Phóng sự - Ghi chép

103 tuổi vẫn đam mê với nghề viết

Văn Kỳ 20/06/2023 06:26

Bước sang tuổi 103, mỗi ngày cụ Tư vẫn đọc, viết từ 8-10 tiếng đồng hồ. Cụ viết sử, địa lý, văn hóa xuất bản sách, đăng báo. Trong gian phòng nhỏ, cụ kể về kỷ niệm viết báo. Đó là thời kỳ sôi nổi, cụ viết cho tờ Độc lập - cơ quan ngôn luận của Đảng Dân chủ Việt Nam thời kháng Pháp.

3-1-a(1).jpg
Cụ Tư vẫn miệt mài làm việc bên máy tính.

Kỷ niệm viết báo thời chống Pháp

Đã hẹn trước, cụ Nguyễn Đình Tư chờ tôi trong căn nhà nhỏ, nằm trong một hẻm sâu tại quận Bình Thạnh, TP.HCM. Chú Nguyễn Đình Hùng (con cụ), năm nay cũng ngoài tuổi 60, điềm đạm và hiếu khách tiếp đón tôi. Chú bảo, đã dặn hôm trước nên ông cụ đợi sẵn trên căn gác, tranh thủ đọc sách, chờ nhà báo đến.

Gian nhà cũ và hẹp, nhưng tĩnh tại. Chiếc cầu thang dẫn lên phòng cụ, ngay trước cửa là một bảng ghi lịch tiếp khách để cụ phân bổ thời gian. Nhìn lịch thấy trước tôi, cụ vừa tiếp nhà báo Pháp (báo Le Monde), trước đó nữa là báo Văn hóa, Xưa và Nay, nhiều tạp chí nghiên cứu khác… đến tìm cụ để hỏi chuyện xưa. Cụ là kho sử liệu, kho từ điển sử, văn hóa phương Nam, Sài Gòn- Thành phố Hồ Chí Minh đúng nghĩa hiếm hoi còn sót lại.

Vừa mở cửa phòng, cụ Tư rời cuốn sách nở nụ cười tươi chào khách rồi chìa tay bắt. Dù đã bước sang tuổi 103, cụ vẫn hoàn toàn minh mẫn, khỏe với đôi mắt sáng, giọng nói thanh, còn giữ nguyên âm vực Nghệ Tĩnh. Trước sự ngạc nhiên của tôi, cụ bảo bản thân ít khi nghĩ đến tuổi, mà nghĩ nhiều hơn đến sách, đến viết.

“Thường ngày tôi vẫn làm việc từ 8 đến 10 tiếng đồng hồ gồm đọc và đánh máy chữ”, cụ cười nói. Luôn an bình, vui vẻ, lấy đọc, viết là lao động thường ngày. Có lẽ đó cũng là bí quyết để cụ giữ tâm sáng, dù đến độ đại thượng thọ, cụ vẫn giữ “lửa” ngòi bút.

Cụ cầm bút tự bao giờ? Đôi mắt cụ Tư rực sáng nhớ về thời trẻ, khi bắt đầu nghiệp viết lách từ thời Pháp thuộc. Cụ cho biết, sinh ra trong gia đình có truyền thống nho học ở xã Thanh Nghi, huyện Thanh Chương (Nghệ An), cụ may mắn được học và tốt nghiệp ngành sư phạm tiểu học thời Pháp.

Từ nhỏ, cụ đặc biệt mê sử học, yêu văn hóa truyền thống, đến lớp 8 cụ bắt đầu viết sách sử. Tuổi thanh niên cũng là lúc phong trào trí thức phát triển ở miền Bắc và miền Trung, Đảng Dân chủ Việt Nam (chính đảng của tư sản dân tộc và tiểu tư sản, trí thức yêu nước và tiến bộ Việt Nam) được thành lập năm 1944.

Mục đích vận động, tuyên truyền dân chủ và tiến bộ xã hội, chống Pháp, Đảng đã chủ trương thành lập tờ báo Độc lập làm cơ quan ngôn luận. Là tầng lớp tri thức, ý thức dân tộc, cụ dùng sự hiểu biết và nghề viết của mình cộng tác với báo Độc lập.

Cụ kể: “Tờ báo Độc lập ngày đó có trụ sở ngoài Bắc, hoạt động rất khó khăn, tôi làm thông tin viên, thu thập các tin tức hoạt động của Đảng tại vùng khu 4. Khi có tin tức hoạt động của Đảng Dân chủ Việt Nam, tôi lại nắm tin, viết bằng bút trên giấy gió và gửi bằng thư ra tòa soạn, có khi hàng tháng trời báo mới đăng và gửi ngược lại”.

Viết báo với cụ thời đó là trách nhiệm dân tộc, chứ không phải mục đích kinh tế, vì không hề có nhuận bút. Rồi cả dân tộc bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, cụ vừa tham gia, vừa nắm tin, viết báo để vận động nhân dân ủng hộ kháng chiến.

Cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, cụ về quê. Khoảng thập niên 1960, cụ và gia đình vào định cư lần lượt tại Khánh Hòa, Ninh Thuận, Phú Yên. Sống dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa, cụ chủ trương không tham gia bất cứ gì liên quan đến chính trị.

