc. Rõ ràng thân chủ Mai Văn Phúc không phải là người quyết định cuối cùng, điều đó sẽ được thể hiện rõ trong hồ sơ.

16h20: Luật sư bào chữa cho Mai Văn Phúc đứng lên nêu quan điểm của mình. Người bào chữa cho Mai Văn Phúc cho rằng, lời khai của các bị cáo mâu thuẫn với nhau. Luật sư nêu quan điểm Mai Văn Phúc bị tuyên chưa đúng tội. Trong quá trình làm việc, Mai Văn Phúc không phải là người quyết định chủ trương cuối cùng trong mọi việc.

Xet xu phuc tham Duong Chi Dung, Ngay 2 xet xu Duong Chi Dung, Duong Chi Dung, Truc tiep xet xu Duong Chi Dung

Luật sư bào chữa cho bị cáo Mai Văn Phúc trước HĐXX

16h10: Trong số các căn cứ mà luật sư Triển đưa ra để bào chữa cho bị cáo Dũng, có bản tuyên thệ của ông Goh Hoon Seow (GĐ Công ty AP - Singapore) gửi trước khi diễn ra phiên phúc thẩm lần này. Trong bản tuyên thệ này có đoạn: “Tôi biết ông Dũng, nguyên Chủ tịch Vinalines và các con của ông trong thời gian họ học tập tại Singapore. Tuy nhiên, tôi chưa từng liên hệ và trao đổi trực tiếp hoặc gián tiếp với ông Dũng về việc bán ụ nổi 83M. Tôi cũng chưa từng liên hệ hay trao đổi với ông Phúc, cựu Tổng giám đốc Vinalines về việc mua bán ụ nổi 83M này. Chỉ duy nhất một lần tôi đến chào xã giao ông Phúc tại trụ sở Vinalines tại Hà Nội, cùng đi có các ông Chiều, Sơn và một phiên dịch”. "Việc thương thảo thủ tục mua bán ụ nổi 83M được tiến hành giữa tôi và các cán bộ đại diện Vinalines mà ông Trần Hải Sơn là người đứng đầu”.

16h00: Về các lời khai của bị cáo Sơn, luật sư Triển nêu quan điểm cho rằng, bị cáo Sơn thừa nhận mình có mối quan hệ thân tình với ông Goh (GĐ Công ty AP) từ trước. Về số tiền lại quả 1,66 triệu USD, bị cáo Sơn khai nhận đã trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với ông Goh để bàn bạc về khoản tiền này. Ông Triển cho rằng, để kết án tội danh tham nhũng thì cần phải có đầy đủ bằng chứng và chứng cứ phải đủ mạnh.

Việc Tòa sơ thẩm tuyên bị cáo Dũng tử hình về hành vi tham ô chưa thực sự thuyết phục. Do đó luật sư Triển đề nghị HĐXX phúc thẩm xem xét các bằng chứng trước khi tuyên thân chủ Dương Chí Dũng phạm tội này.

15h40: Luật sư Trần Đình Triển bước vào phần nêu quan điểm trước HĐXX. Ông Triển cho rằng, việc đại diện VKS đề nghị nâng mức phạt bồi thường trách nhiệm dân sự đối với Dương Chí Dũng là không có căn cứ. Luật sư Triển cho rằng ở đây không có kháng cáo, kháng án nào về việc nâng mức phạt, do đó VKS đề nghị như trên là không có căn cứ.

15h30: Cuối cùng, luật sư Thắng kết luận, việc Dương Chí Dũng là Chủ tịch HĐQT nhưng vẫn còn có các thành viên khác khi tham gia xem xét một chủ trương nào đó. Do đó, bị cáo Dũng không phạm tội Cố ý làm trái. Quan điểm bào chữa của luật sư Thắng cho rằng, nếu một chủ trương mà bị cáo Dũng không đồng ý nhưng HĐQT vẫn thực hiện thì lúc đó bị cáo Dũng vẫn phải theo ý của HĐQT. Từ đó, luật sư đề nghị tuyên cựu Chủ tịch Vinalines không phạm tội “Cố ý làm trái”.

