Cuộc chiến thương mại "ăn miếng trả miếng" giữa Mỹ và Trung Quốc đang khiến các thị trường tài chính chao đảo, thậm chí có nguy cơ hủy hoại các mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Mới đây, Tổng thống Trump đã chính thức thông báo sẽ áp gói thuế 200 tỷ USD lên hàng nghìn mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Tiếp tục đánh thuế lên hàng hóa Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump tin rằng Bắc Kinh rốt cuộc sẽ phải nhượng bộ trước những yêu cầu cải cách thương mại của ông.
Nhà lãnh đạo Mỹ còn cảnh báo nếu Bắc Kinh phản đòn, ông sẽ tiến tới giai đoạn 3, áp thuế lên khoảng 267 tỷ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Điều đó có nghĩa tất cả hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ có thể chịu thuế nhập khẩu.
Tuy nhiên, ngay lập tức, Chủ tịch Tập Cận Bình đã phản ứng bằng cách tăng thuế lên lượng hàng nhập khẩu từ Mỹ trị giá 60 tỷ USD. Bắc Kinh cũng bất ngờ tuyên bố hủy đàm phán với Washington trong bối cảnh Mỹ - Trung Quốc lún sâu vào cuộc chiến thương mại toàn diện.
Các hiệp hội doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ, trong đó có Hiệp hội Các nhà sản xuất quốc gia Mỹ, Phòng Thương mại Mỹ và Hiệp hội Bán lẻ quốc gia cùng nhiều tổ chức khác đã chỉ trích dữ dội cuộc chiến thương mại của ông Trump, cho rằng nó vừa tốn kém vừa phản tác dụng. Hàng trăm doanh nghiệp Mỹ cũng phản đối gay gắt chuyện tăng thuế tại các buổi chất vấn công khai.
Một loạt doanh nghiệp, trong đó có Target, Apple, Walmart, những tập đoàn bán lẻ lớn nhất của Mỹ, trong bức thư gửi đến chính quyền Trump đã cảnh báo rằng các gói thuế nhằm vào Trung Quốc sẽ làm giá cả hàng hóa gia tăng.
Cuộc chiến thương mại "ăn miếng trả miếng" giữa Mỹ và Trung Quốc đang khiến các thị trường tài chính chao đảo
Cũng kể từ sau khi ông Trump thông báo các kế hoạch thuế quan, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ đã nhận được 6.000 phản hồi, hầu hết là phản đối. Ngay cả các nhà kinh tế hàng đầu cũng lo ngại về chủ trương của Tổng thống Trump là tiếp tục đánh thuế theo mỗi lần Trung Quốc đáp trả.
Một số chuyên gia Mỹ cũng cho rằng, trong dài hạn tỉ lệ thất nghiệp của Mỹ có thể gia tăng bởi hậu quả của chương trình đánh thuế của ông Trump. Nếu cuộc chiến thương mại bước vào giai đoạn toàn diện, giá cả hàng hóa gia tăng, sức mua có thể giảm mạnh khiến tăng trưởng giảm theo, từ đó hoạt động sản xuất trở nên khó khăn và việc cắt giảm lao động là hệ quả khả dĩ. Việc cơ cấu lại các hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp không thể diễn ra tức thì.
Trong khi đó, nhà kinh tế học Gary Hufbauer thuộc Viện Kinh tế quốc tế nhận định với báo Washington Post rằng, sẽ không tránh khỏi một cuộc chiến tranh lạnh về kinh tế với Trung Quốc. Từ đó, mỹ sẽ thấy sự hạn chế của mọi liên hệ kinh tế.
Ngoài ra, ý định muốn giúp những người bị tổn thương bởi toàn cầu hóa thông qua đánh thuế cao hơn hoặc dùng các hình thức bảo hộ khác sẽ làm tăng giá cả và làm gây thiệt cho mọi người tiêu dùng, đặc biệt là các gia đình nghèo và trung lưu.
Trong một bài phân tích trên trang Business Insider, nhà báo Mary Hanbury mổ sẻ cách thức thuế quan của ông Trump đang buộc các nhà sản xuất Mỹ phải tăng giá. Bởi, nó khiến các công ty đặt ở Mỹ phải nhập khẩu với giá cao hơn, và chính người tiêu dùng Mỹ phải hứng gánh nặng.
Các mức thuế mới cũng phủ bầu căng thẳng lên lĩnh vực bán lẻ, đặc biệt sau quyết định 200 tỷ USD của ông Trump. Nhiều nhà bán lẻ sẽ phải đối mặt với lựa chọn "tự chịu trận " hoặc đẩy mức giá tăng sang người tiêu dùng.
Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh cũng trả đũa thuế lên 60 tỉ USD hàng hóa Mỹ, dự kiến có hiệu lực kể từ tuần tới. Nhưng giới quan sát nhận định, Trung Quốc đang âm thầm giúp đỡ các doanh nghiệp trong nước ổn định, đồng thời tranh thủ thời gian này củng cố sức mạnh doanh nghiệp ở thị trường nội địa khi các doanh nghiệp Mỹ đang gặp khó khăn khi bị Trung Quốc tấn công.
Hiện giờ, dù ông Trump tỏ ra rất tự tin và quyết tâm nhưng giới quan sát vẫn đặt ra câu hỏi liệu việc Trung Quốc chấp nhận bị đánh thuế và “quay lưng” với các chuyên gia đàm phán người Mỹ, thì liệu ông Trump có sẵn sàng đánh gói thuế cuối cùng, đẩy xung đột thương mại Mỹ - Trung thành một cuộc chiến thương mại toàn diện và có ảnh hưởng đến toàn cầu, dự báo sẽ có tác động lâu dài và không thể tìm ra giải pháp tức thời.