Hiện có đến 35 Tòa án cấp huyện phải đi thuê trụ sở để làm việc, đồng nghĩa với việc Quốc Huy gắn ở nhà dân; thậm chí khi xét xử lưu động, vì không có chỗ nên Quốc Huy phải gắn ở gốc mít…
Trong khi Tòa án là cơ quan bảo vệ công lý, nhân danh Nhà nước để tuyên án, nhiều đại biểu tại phiên họp toàn thể thứ 2 của Ủy ban Tư pháp Quốc hội mới đây đã rất trăn trở về điều này.
Ủy ban Tư pháp họp phiên toàn thể lần thứ hai để thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2016; Báo cáo của Viện trưởng Viện KSNDTC về công tác của ngành kiểm sát năm 2016; Báo cáo của Chánh án TANDTC về công tác của ngành Tòa án năm 2016; Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án năm 2016...
Theo số liệu từ báo cáo của TANDTC và Viện KSNDTC cho thấy, hiện có 35 trụ ở TA cấp huyện phải đi thuê; 28 Viện KSND cấp huyện và các đơn vị trực thuộc cũng trong tình trạng tương tự.
Phiên họp toàn thể UBTP
Thảo luận vấn đề này, nhiều đại biểu băn khoăn và nhận định “đây là vấn đề rất đáng suy nghĩ, khi mà Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, nhân danh Nhà nước tuyên án nhưng lại tuyên ở nơi mình phải đi thuê, đồng nghĩa với việc Quốc Huy của Nhà nước CHXHCN Việt Nam không phải gắn ở nơi trang trọng tôn nghiêm, mà gắn ở nhà dân”.
Ủy viên Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thái Học bày tỏ, chúng ta yêu cầu, đòi hỏi các cơ quan bảo vệ pháp luật phải làm tốt nhưng như thế cơ sở vật chất kỹ thuật phải được bảo đảm. “Trụ sở làm việc là điều kiện vật chất tối thiểu mà chúng ta không giải quyết được, trong khi đó, nhiều cơ quan hành chính nhà nước được đầu tư ở chỗ này, chỗ kia rất hoành tráng”, ĐB nhấn mạnh.
Còn ĐB Đại biểu Nguyễn Duy Hữu, Chánh án TAND tỉnh Đăk Lăk cho biết thêm, Quốc Huy treo ở nhà dân vẫn còn khả dĩ hơn, chứ trước đây đi xử lưu động trong Buôn, Quốc Huy thậm chí phải treo ở gốc mít…
Từ thực tiễn tại địa phương mình, Chánh án Nguyễn Duy Hữu cho rằng sự đầu tư dành cho các cơ quan tố tụng hiện chưa thỏa đáng. Điệp khúc về cơ sở vật chất của các cơ quan tố tụng từ Quốc hội khóa XII đại biểu đã có ý kiến rồi nhưng kéo dài tới tận bây giờ vẫn chưa giải quyết được.
Vì vậy đề nghị nếu cần thiết, Quốc hội cần giám sát việc phân bổ ngân sách cho các cơ quan tố tụng thế nào. Tòa án TP Buôn Mê Thuột một năm giải quyết 3.000 vụ án, trụ sở bị dột rồi nhưng xin miết không có tiền để thay. Đấy là ở thành phố chứ chưa nói tới các huyện, vùng sâu vùng xa thì còn khó khăn hơn thế nữa.
Tòa án là như vậy, trụ sở VKSND cấp huyện cũng trong tình trạng tương tự.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đặt vấn đề, VKSND trong báo cáo nói đầu tư xây dựng cơ bản mới đáp ứng 30% yêu cầu. Trước Quốc hội, chúng ta đã nói rõ chủ trương tăng cường tập trung đầu tư để từng bước giải quyết cơ bản trụ sở của cơ quan xét xử.
"Đây là cơ quan bảo vệ công lý, bảo vệ chế độ nhưng cứ để thế này thì giống như những năm 70, 80 của thế kỷ trước. Thời đó đúng là thế, nhưng đến bây giờ vẫn thế này thì tại sao?”, Phó Chủ tịch nêu quan điểm.
Phó Chủ tịch gợi ý, các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất cơ chế khắc phục vấn đề này và gợi ý “chẳng hạn, thu được tiền, tài sản do phạm tội mà có, ngoài phần trả lại cho cá nhân, phần thu nộp ngân sách liệu có thể dành một phần để đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ quan tố tụng trong vòng một số năm không?”. Nhiều đại biểu cũng đề xuất, Uỷ ban Tư pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần phải giao nhiệm vụ cụ thể, đến thời gian nào sẽ chấm dứt việc các cơ quan Tòa án, Viện Kiểm sát phải đi thuê trụ sở để làm việc.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị, TANDTC, VKSNDTC cần thống kê danh sách cụ thể những trụ sở đang còn thiếu và lý do cụ thể về vướng mắc cần tháo gỡ hiện nay là gì, thuộc trách nhiệm của cơ quan nào để báo cáo Quốc hội có biện pháp tháo gỡ.