15h25: Khi được nêu quan điểm của mình, luật sư Thắng cho rằng, ở Vinalines ngoài Dương Chí Dũng còn có các thành viên khác trong HĐQT trước khi đưa ra một quyết định nào. Do đó, luật sư đề nghị HĐXX xem xét để không bỏ lọt tội phạm. Đề cập đến lời khai của bị cáo Sơn, nói rằng Sơn đã đưa tiền cho bị cáo Dũng và Phúc, luật sư Thắng nêu quan điểm, trong những lần bị cáo Sơn nói đưa tiền nhưng lại không đưa ra được chứng cứ chứng minh.

15h20: Luật sư Thủy cho rằng việc quy kết Dương Chí Dũng tội tham ô là không chính xác, bởi lẽ Dương Chí Dũng không trực tiếp quản lý tài sản của Vinalines. Số tiền 1,66 triệu USD không có căn cứ nào chứng minh nó là tài sản của Vinalines. Ngoài ra, việc 'ăn chia' số tiền này như bị cáo Sơn khai cũng không có căn cứ nào để xác minh. Cuối cùng, luật sư Thủy đề nghị HĐXX Tòa phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm, điều tra lại.

15h08: Luật sư Ngô Ngọc Thủy nêu quan điểm, HĐXX cần xem xét kỹ hơn các chứng cứ, cần xem xét mối quan hệ giữa bị cáo Dũng, Phúc và ông Goh, GĐ Công ty AP - Singapore. Ngoài ra, luật sư Thủy cho rằng, các chứng cứ đã đưa ra không có đủ cơ sở pháp lý để kết tội Dương Chí Dũng tham ô tài sản.

Xet xu phuc tham Duong Chi Dung, Ngay 2 xet xu Duong Chi Dung, Duong Chi Dung, Truc tiep xet xu Duong Chi Dung

Luật sư Ngô ngọc Thủy trình bày quan điểm trước HĐXX

15h08: Luật sư Ngô Ngọc Thủy nêu quan điểm, HĐXX cần xem xét kỹ hơn các chứng cứ, cần xem xét mối quan hệ giữa bị cáo Dũng, Phúc và ông Goh, GĐ công ty AP - Singapore. Ngoài ra, luật sư Thủy cho rằng, các chứng cứ đã đưa ra không có đủ cơ sở pháp lý để kết tội Dương Chí Dũng tham ô tài sản.

14h53: Trên cơ sở kết luận của đại diện VKS, luật sư bào chữa được HĐXX cho phép nêu quan điểm bào chữa của mình. Luật sư Ngô Ngọc Thủy là người đầu tiên nêu quan điểm bào chữa của mình trước HĐXX.

Xet xu phuc tham Duong Chi Dung, Ngay 2 xet xu Duong Chi Dung, Duong Chi Dung, Truc tiep xet xu Duong Chi Dung

Dương Chí Dũng cùng đồng phạm trong phiên xử phúc thẩm chiều 23/4

14h50: Từ các căn cứ luận tội trên, đại diện VKS kết luận:

Với bị cáo Dương Chí Dũng, bản án Tòa sơ thẩm đã tuyên 18 năm về hành vi Cố ý làm trái là có cơ sở, cần xem xét việc tăng mức bồi thường trong vụ án với bị cáo. Với bị cáo Phúc, trong vụ án này Phúc có vai trò thấp hơn bị cáo Dũng.  Án sơ thẩm đã tuyên phạt Phúc 18 năm tù về tội Cố ý làm trái, nghĩa là bằng với bị cáo Dũng.  Án như vậy là cao. Còn mức bồi thường dân sự như vậy là phù hợp.

Với bị cáo Dương, án sơ thẩm đã tuyên là có cơ sở. Tuy nhiên, xét thấy hành vi và vai trò của bị cáo trong vụ án, việc tuyên bồi thường dân sự số tiền 15 tỷ đồng là cao. Đại diện VKS đề nghị HĐXX phúc thẩm xem xét giảm một phần bồi thường dân sự cho bị cáo Dương.

14h45: Đại diện VKS tiếp tục nêu quan điểm, đối với hai bị cáo Dũng và Phúc, hành vi phạm tội là cực kỳ nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho xã hội. Tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX cấp sơ thẩm đã tuyên mức án cao nhất là tử hình dành cho hai bị cáo. Trước khi phúc thẩm, mặc dù gia đình Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc đã nộp một khoản tiền nhằm khắc phục hậu quả, tuy nhiên với tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội, không có đủ cơ sở để giảm nhẹ hình phạt.

