5 đặc sản thiên nhiên và quà tặng nổi tiếng VN đề cử kỷ lục châu Á

Thục Anh (TH)| 18/05/2022 11:40
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo tin từ Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings), có 5 món ăn ngon đặc sản nổi tiếng của Việt Nam vừa được VietKings gởi đến Tổ chức Kỷ lục châu Á để xác lập kỷ lục. Đó là những món ăn 'bá chấy' nào?

Danh sách đề cử Kỷ lục châu Á món ăn đặc sản Việt Nam (2021 – 2022) ngoài 5 món ăn đặc sản: bánh canh Nam Phổ (Thừa Thiên - Huế); bánh mì Hội An (Quảng Nam); gỏi sầu đâu (An Giang); gỏi cá Trích Phú Quốc (Kiên Giang); lẩu mắm U Minh (Cà Mau), còn có 2 đặc sản thiên nhiên và 3 đặc sản quà tặng.

Nếu như cái tên bánh canh Nam Phổ xuất phát từ món ăn gia truyền của làng Nam Phổ, Phú Vang, Huế, có hương vị đậm đà, độc đáo, khiến thực khách thưởng thức một lần là nhớ mãi thì bánh mì Hội An cũng là một trong những món ăn đường phố khoái khẩu.

Nguyên liệu của món bánh canh Nam Phổ không quá cầu kỳ với sợi bánh canh, tôm, cua chả... nhưng lại rất tỉ mỉ, công phu trong quá trình chế biến. Bột bánh canh được pha theo tỉ lệ 3 gạo – 1 lọc và được hấp bột theo kiểu cách thủy cho sánh rồi mới nặn sợi vào nước sôi để luộc.

Nước dùng nấu bánh canh Nam phổ là nước luộc tôm, cua tươi, hầm xương nên luôn có vị ngọt tự nhiên. Nhân bánh canh được chế biến từ thịt ba chỉ và tôm. Tất cả được làm sạch, giã nhuyễn, viên nhỏ và nấu thành hỗn hợp sóng sánh. Tô bánh canh hấp hẫn với màu trắng của bánh canh, màu đỏ của nhân tôm thịt, xen lẫn màu xanh mướt của hành lá. Khi dùng trộn thêm chút nước mắm ớt xanh cay cay ngon đúng điệu.

images3148408_3m.png
Một số món ăn đặc sản Việt Nam được VietKings gởi đến Tổ chức Kỷ châu Á đề cử lần này.

Bánh mì Hội An thì đa dạng các loại nhân như: bánh mì kẹp thịt, bánh mì pate, bánh mì gà, bánh mì xá xíu… món ăn đã nhanh chóng chinh phục cả những thực khách khó tính nhất. Vị nóng giòn của vỏ bánh cùng vị béo ngậy, thơm thơm của các loại nhân khiến cả du khách trong và ngoài nước sẵn lòng xếp hàng dài để được thưởng thức món đặc sản này. Cắn một miếng bánh, bạn sẽ cảm nhận được hương vị độc đáo, tinh túy của ẩm thực Hội An. Những ổ bánh mì phố Hội được yêu mến không chỉ bởi sự giản dị bình yên của các hàng quán ven đường mà còn mang hương vị đặc trưng riêng của chính người dân nơi đây tạo nên.

Gỏi sầu đâu (Tỉnh An Giang) là món ăn đặc sản mà người dân An Giang sẽ đãi khách khi đến thăm nhà. Món gỏi sầu đâu được biết đến là món ăn của người Campuchia. Món ăn này du nhập vào Việt Nam thông qua những gia đình người Khmer sinh sống ven biên giới Việt Nam như ở các tỉnh như An Giang, Kiên Giang…Nguyên liệu để làm món gỏi này gồm lá và hoa của cây sầu đâu, thịt ba rọi, khô cá sặc hoặc khô cá lóc, dưa leo, xoài sống, thơm (dứa), nước mắm, me vắt, tỏi, ớt... Người ta thường trụng lá và hoa sầu đâu vào nước sôi cho bớt vị đắng rồi để ráo nước. Trộn đều tất cả hỗn hợp với nước mắm ớt pha chua ngọt cho vừa khẩu vị. Cuối cùng, rắc thêm một ít rau thơm, ngò rí, đậu phộng giã giập, thêm vài lát ớt vào đĩa gỏi là đã có 1 món ăn vô cùng đặc sắc. Người sành ăn món này cho rằng, khi ăn mới đầu có cảm giác đăng đắng ở lưỡi. Nhưng khi nhai thật kỹ nuốt vào thì lại có cảm giác ngọt thanh trong cuống họng, càng ăn càng nghiện. Món ăn tuy dân dã, không cầu kỳ nhưng lại mang đến cho người thưởng thức nhiều trải nghiệm thú vị.

