9 nhiệm vụ, giải pháp về cải cách tư pháp của Tòa án đến 2030, định hướng 2045

Nhóm PV| 09/01/2022 15:58
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 9/1, tại Hội nghị triển khai công tác Tòa án 2022, các đại biểu đã nghe Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ trình bày Báo cáo Đề án "Cải cách tư pháp tại TAND đến năm 2030, định hướng đến năm 2045". Theo đó, Ban cán sự đảng TANDTC đã xây dựng Chuyên đề này với 9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm CCTP trong thời gian tới.

anh-bai.jpg


Bối cảnh chung và yêu cầu nhiệm vụ

Phó Chánh án Nguyễn Trí Tuệ cho biết: Sau 20 năm thực hiện cải cách theo các nghị quyết của Đảng, công tác cải cách tư pháp trong TAND đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao vị thế, diện mạo, uy tín và kết quả hoạt động của Tòa án.

Vị trí, vai trò của Tòa án là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp đã được khẳng định trong Hiến pháp năm 2013; mô hình tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của TAND được cải cách mạnh mẽ, mang tính đột phá; pháp luật về tố tụng tư pháp từng bước được hoàn thiện, bảo đảm tranh tụng trong xét xử, tăng tính dân chủ, minh bạch, hiệu quả và bảo đảm sự bình đẳng giữa các chủ thể tham gia; đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là đội ngũ giữ chức danh tư pháp trong TAND được tăng cường cả về chất lượng và số lượng; sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Tòa án, vai trò, trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức Đảng các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác Tòa án được tăng cường…

Tuy nhiên, nền tư pháp nước ta còn những bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu và mong muốn của người dân; công tác cải cách tư pháp vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu như: chưa có sự thống nhất trong nhận thức về nội hàm quyền tư pháp, chủ thể thực hiện quyền tư pháp; một số nhiệm vụ được Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đề ra nhưng chưa được triển khai thực hiện hoặc đã được triển khai nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu (như chủ trương tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc đơn vị hành chính, cơ chế để bảo đảm tính độc lập của Tòa án); thực tiễn tổ chức và hoạt động của Tòa án cũng còn những hạn chế cần được tháo gỡ như: mâu thuẫn về chế độ chính sách và điều kiện bảo đảm, mâu thuẫn giữa áp lực công việc và biên chế....

Bên cạnh đó, nhiều vấn đề mới phát sinh do tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư và bối cảnh kinh tế xã hội trong nước và quốc tế cũng đặt ra yêu cầu phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách tư pháp để thích ứng tốt hơn với tình hình mới, thúc đẩy và bảo vệ quá trình phát triển bền vững về kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần hữu hiệu vào việc hiện thực hóa các mục tiêu phát triển chung của đất nước.

nguyen-tri-tue.jpg
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ trình bày báo cáo Đề án "Cải cách tư  pháp TAND đến năm 2030 định hướng 2045"

Tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy, cải cách tư pháp đang là xu thế tất yếu, liên tục và phổ biến không chỉ ở các nước đang phát triển mà còn được triển khai mạnh mẽ và hiệu quả ở tất cả các quốc gia. Cải cách tư pháp được tiến hành với quyết tâm cao, nội dung phong phú, trong đó việc ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng nền tư pháp minh bạch, hiện đại, thuận tiện cho nhân dân đều được các nước rất quan tâm.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đặt ra nhiều yêu cầu, nhiệm vụ mới đối với công cuộc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó xác định rõ “Tiếp tục xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”.

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng, đòi hỏi phải tiếp tục cải cách, đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống TAND, phát huy những thành quả đạt được, khắc phục những khó khăn, hạn chế, xây dựng nền tư pháp nước nhà tương đồng với trình độ chung của thế giới. Cải cách tư pháp trong hệ thống TAND nhằm mục tiêu thực hiện hiệu quả, nghiêm túc những nguyên tắc căn cốt trong hoạt động xét xử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và uy tín của TAND- cơ quan thực hiện quyền tư pháp;

Xây dựng hệ thống TAND chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, văn minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, hoàn thành trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam “của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”, “thượng tôn pháp luật”.

9 giải pháp về cải cách tư pháp trong TAND

Phó Chánh án Nguyễn Trí Tuệ cho hay, thực hiện Kế hoạch số 02-KH/BCĐ ngày 20/7/2021 của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, Ban cán sự đảng TANDTC xây dựng Chuyên đề “Cải cách tư pháp tại Tòa án nhân dân đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

diem-cau.jpg
Điểm cầu TAND TP Dĩ An- Bình Dương.

Kết quả nghiên cứu của Chuyên đề đưa ra 9 nhiệm vụ, giải pháp cải cách tư pháp trong thời gian tới, đó là:

-Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cơ quan tư pháp và tiến trình cải cách tư pháp;

-Xây dựng Cơ quan tư pháp (Tòa án) vì nhân dân, phục vụ nhân dân, để nhân dân cảm thụ được công bằng, lẽ phải và tin tưởng tư pháp; tăng cường sự giám sát của cơ quan dân cử và nhân dân;

- Xác định đầy đủ và khoa học về nội hàm quyền tư pháp, đặc trưng cơ bản của quyền tư pháp và chủ thể thực hiện quyền tư pháp;

- Hoàn thiện về tổ chức của Cơ quan tư pháp (Tòa án);

- Đổi mới hoạt động của cơ quan tư pháp (Xây dựng chế độ tố tụng lấy xét xử là trung tâm. Hoàn thiện cơ chế phân quyền nội bộ…);

- Nâng cao chất lượng cán bộ Tòa án, đặc biệt là chức danh tư pháp, đảm bảo số lượng cần thiết tối thiểu, có cơ cấu các chức danh tư pháp hợp lý, chế độ chính sách của đảng đặc thù;

- Tăng cường cơ sở vật chất, bảo đảm nguồn lực để xây dựng Tòa án chính quy, hiện đại, hoạt động hiệu quả;

- Đổi mới về giao kinh phí dự phòng trong năm;

- Xây dựng Tòa án điện tử tiến tới Tòa án số ở Việt Nam;

- Tăng cường hợp tác quốc tế.

Trong thời gian tới, hệ thống Tòa án cần tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả của hoạt động hợp tác quốc tế trên cả bình diện đa phương và song phương trong các lĩnh vực cụ thể như sau: Củng cố, kiện toàn hệ thống pháp luật về hợp tác quốc tế; Hoàn thiện công tác xây dựng pháp luật và phát triển án lệ; Xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; Tăng cường trao đổi, tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực tư pháp; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, vụ án hình sự, hành chính có yếu tố nước ngoài, xây dựng Tòa án điện tử.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
9 nhiệm vụ, giải pháp về cải cách tư pháp của Tòa án đến 2030, định hướng 2045