Về việc kê biên 3 tòa nhà của Dương Chí Dũng, đại diện VKS nêu quan điểm, mặc dù nhà là tài sản chung của vợ chồng Dũng, nhà đứng tên chị T. Tuy nhiên, xét thấy hành vi tham ô của Dũng là nghiêm trọng, việc kê biên tài sản là hoàn toàn đúng với quy định của pháp luật. Do đó, kháng cáo việc kê biên tài sản của những người có quyền và nghĩa vụ liên quan là không đủ cơ sở để xem xét.

14h37: Về khoản tiền 'ăn chia' mà bị cáo Sơn khai nhận là đã đưa cho Dũng 10 tỷ đồng, đưa cho Phúc 10 tỷ đồng. Mặc dù, bị cáo Dũng và Phúc không thừa nhận đã nhận số tiền này. Tuy nhiên, quá trình điều tra và các chứng cứ đã xác định, các bị cáo đã nhận tiền.

14h25: Quá trình đọc kết luận vụ án, đại diện VKS nêu quan điểm cho rằng, thông qua những căn cứ ở phần xét hỏi, đã đủ để xác định tội danh Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng của các bị cáo.

Đại diện VKS nêu tiếp, mặc dù các bị cáo không bàn bạc trực tiếp với nhau trước khi đưa ra chỉ đạo nhưng các bị cáo đã đồng thuận về mặt ý chí, cùng nhau thực hiện hành vi phạm tội. Các bị cáo khác là cấp dưới, bị cáo ở Cục Đăng kiểm, Chi cục Hải quan Khánh Hòa đã tiếp sức cho hành vi phạm tội của các bị cáo Dũng và Phúc.

14h10: Đại diện VKS đang đọc bản kết luận vụ án Dương Chí Dũng và đồng phạm.

12h10: HĐXX tuyên bố kết thúc buổi làm việc sáng nay. Đúng 14h chiều nay, HĐXX tiếp tục việc xét hỏi.

11h55: Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Văn Sơn tiếp tục hỏi bị cáo Mai Văn Khang. Khang khẳng định có mặt thực tế kiểm tra tại ụ nổi và sau 1 ngày ông Goh có mặt tại Việt Nam, Khang đã gặp ông Goh. 

Khang cũng cung cấp thông tin, Mai Văn Phúc trước khi có đoàn khảo sát đi đã đồng ý ký hợp đồng với một cơ quan giám định độc lập (Marilex) nhưng vẫn mời thêm đăng kiểm viên Lê Văn Dương đi cùng, nhưng việc này không sai quy định.

11h50: Đại diện Cục Đăng kiểm dẫn chứng, ụ nổi của nhà máy đóng tàu Ba Son hiện nay gần 100 tuổi vẫn hoạt động bình thường. Qua đó, vị này khẳng định tại Việt Nam có những ụ nổi đã 60-70 tuổi vẫn hoạt động bình thường và đủ điều kiện hoạt động thì cơ quan quản lý vẫn phân cấp.

11h10: Thẩm phánchủ tọa Nguyễn Văn Sơn công bố văn bản của Bộ GTVT gửi Chi cục Hải quan Khánh Hòa, về việc định nghĩa ụ nổi. Bộ cho rằng ụ nổi không phải là tàu biển mà là một thiết bị sửa chữa tàu di động, nên không bị giới hạn bởi quy định tuổi nhập khẩu (không quá 15 tuổi).

Thẩm phán nhận định, kết luận giám định của liên Bộ cũng đã nêu rõ vấn đề này.

 

Án tử hình với Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc là phù hợp

Quang cảnh các phóng viên đang tác nghiệp ngày thứ 2 phiên xử phúc thẩm vụ Dương Chí Dũng

 

10h55: Luật sư Nguyễn Đình Hưng thẩm vấn bị cáo Huỳnh Hữu Đức (nguyên Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Vân Phong, Khánh Hòa). Người đã bị kết án 8 năm tù tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước tại phiên tòa sơ thẩm.

 

Án tử hình với Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc là phù hợp

Bị cáo Huỳnh Hữu Đức trong ngày xét xử thứ 2

10h50: Luật sư Phúc đề nghị được hỏi thêm đại diện Bộ GTVT, Bộ Tài Chính. Phó Chánh Thanh tra Bộ GTVT cho rằng không biết văn bản trả lời của Bộ gửi cho bị cáo Lê Văn Dương. 