Gỏi cá Trích Phú Quốc (Tỉnh Kiên Giang) từ lâu đã trở thành món ăn tiêu biểu mang hương vị đặc trưng riêng của vùng biển đảo. Thịt cá Trích ngon và lành tính nên được chế biến thành nhiều món ngon như nướng lá lốt, chiên, nấu canh chua, kho lạt, sốt cà chua, làm chả... nhưng nổi bật nhất vẫn là gỏi. Món gỏi cá Trích tưởng đơn giản nhưng thực ra được chế biến rất kỳ công. Người nấu phải lựa cá còn tươi, để phần thịt thơm, béo ngọt, ít tanh, đánh sạch vảy, bỏ ruột, đầu, vây, đuôi, lóc bỏ xương, lấy phần thịt hai bên. Nguyên liệu ăn kèm gồm có hành tây thái mỏng, cà rốt thái sợi, dừa nạo, thêm tỏi băm phi vàng và ngò rí... Tất cả trộn đều với cá trích cùng nước sốt chua.

Điểm đặc biệt của gỏi cá trích là phần nước sốt không làm từ nước cốt chanh mà được trộn dấm nuôi bằng trái ổi chín, nêm thêm ít muối và đường để món ăn mang hương vị chua thanh và có mùi thơm dịu. Món gỏi cá trích ngon không thể thiếu chén nước chấm pha từ ớt tỏi băm, đậu phộng rang vàng bóc vỏ tán nhuyễn, pha với nước mắm Phú Quốc ngon, thêm ít đường, chanh...

images3148409_4m.png
Gỏi cá trích và lẩu mắm U Minh được chế biến khéo léo sẽ đánh thức mọi giác quan của người thưởng thức

Đất Mũi Cà Mau không chỉ có phong cảnh đẹp, hiền hòa mà lẩu mắm U Minh với nồng đậm đặc trưng luôn làm lưu luyến bước chân du khách.

Nồi lẩu mắm U Minh được chế biến khéo léo sẽ đánh thức mọi giác quan của người thưởng thức. Nước lẩu được nấu từ mắm cá sặc bướm rất thơm và dậy mùi. Lẩu mắm hợp với nhiều loại thịt hay cá tùy thích. Nhưng lẩu mắm U Minh nhất định phải được nấu với cá đồng.

Ngon nhất là lươn, cá rô mề, cá lóc to hoặc cá trê trắng mới trúng sách. Ngoài cá ra, lẩu mắm có thêm thịt cua đồng, ốc lác, thịt ba rọi... nhưng điều thú vị nhất khi ăn món lẩu mắm là được thưởng thức rất, rất nhiều loại rau đồng. Lẩu mắm U Minh tuy thấy dân dã, nhưng cũng rất cầu kỳ, không phải ai cũng làm nên được hương vị thơm ngon, hấp dẫn, xao xuyến lòng người. Cũng chính vì sự đặc trưng ấy của lẩu mắm U Minh đã tạo nên được thương hiệu ẩm thực của vùng đất nơi đây.

Các món ăn đặc sản Việt Nam được đề cử lần này gồm:

Vú sữa Lò Rèn (Tiền Giang) - đặc sản thiên nhiên đầu tiên còn được mệnh danh là “nữ hoàng” của xứ sở trái cây đất này. Cái tên Vú sữa Lò Rèn là do người Vĩnh Kim, huyện Châu Thành đặt ra vì muốn ghi nhớ công ơn của người thợ rèn đã nhân giống vú sữa ngon cho vùng đất này. Quả vú sữa Lò rèn rất to và tròn. Vỏ quả có màu xanh lục nhạt, rất bóng. Khi chín vỏ chuyển sang màu hơi tím tía hoặc nâu tía ánh lục. Khi bổ quả thường chảy ra ít nước màu trắng đục như sữa. Tỷ lệ thịt quả cao, ít hạt. Thịt quả bên trong có mùi thơm dịu, vị ngọt thanh mát. Vị ngon ngọt của vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim đã chinh phục biết bao trái tim từ con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