Với đặc tính tò mò, thích lịch sử, địa lý và có độ am hiểu sâu, chính quyền tỉnh mời cụ vào công tác trong ngành điền địa. Vì cuộc sống mưu sinh cho gia đình, cụ đồng ý công tác tại Ty Điền địa các tỉnh. Chính thời gian này, cụ sưu tầm và viết ra những cuốn sách giá trị như: Non nước Phú Yên (1964), Đia chí Khánh Hòa (1972), Non nước Ninh Thuận (1974)… các sách của cụ mang tính chuyên khảo về lịch sử, địa lý, phi chính trị nên được lưu giữ lâu và được đăng trên nhiều tờ báo thời đó.

Rồi hoàn cảnh đẩy đưa, cụ tiếp tục di cư vào Sài Gòn định cư, cụ tiếp tục công tác tại Ty điền địa Sài Gòn, chính lĩnh vực này đã tạo điều kiện cho cụ tìm hiểu sâu về địa chí phương Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng.

Với vốn sống phong phú, thích sưu tầm, ghi chép, đọc và viết, cụ lại dùng vốn liếng của mình viết sách, viết báo cho các tờ báo Sài Gòn lúc đó.

Trải qua 20 năm dưới chế độ cũ, cụ không tham gia, bàn luận chính trị, cụ chỉ viết về lĩnh vực lịch sử, văn hóa, địa lý. Mỗi lần bài được đăng tải trên báo, sách với bút danh Nguyễn Đình Tư, độc giả lại săn tìm mua đọc. Với nguồn sử liệu vô cùng phong phú, chính xác, Nguyễn Đình Tư trở thành một thương hiệu lựa chọn hàng đầu.

“Lửa nghề vẫn rực cháy”

Sau năm 1975, cụ an phận trở về cuộc sống là công dân bình thường. Có những giai đoạn kinh tế khó khăn, cụ phải sắm đồ đạc ra góc phố Quận 1 làm nghề sửa xe. Khi có khách, cụ cặm cụi sửa, lúc thảnh thơi cụ lại lôi tập giấy ra viết. Đọc nhiều, suy nghĩ nhiều, ý tưởng đề tài trong cụ luôn nảy nở. Đề tài nhỏ cụ viết thành bài cộng tác tới các báo, tạp chí chuyên về sử, văn hóa. Đề tài lớn, cụ phát triển viết thành sách. Cứ như thế, những tác phẩm của cụ dù là đăng báo, hay in sách có khi được khai sinh ngay trên vỉa hè, hay một lúc nghỉ trưa nào đó bên quán nước ven đường.

Tập tiểu thuyết “Loạn 12 sứ quân”, với 6 tập được in thành 3 quyển nổi tiếng của cụ được viết bên vệ đường, lúc cụ tranh thủ làm nghề sửa xe để kiếm thêm thu nhập. Dù viết trong hoàn cảnh cơ cực, nhưng những trang sử của cụ luôn ngồn ngộn sự kiện, chân thực, sinh động và truyền tải kiến thức, văn hóa truyền thống dân tộc hiệu quả.

Có được tiền bán sách, viết báo cụ lại dành dụm nuôi con, những người con của cụ đều học cao, nên người, có hiếu. Sau này đi làm các con kiếm tiền được, cụ mới thảnh thơi, từ đó cụ lại chuyên tâm vào viết.

Các cuốn sách nổi tiếng về mặt sử liệu như: Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ, Non nước Quảng Trị, Tiểu sử và hành trang các nhà khoa bảng Hán học Nam Bộ, Sổ tay tên đường ở thành phố Hồ Chí Minh, Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ liên tục ra đời và sớm “cháy” hàng.

Đặc biệt, hai cuốn sách thuộc hàng “khủng” mang tên “Gia Định- Sài Gòn- Thành phố Hồ Chí Minh dặm dài lịch sử” tập 1, tập 2, mỗi cuốn dày 791 trang được cụ viết thời gian hàng chục năm, vừa in đầu năm 2023 như một bách khoa toàn thư về Thành phố Hồ Chí Minh từ thuở khai thiên lập địa.

Người ta có thể tìm thấy bất cứ gì về đời sống về Sài Gòn- Thành phố Hồ Chí Minh trong hai tập sách trên. Nhìn vào hai tập sách, bất cứ ai cũng phải trầm trồ kinh ngạc trước nguồn sử liệu phong phú, uyên sâu và sức viết mãnh liệt của cụ.

Đến nay, tính những cuốn chính đã in, cụ đã có tới 60 đầu sách, không thể kể hết các bài viết trên các báo, tạp chí. Các bằng khen, kỷ niệm chương, chứng nhận kỷ lục, tôn vinh về nghề cầm bút, với cụ không biết đâu mà kể.

Nay cụ còn viết báo nữa không? Cụ bảo rất muốn, nhưng điều kiện có lẽ không cho phép. Bởi, ngày nay báo chí hiện đại, cụ không bắt kịp tư duy thế hệ trẻ và công nghệ mới nữa. Nhưng, viết sách thì cụ vẫn vẹn niềm đam mê và giữ nguyên lực viết. Cụ mở máy tính, gõ chữ, ghi chú, lưu giữ tác phẩm không cần con cháu trợ giúp.

Nói về dự tính tương lai, đôi mắt cụ lại rực sáng: “Tôi đã, đang triển khai và sắp hoàn thành 10 dự án viết sách nữa, trong đó có cuốn văn tế cổ Việt Nam rất đặc biệt”. Trong căn gác nhỏ, cụ ông 103 tuổi đang chạy đua với thời gian, cống hiến hết sức mình, hoàn thành những cuốn sách góp phần để lại cho hậu thế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
103 tuổi vẫn đam mê với nghề viết