Về phía đại diện Bộ Tài Chính nhắc lại nội dung đã khẳng định cuối giờ chiều qua, cơ quan giám định liên ngành (5 Bộ) đã thống nhất nhận định ụ nổi không phải là tàu biển. Theo đó, Hải quan Vân Phong không có sai phạm gì trong việc giám định nên không thể quy trách nhiệm gì các cán bộ đơn vị này.

10h45: Luật sư Phúc tiếp tục thẩm vấn bị cáo Dương. Luật sư Phạm Thị Hồng Phúc đề cập đến văn bản trả lời của Bộ GTVT đối với đơn kêu oan của đăng kiểm viên Lê Văn Dương. Phân xử nội dung hỏi về việc ụ nổi có phải là tàu biển không, cơ quan chuyên môn này đã khẳng định ụ nổi không phải tàu biển. Theo bị cáo Dương, đây là văn bản thứ 3 cùng về nội dung này Bộ GTVT đã đưa ra (văn bản được Bộ này gửi đến trại giam T16 Bộ Công an).

Theo bị cáo Dương, hệ thống quy phạm tàu biển bao gồm cả container, chuông lặn ở biển, hệ thống điều khiển thiết bị tự động và từ xa… Nhưng rõ ràng, những thiết bị này không phải là tàu biển. Vậy thì sao lại quy kết ụ nổi cũng là tàu biển.

10h42: Nữ luật sư Trần Hồng Phúc xét hỏi bị cáo Chiều. Luật sư: Bị cáo là người đại diện cho Vinalines, bị cáo có thương thảo gì với hải quan trong vấn đề này không. Bị cáo trả lời rằng, bị cáo không trao đổi gì.

10h40: Bị cáo Dương khẳng định, trong báo cáo của mình đã viết rõ rằng, ụ nổi có tuổi đã già và tình trạng kỹ thuật không còn đảm bảo, có nhiều chi tiết quá cũ. Do đó, bị cáo Dương nghĩ rằng Vinalines không thể dựa vào báo cáo đó để quyết định việc mua ụ nổi được. Theo bị cáo Dương, bị cáo chỉ tham gia một khâu rất nhỏ trong quá trình mua ụ nổi, đó là quá trình khảo sát chi tiết kỹ thuật.

10h32: Luật sư tiếp tục với phần đặt câu hỏi đối với bị cáo  Lê Văn Dương (Đăng kiểm viên - Cục Đăng kiểm Việt Nam). Nội dung câu hỏi xoay quanh báo cáo của bị cáo Dương, đại diện cho Cục Đăng kiểm Việt Nam khi Dương được yêu cầu tham gia đoàn khảo sát ụ nổi ở Nga.

Bị cáo Dương cho biết, khi được cử tham gia đoàn khảo sát, bị cáo hoàn toàn khảo sát theo yêu cầu của khách hàng, là Vinalines. Dương một mực cho rằng, chỉ thực hiện theo các yêu cầu từ phía Vinalines.

10h10: Trong phần đặt câu hỏi của các luật sư, hầu hết các câu hỏi đều hỏi lại xoay quanh lời khai của các bị cáo tại phiên xử phúc thẩm ngày hôm qua và tại CQĐT. Mục đích của các luật sư là xem bị cáo có khẳng định lại những lời khai đó hay không, hay bị cáo thay đổi lời khai. Mặc khác, các luật sư chủ yếu xoáy vào việc ai chỉ đạo mua ụ nổi và việc 'ăn chia' khoản tiền 10 tỷ đồng 'lại quả'. Đáng chú ý, trong phần đặt câu hỏi của các luật sư, bị cáo Mai Văn Phúc đã từ chối việc chỉ đạo mua ụ nổi. Ngược lại, Mai Văn Phúc biện giải, do mình tin tưởng bị cáo Chiều nên đã để Chiều tham gia và thực hiện dự án ụ nổi từ đầu đến cuối.

