Sáng 9/1, tại Hội nghị triển khai công tác Toà án năm 2022, đồng chí Nguyễn Văn Du - Phó Chánh án TANDTC đã có báo cáo về tình hình triển khai thi hành Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án.
Triển khai thi hành Luật là nhiệm vụ chính trị quan trọng
Theo Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du, liên quan tới tình hình triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, TANDTC và các TAND đều xác định nhiệm vụ triển khai thi hành Luật là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Tòa án và đã đề xuất với Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh, thành phố nội dung triển khai thi hành Luật.
Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp nhiều tỉnh, thành phố đã bổ sung vào nhiệm vụ trọng tâm công tác, ban hành văn bản chỉ đạo triển khai thi hành Luật và phân công nhiệm vụ đối với các thành viên Ban Chỉ đạo trong việc triển khai Luật. Một số Tòa án tỉnh, thành phố nhận được được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của tỉnh ủy, sự đồng tình, tạo điều kiện của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp của tỉnh.
Nhiều Tòa án xây dựng kế hoạch để triển khai thi hành Luật đến Tòa án hai cấp, thành lập Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban chỉ đạo triển khai thi hành Luật. Lãnh đạo Tòa án cấp tỉnh ban hành nhiều văn bản để triển khai thi hành Luật; chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị cơ sở vật chất, kinh phí để triển khai thi hành theo kế hoạch của TANDTC và chỉ đạo các đơn vị thực hiện công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án; thực hiện công tác tham mưu, thống kê, tổng hợp; thành lập đoàn kiểm tra các đơn vị thực hiện theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Theo thống kê của TANDTC, toàn quốc hiện có 2.248 người được cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại tại Tòa án, trong đó số lượng bắt buộc phải qua bồi dưỡng để cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại là 1447 người.
Số lượng Hòa giải viên toàn quốc là 2.367 người. Đa số các Hòa giải viên đều có trình độ, hiểu biết pháp luật, có kinh nghiệm tiến hành hòa giải, đối thoại. Tuy nhiên, số lượng Hòa giải viên đã được bổ nhiệm thấp hơn so với định biên, có Tòa chỉ bằng hoặc dưới 1/5 số lượng định biên (như Tòa án tỉnh Đồng Nai bổ nhiệm được 35 Hòa giải viên/175 Hòa giải viên theo định biên; Tòa án tỉnh Cà Mau 22/164, Tòa án tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 25/155...).
Một số địa phương có số lượng Hòa giải viên của Tòa án hai cấp của tỉnh là rất thấp (dưới 20 Hòa giải viên) như tỉnh Kon Tum (6 Hòa giải viên), Quảng Trị (6 Hòa giải viên), Sóc Trăng (15 Hòa giải viên).
Một số Tòa án cấp huyện chưa có Hòa giải viên như TP Hà Nội có 4 Tòa án quận, huyện chưa bổ nhiệm Hòa giải viên (Tòa án TP Hà Nội, quận Bắc Từ Liêm, huyện Gia Lâm, huyện Thanh Trì); 6 Tòa án cấp huyện của tỉnh Kon Tum, 6 Tòa án cấp huyện của tỉnh Thanh Hóa...
Số lượng Hòa giải viên thiếu là do nguồn tuyển chọn Hòa giải viên còn hạn chế, đặc biệt là các địa phương ở các huyện ở miền núi, vùng sâu, vùng xa; nhân sự không đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định; một số nhân sự thiếu chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại; một số người có đủ tiêu chuẩn nhưng từ chối tham gia.
Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án
Tính đến hết tháng 9/2021, đã có 63/63 TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thi hành Luật; chỉ có một số đơn vị Tòa án cấp tỉnh, huyện của các tỉnh, thành phố này chưa triển khai.
Trong đó, có TP.Hà Nội (TAND TP Hà Nội, quận Bắc Từ Liêm, huyện Gia Lâm, huyện Thanh Trì), TP.Hải Phòng (huyện Dương Kinh, huyện đảo Bạch Long Vĩ), tỉnh Thanh Hóa (thành phố Sầm Sơn, các huyện Thiệu Hóa, Nga Sơn, Quan Hóa, Quan sơn, Lang Chánh, Mường Lát, Triệu Sơn), tỉnh Tiền Giang (TAND tỉnh và huyện Tân Phước), tỉnh Cà Mau (các huyện: Đầm Dơi, Năm Căn, U Minh).
Nguyên nhân chưa triển khai là do trụ sở làm việc không đáp ứng được yêu cầu, đang tiến hành xây dựng trụ sở mới (Hà Nội), trụ sở đi thuê nên không bố trí được phòng hòa giải, đối thoại (Hải Phòng), chưa bổ nhiệm được Hòa giải viên do không nhận được hồ sơ của người có nguyện vọng (Thanh Hóa, Cà Mau, Tiền Giang).
