Đời sống

Nhà báo lão thành Nguyễn Hữu Phước: Xúc động và tự hào khi được đọc bản tin đầu tiên trong ngày vui đại thắng

Văn Vũ 30/04/2023 06:00

Là người đọc bản Thông báo số 1 của Ủy ban Quân quản Thành phố Sài Gòn - Gia Định trên chương trình phát thanh đầu tiên vào lúc 20 giờ ngày 30/4/1975 của Đài Phát thanh Sài Gòn giải phóng, Nhà báo lão thành Nguyễn Hữu Phước vẫn còn nhớ như in giây phút lịch sử ấy. Giây phút tự hào xen lẫn xúc động đến trào nước mắt, cho đến nay dù đã 48 năm vẫn còn đọng lại trong ông không thể nào quên.

anh_nen_huu_phuoc.png

Là người đọc bản Thông báo số 1 của Ủy ban Quân quản Thành phố Sài Gòn - Gia Định trên chương trình phát thanh đầu tiên vào lúc 20 giờ ngày 30/4/1975 của Đài Phát thanh Sài Gòn giải phóng, Nhà báo lão thành Nguyễn Hữu Phước vẫn còn nhớ như in giây phút lịch sử ấy. Giây phút tự hào xen lẫn xúc động đến trào nước mắt, cho đến nay dù đã 48 năm vẫn còn đọng lại trong ông không thể nào quên.

tiitt_1(1).png

Tiếp chúng tôi tại 26B Trần Quốc Thảo, Quận 3, TP HCM, ông Nguyễn Hữu Phước (sinh năm 1944) tâm sự rằng, sinh ra trong một gia đình truyền thống cách mạng. Cha của ông là Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - một nhà trí thức yêu nước nên khi còn đi học ông đã tham gia phong trào học sinh – sinh viên đấu tranh đòi quyền dân chủ trong chế độ Mỹ - Diệm. Cũng vậy, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ông rất thích viết văn, làm báo. Sau khi tham gia cách mạng ông đã “bén duyên” và trở thành phóng viên của Đài Phát thanh Giải phóng - Tiếng nói của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.

Vẫn với chất giọng của một phát thanh viên kỳ cựu ngày nào, ông Nguyễn Hữu Phước kể cho chúng tôi về thời khắc lịch sử những ngày cuối tháng 4/1975.

Thời điểm đó, Sài Gòn, sào huyệt cuối cùng của địch, hầu như bị vây chặt bốn bề. Đài Phát thanh Giải phóng lúc đó có ba xướng ngôn viên gồm ông, Hồ Mỹ Hạnh và Vương Thanh Liêm cùng các lãnh đạo, đội ngũ kỹ thuật, máy móc phát thanh. Theo chỉ thị, sau khi tiếp quản Đài Phát thanh Sài Gòn, phải lập tức phát bản tin của Đài Giải phóng. Nếu chính quyền cũ cố tình phá đài trước khi đoàn tiếp quản hoặc gặp những tình huống bất lợi thì cán bộ phải sản xuất và phát luôn bản tin bằng máy móc mang theo.

anh_tit_1(1).png

Ông Phước cho biết, trong không khí hừng hực tiến vào tiếp quản Đài Phát thanh Sài Gòn có hai lực lượng mũi nhọn là đội quân vũ trang và đội quân báo chí. Họ đã đóng góp để cả nước và toàn thế giới biết được nhanh nhất kết cục của trận chiến cuối cùng.

Ông Phước hào hứng kể, vào thời điểm 30/4/1975, Sài Gòn vừa giải phóng, lá cờ đỏ tung bay trên nóc Dinh Độc lập. Không bao lâu sau, đội ngũ của các ông cũng có mặt tại sào huyệt cuối cùng của địch và tiếp quản Đài Phát thanh Sài Gòn.

Ngay tối hôm đó, lúc 20 giờ ngày 30/4/1975, trên đài phát thanh giữa Sài Gòn phát đi tín hiệu: “Đây là Đài Phát thanh Sài Gòn giải phóng, Tiếng nói của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam…”.

Sau lời xướng đó, ông đọc bản Thông báo số 1 của Ủy ban Quân quản Thành phố Sài Gòn - Gia Định với nội dung Chính phủ Cách mạng đã nắm quyền kiểm soát, đồng thời kêu gọi đồng bào yên tâm ổn định cuộc sống và nêu một số chính sách đối với vùng mới giải phóng.

tiit_2(1).png

Sau bản tin phát thanh, ông cùng biên tập viên Mỹ Hạnh di chuyển đến Đài Truyền hình Sài Gòn ngay trong đêm 30/4 để làm bản tin truyền hình giải phóng kịp phát đúng vào 19 giờ ngày 1/5. Bản tin hôm ấy thông báo cho cả nước và thế giới: Cuộc kháng chiến kéo dài 21 năm ở Việt Nam đã chấm dứt. Sài Gòn hoàn toàn giải phóng. Đất nước từ đây thống nhất.