Đáng chú ý, trong phần đặt câu hỏi của các luật sư, bị cáo Mai Văn Phúc đã từ chối việc chỉ đạo mua ụ nổi. Ngược lại, Mai Văn Phúc biện giải, do mình tin tưởng bị cáo Chiều nên đã để Chiều tham gia và thực hiện dự án ụ nổi từ đầu đến cuối. Trong khi đó, trả lời trước các luật sư, bị cáo Chiều một mực khẳng định việc mua ụ nổi là về sửa chữa để sử dụng chứ không phải mua về sử dụng ngay. Bởi vì, trên ụ nổi thì hệ thống máy phát điện đã hỏng, hơn nữa ụ nổi cũng đã cũ.

9h50: Luật sư Lê Minh Công cho rằng, việc quy kết hành vi của các bị cáo căn cứ trên kết luận này là không hợp lý. Lý giải cho sự không hợp lý này, luật sư đã đi sâu phân tích việc một cơ quan giám định độc lập đưa ra đánh giá về ụ nổi không khác so với kết luận của đoàn khảo sát do Vinalines cử đi Nga.

9h47: Để kiểm chứng cho lời khai của bị cáo Sơn, luật sư Nguyễn Huy Thiệp đã trình lên HĐXX hai bức ảnh chụp căn nhà của Mai Văn Phúc.

9h40: Luật sư Nguyễn Huy Thiệp vặn bị cáo Trần Hải Sơn về việc nói lý do, nguồn gốc khoản tiền khi chuyển cho Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc. Bị cáo Sơn đáp: “Mặc nhiên các anh ấy biết là tiền gì”.

Án tử hình với Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc là phù hợp

Bị cáo Trần Hải Sơn liên tục bị các luật sư 'xoay' quanh việc đưa số tiền 10 tỷ đồng 'lại quả'

Luật sư Thiệp cho rằng, khi đưa tiền đã không nói tiền do đâu có thì việc ở Cơ quan điều tra lúc nào cũng nhắc lại điệp khúc đưa tiền hoa hồng từ ụ nổi 83M là có chủ ý, không bình thường.

 

Luật sư Thiệp truy tiếp Sơn, yêu cầu tả lại nhà của Phúc tại quê An Dương, Hải Phòng như thế nào. Bị cáo Sơn cáu: “Khổ quá. Cứ hỏi bị cáo chi tiết xong vặn. Bị cáo không nhớ những cái đó nhưng nếu giờ HĐXX cho xe chở, bị cáo sẽ đưa về đúng căn nhà đó”.

9h30: Luật sư Ngô Ngọc Thủy hỏi lại thân chủ Dương Chí Dũng. Dũng khẳng định lại chỉ gặp ông Goh tại hội thảo về ụ nổi tại Tổng Công ty một lần, chỉ bắt tay, chào xã giao.

9h20:  Luật sư Trần Đại Thắng tiếp tục hỏi Trần Phú Hà (em gái bị cáo Sơn). Chị Hà là GĐ Công ty Phú Hà.

Luật sư băn khoăn, sau hợp đồng kinh doanh này, Công ty Phú Hà hạch toán thuế với gần 30 tỷ đồng chuyển về thế nào? Bà Hà từ chối trả lời vì cho rằng đây là hoạt động kinh doanh riêng của doanh nghiệp. Ông Thắng hỏi tiếp việc bà Hà mua nhà, đất trong quá trình này. Bà Hà phản ứng cho rằng đây là việc cá nhân, gia đình, luật sư không có quyền hỏi.

9h18:  Bị cáo Trần Hải Sơn cho rằng khi làm như vậy thì bị cáo không nghĩ các em của bị cáo sẽ bị liên đới hay đồng phạm.

9h15: Bị cáo Sơn lý giải: Bộ hợp đồng khống này lúc đó không ai phát hiện ra, theo ông Goh cho biết thì bị cáo làm là để phù hợp với ngân hàng của họ để việc chuyển tiền được dễ dàng. Thưa HĐXX, việc họ chuyển tiền thế nào thì tôi không rõ.

Luật sư Trần Đại Thắng: Bị cáo có bàn với ai về việc soạn thảo bộ HĐ này không? Bị cáo Sơn: Bị cáo chỉ trao đổi với ông Goh, không liên quan gì đến ông Dũng hay ông Phúc.

9h10: Luật sư Trần Đại Thắng  tiếp tục phần xét hỏi của mình với bị cáo Sơn. 