Số lượng đơn khởi kiện, đơn yêu cầu mà TAND cấp tỉnh và cấp huyện trên toàn quốc nhận được từ đầu năm 2021 đến ngày 30/9/2021 là 229.887 vụ việc. Số lượng vụ việc chuyển sang hòa giải, đối thoại tại Tòa án là 28.004 vụ việc (chiếm tỷ lệ 12,18% số lượng đơn khởi kiện, đơn yêu cầu mà Tòa án nhận được).
Số lượng vụ việc đã được hòa giải thành, đối thoại thành là 10.430 vụ việc (chiếm tỷ lệ 37,24 % số lượng vụ việc chuyển sang hòa giải, đối thoại). Số lượng vụ việc đã ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành là 8.682 vụ việc (chiếm tỷ lệ 83,24% số lượng vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành).
Các vụ việc được hòa giải thành chủ yếu là loại việc về hôn nhân và gia đình (khoảng trên 70%). Các tranh chấp về dân sự, khiếu kiện hành chính có tỷ lệ hòa giải thành, đối thoại thành không cao, nguyên nhân là nhiều vụ việc tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính đã trải qua nhiều cấp, nhiều lần hòa giải, đối thoại từ cấp cơ sở (thôn, bản, khối phố, xã phường) đến cấp huyện, thị xã thành phố thuộc tỉnh và khiếu nại đến cấp tỉnh không thành mới khởi kiện đến Tòa án, do đó rất khó khăn cho việc hòa giải, đối thoại thành.
Theo đánh giá của TANDTC, việc triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án có những thuận lợi nhất định đến từ sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của TANDTC; sự ủng hộ của Thường trực tỉnh ủy, Thành ủy; sự phối hợp từ các cơ quan ban ngành trong việc tuyên truyền, phổ biến Luật đến người dân....
Thẩm phán, Thư ký, công chức Tòa án luôn nêu cao nhận thức về vai trò quan trọng và ý nghĩa to lớn của công tác hòa giải, đối thoại. Đa số các Hòa giải viên trước khi được bổ nhiệm là các Thẩm phán, Điều tra viên, Kiểm sát viên nghỉ hưu, đã có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác chuyên môn nên tạo được sự tín nhiệm của đương sự, người dân khi lựa chọn hòa giải, đối thoại...
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, mặc dù đã tuyên truyền Luật đến người dân nhưng một số địa phương, đơn vị vì trình độ dân trí và hiểu biết pháp luật còn hạn chế nên việc tìm người đủ tiêu chuẩn theo quy định tương đối khó.
Kỹ năng hòa giải, đối thoại của một số Hòa giải viên còn hạn chế. Một số Hòa giải viên tuy đã được bổ nhiệm nhưng chưa được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ... Chưa có chế độ về việc được sử dụng lao động hợp đồng trong hoạt động hỗ trợ Hòa giải viên, trong khi hiện tại hầu hết các Tòa án đang phải phân công bổ sung nhiệm vụ liên quan đến hoạt động hòa giải, đối thoại...
Ngoài ra, còn các số khó khăn, vướng mắc khác như một số Hòa giải viên do tuổi cao chỉ đủ sức khỏe để làm việc tại trụ sở Tòa án; Hòa giải viên là Luật sư còn ngần ngại trong việc hòa giải, đối thoại vì nếu nhận hòa giải, đối thoại thì không được bảo vệ cho đương sự trong vụ án đó (Đồng Tháp)...
TAND kiến nghị, đề xuất tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải, đối thoại tại Toà án, đặc biệt là ở các địa phương ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa để các quy định của Luật tới mọi tầng lớp nhân dân, đổi mới về hình thức tuyên truyền tại những địa bàn thường xuyên xảy ra tranh chấp.
Chánh án TAND tỉnh, Chánh án TAND huyện nâng cao trách nhiệm trong việc chỉ đạo việc chuyển kịp thời tất cả các đơn khởi kiện, đơn yêu cầu và tài liệu kèm theo đủ điều kiện sang hòa giải, đối thoại trước khi Tòa án thụ lý vụ việc.
Tổ chức tập huấn Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án cho các cán bộ, công chức Tòa án, tập huấn chuyên sâu về kỹ năng, phương pháp hòa giải, đối thoại từng loại vụ án cho các Hòa giải viên, nhất là đối với các vụ việc liên quan đến tranh chấp đất đai để nâng cao kỹ năng hòa giải, đối thoại cho các Hòa giải viên...