Ngành nghề, lĩnh vực nào cũng có những bí mật riêng. Nghề gốm cũng vậy, mỗi gia đình, mỗi nghệ nhân đều có “Võ công” chẳng thể tiết lộ cho người. Bát Tràng hôm nay, nói không ngoa chính là nơi “ Quần hùng hội tụ” của nghề gốm.
Mỗi nghệ nhân của làng nghề như một Đại tông sư làm chủ một môn võ công thượng thừa, mang phong cách riêng biệt. Nhưng để tu luyện đạt đến cảnh giới thì các Nghệ nhân phải đánh đổi bằng bao mồ hôi, công sức, nước mắt và máu: Việc dám nghĩ, dám làm, dám nhận thất bại của người Nghệ nhân là một phần để gốm Bát Tràng tồn tại và trường tồn.
“Quần hùng hội tụ”
Kinh nghiệm truyền đời của dân làng gốm Bát Tràng là “Nhất xương, nhì da, thứ ba dạc lò”. Người nghệ nhân phải cực kỳ công phu và tỉ mỉ điều chỉnh các yếu tố: Đất, men, nhiệt độ, môi trường nung, thời tiết… đúng tiêu chuẩn để cho ra các sản phẩm tinh tế đến tay khách hàng.
Lửa thử gốm, lửa cũng luyện người. Những sản phẩm độc đáo phải có: Màu sắc men sẽ không cố định mà mang tính ngẫu nhiên và độc bản. Để làm chủ được một môn võ công thượng thừa đó thì ngoài tu luyện ý chí, luyện công mỗi ngày thì những Nghệ nhân cũng còn phải đối mặt với thực tế khắc nghiệt của: Cơm, áo, gạo, tiền.
Người Nghệ nhân phải đánh đổi bằng bao mồ hôi, công sức, nước mắt và máu: Dám nghĩ, dám làm, dám nhận thất bại. Thất bại là để thử lòng người, nhưng thất bại cũng làm nản lòng người. “ Cơm áo chẳng đùa với khách thơ” - Nhiều người thợ Bát Tràng cũng vì muốn tìm tòi, khám phá ra những màu men, dòng sản phẩm riêng biệt mà nếm những thất bại cay đắng rồi dẫn tới bỏ nghề. Đó là một thực tế vô cùng khắc nghiệt của nghề làm gốm.
Ngược dòng thời gian, năm 1010, vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, Thăng Long trở thành trung tâm chính trị và kinh tế của nước Đại Việt. Nhiều thương nhân, thợ thủ công tìm về Thăng Long để hành nghề và lập nghiệp, cũng là lúc làng gốm Bát Tràng được hình thành.
Tương truyền, vào thời Lý có 5 dòng họ làm nghề gốm nổi tiếng của làng Bồ Bát, huyện Yên Mô, phủ Trường Yên (nay thuộc huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) là Trần, Vương, Nguyễn, Lê, Phạm đã quyết định đưa các nghệ nhân làm gốm và gia đình dời làng di cư về kinh thành Thăng Long tìm đất lập nghiệp.
Khi đi đến vùng Bạch Thổ phường thuộc huyện Gia Lâm, phủ Thuận An (nay là xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội), là nơi có nguồn nguyên liệu tốt để làm đồ gốm là đất sét trắng, 5 dòng họ đã kết hợp với dòng họ Nguyễn ở đây mở lò sản xuất gốm, lập nên làng gốm Bát Tràng.
Trải qua cả nghìn năm tồn tại và phát triển, hiện nay các dòng sản phẩm gốm Bát Tràng chằng thua kém bất kỳ một nước nào trên thế giới. Bát Tràng hôm nay, nói không ngoa chính là nơi “Quần hùng hội tụ” của nghề gốm.
Mỗi nghệ nhân của làng nghề như một Đại tông sư làm chủ một môn võ công thượng thừa như: NNND Trần Độ nổi tiếng với việc phục chế các dòng gốm cổ của Thăng Long, NNƯT Tô Thanh Sơn là người tạo ra dòng men rạn từ xương gốm, NNƯT Vương Mạnh Tuấn với sản phẩm ấm Tử Sa độc đáo, đòi hỏi kinh nghiệm khắt khe về nghề, Nghệ nhân Phạm Anh Đức đã có nhiều năm tìm tòi, thử nghiệm và đã phục chế thành công sản phẩm biến thể đặc biệt quý hiếm của men huyết dụ, Nghệ nhân Nguyễn Danh Tú gắn liền với Sứ sương trong – Sứ thấu quang….