Luật sư Thắng: Công ty AP chuyển tiền về công ty Phú Hà là theo hóa đơn thương mại hay theo hợp đồng kinh doanh? Bị cáo Sơn: Phú Hà hoàn toàn không làm giấy tờ hải quan, lý do chuyển tiền thì tôi cũng không biết nghiệp vụ ngân hàng họ làm như thế nào. Thưa HĐXX, tất cả những cái này thì bị cáo đã khai là hợp đồng khống, bây giờ mà hỏi bị cáo tại sao lại lập hồ sơ thì bị cáo cũng không biết.

Luật sư Thắng hỏi: Các thủ tục chuyển tiền là do bị cáo làm hay chỉ đạo em gái là Hà làm? Bị cáo Sơn: Hoàn toàn là do Công ty AP tạo dựng để phù hợp với ngân hàng của họ.

9h: Luật sư Trần Đại Thắng xét hỏi bị cáo Trần Hữu Chiều (nguyên Phó Tổng giám đốc Vinalines). Bị cáo Chiều cho biết, tháng 1, 2/2007 Công ty AP đã chào bán ụ Doc220. Chiều biết công ty này và GĐ Goh Hoon Seow từ khi đó.

 

Án tử hình với Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc là phù hợp

Luật sư Thắng thẩm vấn bị cáo Trần Hữu Chiều (nguyên phó Tổng giám đốc Vinalines).

 

8h47: Luật sư Triển đề cập bút lục ghi lời khai của Sơn về việc thỏa thuận với ông Goh Hoon Seow để chuyển khoản số tiền 1,666 triệu USD về Việt Nam qua công ty Phú Hà. Thời điểm thỏa thuận diễn ra trước khi Vianlines ký hợp đồng mua ụ nổi. Khi đó, ông Goh gặp Sơn tại khách sạn Hoa Hồng, gần Tổng Công ty Hàng hải.

 

Chủ tọa phiên tòa “thổi còi” luật sư là việc đọc trích bút lục không đúng, trong 1 bút lục thì cũng câu trước nói, câu sau lại “ỉm” đi, nối giữa câu nọ với câu kia theo hướng có chủ đích.

 

8h37: Luật sư Trần Đình Triển vặn hỏi bị cáo Trần Hải Sơn lại những tình tiết đã khai tại ngày đầu tiên của phiên xử phúc thẩm, câu trả lời của Trần Hải Sơn là xin giữ nguyên những gì đã khai với CQĐT. Luật sư Triển hỏi về thời điểm gọi điện liên lạc với Dương Chí Dũng để đến đưa 5 tỷ đồng tại khách sạn Victory. Sơn khai chính xác ngày hôm đó có liên lạc với cựu Chủ tịch Vinalines nhưng không nhớ rõ là 16h chiều hay vào lúc muộn hơn. Khi luật sư Triển đề cập đến lời khai của Sơn tại CQĐT, rằng Sơn và ông Goh (GĐ công ty AP) đã gặp nhau và thỏa thuận việc 'ăn chia' số tiền gần 1,7 triệu USD tiền lại quả từ việc mua ụ nổi. Bị cáo Sơn khẳng định lại: Về mặt thời gian thì bị cáo không còn nhớ rõ từng mốc thời gian.

Án tử hình với Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc là phù hợp

Bị cáo Trần Hải Sơn trước vành móng ngựa tại phiên xử phúc thẩm Dương Chí Dũng ngày thứ 2

8h35: Luật sư Trần Đình Triển xét hỏi bị cáo Trần Hải Sơn. Luật sư Triển tiếp tục hỏi bị cáo về những gì bị cáo khai tại CQĐT và phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm ngày đầu tiên. Bị cáo Sơn khẳng định giữ nguyên lời khai. Trả lời luật sư Triển, bị cáo Sơn vẫn tiếp tục khẳng định đã đưa cho Dũng 10 tỷ đồng và đưa cho Phúc 10 tỷ đồng tiền 'lại quả' hợp đồng mua ụ nổi 83M.