Đặc sản thiên nhiên thứ 2 được đề cử Kỷ lục châu Á năm nay là vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang). Nói đến vải thiều Việt Nam nhất định phải nhắc đến vải thiều đất Lục Ngạn. Vải thiều khi chín có màu đỏ tươi, hạt nhỏ, cùi dày, ngọt sắc và giàu chất dinh dưỡng. Quả vải nơi đây to hơn mang hương vị đặc trưng khác hẳn vải thiều ở những vùng đất khác. Hương vị vải thiều Lục Ngạn cũng mang những nét đặc trưng riêng. Vải thiều Lục Ngạn có vị ngọt thanh vô cùng đặc biệt. Nếu một lần được thưởng thức những trái vải thiều Lục Ngạn thì bạn sẽ không thể quên được hương vị hấp dẫn, ấn tượng của thứ quả đặc sản này. Ngoài việc ăn ngay như các loại trái cây bình thường, vải thiều Lục Ngạn còn có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như trà vải, thạch vải, kem vải, các món ăn như salad tôm vải, gà nấu vải, chè vải hạt sen…

3 đặc sản quà tặng cũng là:

03-dac-san-qua-tang-dac-biet-cua-vn-duoc-de-cu-kl-chau-a-1-7093.png
Yến sào Khánh Hòa

Yến sào Khánh Hòa được xem là niềm tự hào của người dân tỉnh Khánh Hòa suốt những năm vừa qua. Yến sào là tổ chim yến, được khai thác tại các hòn đảo ở biển Khánh Hòa. Yến sào Khánh Hòa chiếm 70% tổng sản lượng yến sào của cà nước. Yến sào Khánh Hòa có chất lượng và mùi thơm hơn hẳn yến sào các nơi khác khi có mùi thơm nhờ mùi nhựa trầm hương mà chim yến nơi đây đã hút được. Yến sào có nhiều loại như: Yến Huyết có màu đỏ là loại bổ và quý; Yến Bã trầu màu hồng; yến Quang màu trắng; Yến Thiên màu xanh hay vàng; Yến Địa màu xám hay xanh ớt; Yến Bài (tổ làm dở dang)…

Nếu như trước đây, yến sào là vật phẩm sử dụng trong chốn cung đình thì nay yến sào đã phổ biến rộng khắp và nâng tầm nghề khai thác yến truyền thống lên một tầm cao mới. Yến sào có thể nấu các món ăn ngọt hay mặn theo tùy thích.

Tỏi Lý Sơn Quảng Ngãi là nhãn hiệu địa lý của loại tỏi được trồng ở huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), là đặc sản nổi tiếng đã trở thành thương hiệu và nhãn hiệu của địa phương. Do sự khác biệt về thổ nhưỡng và kinh nghiệm canh tác truyền thống của người dân địa phương nên tỏi Lý Sơn có hương vị đặc biệt. Đặc trưng nhất là chúng có vị cay dịu chứ không cay nồng như tỏi khác. Tép tỏi nhỏ nhưng chắc, và nó không chỉ là một thứ gia vị hảo hạng mà còn là một vị thuốc quý. Người trồng tỏi ở đây thật kỳ công khi mang về từ biển những bao cát để trải trên bề mặt lớp đất trồng tỏi. Đó không phải cát biển bình thường mà là một loại cát đặc biệt: được tạo nên bởi những lớp vỏ hàu, vỏ ốc đã mủn qua thời gian hàng trăm nghìn năm. Cát ấy khi được trải trên đất trồng tỏi không chỉ làm cây tỏi tươi tốt, mà còn tạo cho củ tỏi một hương vị đặc biệt không loại tỏi nào trên thế giới này có được.

Rượu sim Phú Quốc là một trong những mặt hàng đặc sản nổi tiếng tại Phú Quốc. Rượu được lên men tự nhiên từ trái sim rừng và đường cát trắng. Rừng sim Phú Quốc nhiều vô kể, đi đâu cũng gặp. Cây sim nơi đây hầu như ra hoa và trái quanh năm, nhưng theo những người chế biến cho biết, thì vụ sim vào tiết xuân cho trái có chất lượng tốt nhất, có nhiều mật ngọt và là nguyên liệu tốt nhất để làm ra thứ rượu sim có hương vị thơm ngon và bổ dưỡng.

Rượu sim Phú Quốc có vị rất đặc trưng: thơm nồng, chát và ngọt vị rất thanh. Hơn thế nữa, rượu sim nơi đây không chỉ là một thức uống đơn thuần hay là một loại rượu để nhấm nháp giải sầu, đó còn là loại rượu thuốc có nhiều tác dụng; đặc biệt, còn tốt với cả sức khỏe của phụ nữ. Với những đặc tính đó, rượu vang sim ngày càng được nhiều người biết đến và hiển nhiên trở thành một trong những đặc sản của quốc đảo xinh đẹp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
5 đặc sản thiên nhiên và quà tặng nổi tiếng VN đề cử kỷ lục châu Á