Gốm và câu chuyện tri kỷ
Tôi tìm về làng gốm Bát Tràng (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội), lần mò, hỏi thăm mãi thì cũng tới được nhà của một Nghệ nhân. Ngôi nhà nằm ở cuối ngõ nhõ, sau một hồi bấm chuông thì có một người đàn ông trung niên mặc quần sóc, đi chân đất, khuôn mặt bám đầy bụi lò ra mở cổng. Trông anh có vẻ bụi bặm, phong trần và pha chút lãng tử: Anh đang xây lò, em có việc gì thế? Chào hỏi qua lại thì tôi mới bị ngớ người, hóa ra anh chính là Nghệ nhân Phạm Anh Đức, người đã có nhiều năm tìm tòi, thử nghiệm và đã phục chế thành công sản phẩm biến thể đặc biệt quý hiếm của men huyết dụ: Lang diêu hồng đây ư?
Người Trung Quốc vẫn còn lưu truyền câu thành ngữ “Muốn phá sản, hãy làm sứ men đỏ” để nói về độ khó làm của dòng men quý hiếm này. Bởi lẽ, dòng men này lần đầu xuất hiện tại Trung Quốc từ thời nhà Đường (618 - 907), đến nay đã bị thất truyền. Lang diêu hồng là một biến thể vô cùng đặc sắc, được phát triển từ dòng men huyết dụ. Đây là một dòng men vô cùng khó làm với công nghệ đốt lò kiểu cổ. Hiện tại, ở Việt Nam và trên thế giới thì nghệ nhân Phạm Anh Đức chính là người đã làm chủ được dòng men quý này.
“Tôi lại thích đặt tên là Lưu –Hồng – Phúc, chỉ đơn giản là lưu lại hồng phúc cho con cháu. Nhớ lại những ngày đầu để tìm tòi ra dòng men này với những thất bại một mình ngậm ngùi nuốt vào bụng. Trong quá trình làm tôi cũng phải dừng lại 1 thời gian vì giá trị của nó thì nhiều người chưa thẩm được” – Nghệ nhân Phạm Anh Đức chia sẻ.
“Nhiều người chưa thẩm được”, nghe thì đơn giản thật đấy, nhưng để tìm tòi và làm chủ được dòng men Lang diêu hồng này quả thật là người Nghệ nhân đã phải đánh đổi bao mồ hôi, công sức, thời gian, tiền bạc… và suýt nữa anh đã phải bỏ nghề. Rất may, vẫn còn đó những người tri âm, tri kỷ với anh.
“Tao sẽ chịu rủi ro cùng mày, khi nào thành công thì mới tính,...làm đi. Đó là những lời động viên, chia sẻ của Nghệ nhân Phạm Danh Tú với tôi. Anh Tú như người bạn, người anh, người tri kỷ để tôi tiếp tục con đường chinh phục gốm. Đến ngày hôm nay thì hai anh em chúng tôi muốn xanh thì ra xanh, muốn đỏ thì ra đỏ, muốn tím cũng sẽ được tím...”
Có một thứ ánh sáng đẹp nhất trong mọi thứ ánh sáng mà tôi ngưỡng mộ, đó là sự nguyên bản. Lung linh và rực sáng... Sự nguyên bản ấy đến từ trong những khát khao thể hiện cảm xúc của chính mình, từ trong vẻ hồn nhiên, thuần khiết vốn có. Gốm chính là sự nguyên bản đó, và trong đó còn chứa những tìm càm thuần khiết của con người. Những người Nghệ nhân làm gốm đã bên nhau trong những lúc khó khăn như vậy.
Tiếp tục chuyến hành trình trên làng gốm Bát Tràng, tôi quyết tìm gặp được Nghệ nhân Nguyễn Danh Tú. Người nổi danh với dòng sản phẩm Sứ Sương Trong và cũng là người anh, người bạn tri kỷ đã ở bên cạnh người em Phạm Anh Đức lúc khó khăn nhất.
“Sứ Sương Trong là dòng sản phẩm soi lên đèn mà vẫn phát sáng được. Sự trả giá cho những kinh nghiệm sản xuất ra dòng sứ đặc biệt này không thể đong đếm bằng tiền, vật chất mà còn trả giá bằng sự tô diểm những sợi tóc trắng theo thời gian” – Nghệ nhân Nguyễn Danh Tú cho hay.
Nhìn hình ảnh người Nghệ nhân đang vuốt sản phẩm, với đất đặt ngay ngắn đúng tâm trên chiếc bàn đang xoay, xoay… Tay anh lướt trên thành đất, dáng chiếc bình hoa theo vòng quay mà dần được hình thành. Từng giọt mồ hôi của anh rơi giữa nắng hè oi ả, tôi mới hiểu rằng những người Nghệ nhân làm gốm phải vất vả đến nhường nào.
Trong cuộc sống có được một người bạn tri kỷ là quá đủ. Có lẽ với hai người Nghệ nhân làng gốm Bát Tràng này thì tình bạn của họ được giao tâm từ gốm.