8h33: Tiếp tục xét hỏi bị cáo Sơn, luật sư Được xác nhận lại những lời khai mà bị cáo đã khai ngày hôm qua và tại CQĐT. Trả lời luật sư, bị cáo Sơn vẫn khẳng định và giữ nguyên các lời khai này. Khi luật sư đề cập đến việc đưa tiền cho bị cáo Dũng và Phúc và hỏi về bằng chứng về việc Dũng và Phúc chỉ đạo Sơn nhận số tiền 'lại quả'; bị cáo Sơn nói rằng: Tôi đã khai tất cả tại CQĐT, tôi giữ nguyên những lời khai này. Và khi đưa tiền cho Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc bị cáo Sơn khẳng định không có ai chứng kiến.

8h30: HĐXX làm rõ phương thức Mai Văn Phúc chỉ đạo Trần Hải Sơn bằng cách nào. Tháng 1/2007, Mai Văn Phúc chưa về lãnh đạo tại Tổng công ty, nhưng trong lời khai bị cáo nói rằng Dũng và Phúc đã chỉ đạo anh khảo sát để mua ụ nổi. Lúc đó Phúc chưa về lãnh đạo, vậy Phúc chỉ đạo anh bằng phương thức nào?

Bị cáo Trần Hải Sơn: Thưa HĐXX, tôi xin giữ nguyên những lời khai đã khai tại CQĐT, về mốc thời gian vì quá lâu rồi nên tôi cũng không nhớ rõ.

8h25: Bị cáo Trần Hải Sơn được luật sư Được đề nghị xét hỏi.

8h20: Bị cáo Phúc khai không nhận tiền của từ bị cáo Sơn trong vụ mua ụ nổi. 

Tòa hỏi: Bị cáo nghĩ gì về những lời khai của Sơn, rằng 3 lần đưa tiền cho bị cáo?

Bị cáo Mai Văn Phúc: Bị cáo hoàn toàn không nhận tiền từ Sơn. Thưa HĐXX, bị cáo Sơn đã nhiều lần thay đổi lời khai về việc này.

Án tử hình với Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc là phù hợp

Bị cáo Mai Văn Phúc tại phiên xử phúc thẩm vụ án Dương Chí Dũng ngày thứ 2

8h10: Bị cáo Mai Văn Phúc được tiếp tục xét hỏi với phần thẩm vấn của các luật sư. Bị cáo Phúc khai nhận, sau khi về nhậm chức tại Vinalines, quá trình bàn giao ông Phúc chỉ nhận bàn giao tổng thể. Bị cáo Phúc thừa nhận đã thiếu trách nhiệm trong quản lý, trong quá trình lãnh đạo đã để nhiều vấn đề sai trái xảy ra gây thất thoát tiền của của Nhà nước. "Ở trong tù bị cáo lúc nào cũng suy nghĩ về sự thiếu trách nhiệm của mình", bị cáo Phúc nói.

8h00: HĐXX bước vào làm việc, tiếp tục với phần xét hỏi các bị cáo và những người có quyền, nghĩa vụ liên quan.

7h45: 8h mới bắt đầu phiên xử, tuy nhiên từ 7h40, ông Dương Chí Dũng đã có mặt tại phòng xét xử. Ông Dũng vẫn mặc áo sơ mi trắng, chắp hai tay đằng trước.

Án tử hình với Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc là phù hợp

Bị cáo Dương Chí Dũng tại phiên tòa xét xử phúc thẩm ngày thứ 2

Sau phiên xử sơ thẩm tại TAND TP Hà Nội, 9 trong số 10 bị cáo gửi đơn kháng án gồm: Dương Chí Dũng kêu oan tội Tham ô và đề nghị xem xét lại tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế; Mai Văn Phúc (nguyên Tổng giám đốc Vinalines, án sơ thẩm tử hình) kêu oan; Trần Hải Sơn (nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines, án sơ thẩm 22 năm tù) xin giảm nhẹ hình phạt và mức bồi thường; Trần Hữu Chiều (nguyên Phó tổng giám đốc Vinalines, an sơ thẩm 19 năm) xin giảm hình phạt, miễn trách nhiệm tội tham ô tài sản; Lê Văn Dương (nguyên đăng kiểm viên Chi cục Đăng kiểm số 6, Cục Đăng kiểm Việt Nam, án sơ thẩm 7 năm tù) kêu oan và xem xét tiền bồi thường dân sự.