Ông Phước bồi hồi: Trong hàng vạn bản tin, ông đã biên tập và phát thanh, truyền hình trên đài trong cuộc đời làm báo của mình, có lẽ bản tin được phát đi lúc 20 giờ ngày 30/4/1975 đã trở thành di sản quý báu của đời làm phóng viên và đi vào kí ức mà cho đến nay không bao giờ quên. Đó là những cảm xúc thật đặc biệt. Cảm xúc được chứng kiến thời khắc thiêng liêng của lịch sử dân tộc, là tâm trạng hạnh phúc của một người dân khi đất nước được giải phóng hoàn toàn.

nha-bao-nguyen-huu-phuoc-ke-ve-thoi-diem-lich-su-hao-hung-nhung-ngay-giai-phong-mien-nam-thong-nhat-dat-nuoc.jpg
Nhà báo Nguyễn Hữu Phước kể về thời khắc lịch sử hào hào những ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Ông Phước cho biết, thực ra, cuộc chiến đấu trên làn sóng không chỉ vào ngày hôm ấy (ngày 30/4/1975 – PV). Trước đó, những người làm báo các ông thông qua Đài Phát thanh Giải phóng đã liên tục chiến đấu không khoan nhượng và không kém phần khốc liệt. Vào thời điểm ấy, có chứng kiến mới thấy Đài Phát thanh là một binh chủng lợi hại. Khi Sài Gòn bị vây chặt bốn bề cũng là lúc, thông qua Đài Phát thanh Giải phóng, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam chuyển thông điệp đến đối phương, thể hiện khí thế cách mạng tiến công, và sẵn sàng dập tắt luận điệu ngoan cố của đối phương.

“Khi được giao nhiệm vụ phát thanh và phát sóng trên một hệ thống phát thanh - truyền hình lớn nhất của chế độ cũ, lúc đó chúng tôi xác định, đây là vấn đề mang tính lịch sử nên hiểu rằng trách nhiệm này hết sức nặng nề, nhưng cũng rất vinh quang và sung sướng khi được trực tiếp làm công việc loan báo cho đồng bào cả nước và thế giới biết rằng Sài Gòn đã được giải phóng”, ông Nguyễn Hữu Phước nhớ lại.

Ông Nguyễn Hữu Phước tự hào: “Vào thời điểm lịch sử đó, chúng tôi không trực tiếp cầm súng chiến đấu mà có nhiệm vụ tham gia thực hiện việc loan truyền trên làn sóng phát thanh - truyền hình và qua các kênh cơ sở thông tin tuyên truyền của chế độ Sài Gòn để quân đội Sài Gòn, các cấp chính quyền Sài Gòn nhanh chóng ngừng chiến đấu, sớm ra trình diện. Cùng với việc tiếp quản Đài Phát thanh Sài Gòn, Đài Truyền hình Sài Gòn theo nhiệm vụ được phân công. Vào thời điểm này, chúng tôi cũng góp phần quan trọng trong việc ổn định tâm lý cho nhân dân bằng những bản tin thời sự của Đài”.

phong_van_tran_van_tra.png

Ông Phước cho hay, thời bấy giờ, với tư cách là tiếng nói của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Đài Phát thanh Giải phóng không chỉ thể hiện là một cơ quan báo chí mà còn luôn tỏ rõ là một cơ quan đại diện cho một tổ chức kháng chiến đầy uy lực.

Với sức mạnh không thua kém các binh đoàn chiến đấu trên chiến trường, Đài Phát thanh Giải phóng vừa tham gia cổ vũ đẩy mạnh khí thế chiến đấu và chiến thắng, đánh bại các chiến lược quân sự của đối phương trên chiến trường, cổ vũ các phong trào đấu tranh chính trị ở các thành thị vùng địch tạm chiếm.

Ngoài ra, Đài còn trực tiếp tham gia tác động về chính trị với đối phương thông qua nhiều sự kiện phản ảnh trên làn sóng phát thanh, trực tiếp tham gia nhiều sự kiện nóng bỏng, kịp thời đã để lại những dấu ấn khó quên.

Trải qua nửa thế kỷ làm báo, ông Phước tâm sự: “Trong hành trình hoạt động báo chí kháng chiến, điều đáng ghi nhớ nhất là phóng viên, biên tập chúng tôi luôn đồng hành, gắn bó với các sự kiện hào hùng, những cột mốc mang ý nghĩa lịch sử của dân tộc. Đây là niềm tự hào lớn lao nhất mà không phải ai cũng có được”.

Là một người làm báo lão thành, cả cuộc đời đi theo cách mạng, giờ đây ông Phước mong muốn được cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết giao quyền sở hữu đối với căn nhà 26B Trần Quốc Thảo, quận 3, TP HCM mà ông đã gắn bó mấy chục năm qua.

Thực hiện: Văn Vũ. Trình bày: Đ.G

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà báo lão thành Nguyễn Hữu Phước: Xúc động và tự hào khi được đọc bản tin đầu tiên trong ngày vui đại thắng