Dưới chân chùa Tây Phương, làng Thạch Xá (huyện Thạch Thất, Hà Nội), từ xưa đã nổi danh là vùng đất thuộc xứ Đoài mây trắng bay. Nơi đây, không chỉ mang đậm hình ảnh thôn quê Việt Nam với cây đa, giếng nước, sân đình. Mà ở đó, còn sản sinh ra những người thợ chân phác, tài hoa với nhiều nghề thủ công nổi tiếng và một trong số đó có nghề làm Chuồn chuồn tre.
Làng Thạch Xá mang nét cổ kính, mộc mạc của xứ Đoài, và bức tranh phong cảnh của một làng quê yên bình như được tô trên nền trời xanh biếc với mây trắng bay. Rất đỗi thân thương, trìu mến với từng hàng cây, viên sỏi, rất đỗi hiền hòa, vấn vương với những con người chân phác, tài hoa.
Từ bàn tay khéo léo của những người nông dân, nhiều ngành nghề thủ công nơi đây đã nổi tiếng khắp nơi. Và một trong số đó có nghề làm chuồn chuồn tre. Giữa mây trắng xứ Đoài, vượt qua nhiều khó khăn của dịch bệnh Covid-19, thì giờ đây những chú chuồn chuồn tre ấy lại bắt đầu cất cánh muôn nơi.
Cây tre vốn đã quen thuộc với làng quê Việt Nam từ lâu đời. Hình ảnh những chú chuồn chuồn cũng gắn liền với tuổi thơ của nhiều người trong chúng ta. Như một sự sắp đặt hết sức tình cờ mà vô cùng hợp lý: nghề làm chuồn chuồn tre không biết xuất phát từ nơi đâu, nhưng lại được nổi danh ở vùng mây trắng xứ Đoài, để rồi những chú chuồn chuồn tre ấy đang tỏa đi khắp muôn nơi.
Ngược dòng thời gian, đó là vào năm 2000, có một gia đình sống ngay dưới chân núi chùa Tây Phương. Họ làm nghề buôn bán nhỏ lẻ các đồ lễ phật cho khách lên chùa. Hôm ấy, tình cờ có 1 vị khách hành hương đến chùa và trên tay có cầm theo 1 con chuồn chuồn được làm bằng tre. Con chuồn chuồn ấy đã cuốn hút người chồng một cách kỳ lạ, không phải vì hình dáng đẹp, bắt mắt mà sự đặc biệt là mỏ của nó giữ được thăng bằng.
Nhìn con chuồn chuồn tre đậu được ở mọi nơi một cách tài tình như được ai đó gắn thỏi nam châm vào mỏ . Người chồng quyết tâm mò mẫm tự làm. Sau nhiều lần thất bại, thì cuối cùng anh cũng tìm ra được nguyên lý giữ thăng bằng cho những chú chuồn chuồn tre của chính mình. Người chồng trong gia đình nghèo ấy chính là người đầu tiên mang nghề mới về với làng Thạch Xá, nghề làm chuồn chuồn tre và ông chính là Nghệ nhân Đỗ Văn Liên.
Nghệ nhân Đỗ Văn Liên giờ đã 58 tuổi: “ Chuồn chuồn tre giờ có đủ màu sắc, kích cỡ, tùy vào khách hàng đặt. Và ngoài chuồn chuồn tre còn có các sản phẩm như con chim, con bướm, con rùa… được làm từ tre. Sản phẩm làm từ tre giờ rất phong phú và đa dạng”.
Những ngày đầu làm nghề, gia đình ông Liên chỉ sản xuất nhỏ để bán cho những khách hành hương, lễ phật chùa Tây Phương. Sau, nhiều người biết đến, nhiều khách tìm về đặt hàng. Nghề làm chuồn chuồn tre được mở rộng, ông bắt đầu truyền thụ lại nghề cho 1 số gia đình trong làng.
Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nghề chuồn chuồn tre đã tạo công ăn việc làm cho nhiều người trong làng Thạch Xá. Chuồn chuồn tre, món đồ chơi dân gian ấy cũng được xuất khẩu sang Trung Quốc, châu âu, châu mỹ…
Công việc làm nghề chuồn chuồn tre hết sức tỉ mỉ, nhiều công đoạn đòi hỏi sự chính xác như: cắt chia thành từng thanh tre nhỏ để làm bộ phận cánh, thân; uốn cong phần mỏ bằng thanh sắt nung đỏ; lắp ghép cánh vào thân … Để những chú chuồn chuồn tre có thể cất cánh bay xa như vậy là cả một quá trình vất vả, kiên trì bám lấy nghề từ thủa ban đầu của những người thợ thủ công làng Thạch Xá.
Dịch Covid-19 tràn đến, du lịch gần như đóng băng 1 thời gian và việc buôn bán cũng vì thế mà ảnh hưởng không nhỏ. Những người thợ làm nghề chuồn chuồn tre phải tạm gác lại nghề. Nhiều người phải tìm công việc khác để mưu sinh.
“ Những năm trước dịch, nhà tôi lúc nào cũng có khoảng hơn chục thợ làm và sản phẩm làm ra còn không kịp bán. Bây giờ, lại có nhiều khách đặt rồi, chuồn chuồn tre Thạch Xá lại sắp cất cánh muôn nơi” – Nghệ nhân Đỗ Văn Liên chia sẻ. Vùng đất xứ Đoài cổ kính, mộc mạc, với những người thợ chân phác, tài hoa, với những chú chuồn chuồn tre lại bay cao giữa trời mây trắng.