Bên cạnh đó, bị cáo Lê Ngọc Triện (nguyên Đội trưởng nghiệp vụ Chi cục Hải quan Vân Phong, án 8 năm) xin giảm hình phạt, giảm bồi thường thiệt hại; Lê Văn Lừng (nguyên cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong, 8 năm) xin giảm hình phạt, giảm bồi thường thiệt hại; Mai Văn Khang (nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên vận tải viễn dương Vinashin thuộc Vinalines, 7 năm tù) xin giảm nhẹ hình phạt; Huỳnh Hữu Đức (nguyên Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Vân Phong kiêm Phó Chánh văn phòng Cục hải quan Khánh Hòa, án 8 năm) xin giảm hình phạt, giảm bồi thường.

Trong ngày đầu tiên xem xét kháng án của các bị cáo, quá trình xét hỏi, hai bị cáo chính của vụ án là Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc một mực kêu oan. Hai bị cáo này cho rằng cả hai đều không nhận số tiền ‘lại quả’ việc mua ụ nổi 83M, mỗi bị cáo 10 tỷ đồng.

Ngoài ra, bà Phạm Thị Mai Phương (vợ bị cáo Dương Chí Dũng) cũng kháng cáo đề nghị trả lại nguyên trạng 3 căn nhà đã kê biên của gia đình. Phan Thị T. (bạn gái Dương Chí Dũng) kháng cáo cho rằng căn hộ tại chung cư cao cấp 88 Láng Hạ (Hà Nội) kê biên của ông Dũng có một phần tiền cô góp vào.

Diễn biến vụ án:

Ngày 1/2/2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án Tham ô tài sản xảy ra tại Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines thuộc Tổng công ty Hàng hải, Vinalines.

Ngày 17/5/2012, cơ quan điều tra khởi tố thêm tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Lúc này, ông Dũng đã rời Vinalines được 2 tháng sau nhiều năm làm Chủ tịch HĐQT để giữ chức Cục trưởng Hàng hải.

Tiếp đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công khởi tố bị can với ông Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hữu Chiều, Bùi Thị Bích Loan, Mai Văn Khang, Lê Văn Dương, Huỳnh Hữu Đức, Lê Văn Lừng, Lê Ngọc Triện và Trần Hải Sơn về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngay sau đó, ông Dương Chí Dũng bỏ trốn trước khi cơ quan điều tra thực thi lệnh bắt vào ngày 18/5/2012. Đầu tháng 9/2012, ông Dũng bị bắt theo lệnh truy nã quốc tế tại Campuchia.

10 bị cáo bị TAND Hà Nội tuyên phạt ở cấp sơ thẩm:

1. Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines án tử hình về tội Tham ô tài sản, 18 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước.Tổng án phạt là tử hình.

2. Mai Văn Phúc, nguyên Tổng giám đốc Vinalines án tử hình về tội Tham ô tài sản, 18 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước. Tổng án phạt là tử hình.

3. Trần Hải Sơn (nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH sữa chữa tàu biển Vinalines) 14 năm tù về tội Tham ô, 8 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước. Tổng án phạt là 22 năm tù.

4. Trần Hữu Chiều (nguyên Phó Tổng giám đốc Vinalines): 10 năm tù về tội tham ô, 9 năm tù về tội cố ý làm trái quy định nhà nước. Tổng án phạt là 19 năm tù.

5. Mai Văn Khang (nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Vận tải Viễn dương Vinashin thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam) 7 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước.

6. Bùi Thị Bích Loan (nguyên kế toán trưởng Vinalines) 4 năm tù tội Cố ý làm trái quy định nhà nước.

7. Lê Văn Dương (Đăng kiểm viên - Cục Đăng kiểm Việt Nam) 7 năm tù tội Cố ý làm trái quy định nhà nước.

8. Huỳnh Hữu Đức (nguyên Phó Chi cục trưởng Chi cục hải quan Vân Phong, Khánh Hòa) 8 năm tù tội Cố ý làm trái quy định nhà nước.

9. Lê Ngọc Triện (Đội trưởng Đội nghiệp vụ Chi cục Hải quan Vân Phong) 8 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước.

10. Lê Văn Lừng (Cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong) 8 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước.

Ngoài ra, HĐXX buộc các bị cáo trả lại số tiền 28 tỷ đồng tham ô, liên đới bồi thường số tiền hơn 366 tỷ đồng do hành vi làm trái quy định nhà nước. Trong đó, Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc mỗi người phải bồi thường 110 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Án tử hình với Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc là phù hợp