Bức tranh thế giới năm 2015 là những gam màu trầm buồn với chủ nghĩa khủng bố, chiến tranh... Tuy vậy cũng có điểm sáng như quan hệ Mỹ - Cuba cải thiện sau hơn nửa thế kỷ, hoàn tất đàm phán TPP…
1. Khủng hoảng tị nạn Châu Âu 2015
4 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa do cuộc nội chiến Syria và hơn 750.000 người tị nạn và người di cư đã đi đến biên giới châu Âu, tăng gần gấp 3 lần số người từ cuối năm 2014, và vẫn còn hàng ngàn người trong khi thực hiện cuộc hành trình của mình.
Dòng người tị nạn từ Syria đổ về các nước châu Âu
Trong khi cuộc khủng hoảng người tị nạn vẫn tiếp diễn tại các địa điểm trên toàn cầu năm, 2016 sẽ thấy một con số viện trợ cho tị nạn lớn nhất cho các nhu cầu nhân đạo là hơn 10 tỷ USD, theo Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cho biết.
2. Chủ nghĩa khủng bố
Phiến quân khủng bố IS
Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã vươn rộng mạng lưới hoạt động của chúng với nhiều nhánh và phần tử tham gia ở khắp nơi trên thế giới. Trong nửa đầu năm 2015, ít nhất khoảng hơn 7.000 chiến binh nước ngoài tham gia vào IS. IS đã nhận trách nhiệm gây ra hàng loạt vụ khủng bố đẫm máu tại nhiều khu vực trên thế giới: vụ rơi máy bay Nga tại bán đảo Sinnai ở Ai Cập làm 224 người chết, vụ khủng bố Paris tối 13/11 khiến 130 người thiệt mạng, vụ xả súng ở California, Mỹ hôm 3/12 khiến 14 người thiệt mạng. 80% số người thiệt mạng tại Afghanistan, Iraq, Nigeria, Pakistan, và Syria là do khủng bố gây ra. Năm 2015 chủ nghĩa cực đoan cũng đã tiến đến châu Á. Tiêu biểu là vụ phiến quân Duy Ngô Nhĩ đánh bom ngôi đền Erawan tại trung tâm thủ đô Bangkok, Thái Lan đã khiến 20 người thiệt mạng và 80 người khác bị thương.
3. Cuộc chiến tại Syria
Cuộc nội chiến kéo dài gần 5 năm tại Syria đã giết chết khoảng 250.000 người và gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất kể từ Thế chiến II. Tháng 9, Nga tuyên bố tiến hành chiến dịch không kích chống lại IS với sự đề nghị của Tổng thống Syria Assad. Tuy nhiên, hành động này của Nga bị phía Mỹ cáo buộc là nhằm che đậy cho việc không kích các lực lượng đối lập chính quyền Assad. Cuộc nội chiến này còn kéo theo hệ quả địa chính trị với sự tham gia của nhiều nước lớn Nga, Đức, Anh,… liên minh do Mỹ dẫn đầu với mục tiêu chống lại Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Cuộc nội chiến Syria bùng phát do những căng thẳng giữa phe nổi dậy và lực lượng chính phủ
Sau khi máy bay A321 bị rơi tại bán đảo Sinnai ngày 31/10 và IS thừa nhận đứng sau vụ việc, Nga đã mở rộng chiến dịch quân sự ở Syria. Ngày 15/11/2015, Pháp cũng không kích các mục tiêu IS ở Syria sau vụ khủng bố Paris khiến 130 người thiệt mạng.
4. Máy bay Nga rơi tại bán đảo Sinnai
Thủ tướng Ai Cập Sherif Ismail (bìa phải) thị sát hiện trường vụ máy bay rơi
Ngày 31/10, máy bay A321 thuộc hãng hàng không Kogalymavia, trên lộ trình từ Sharm el-Sheikh tới St. Petersburg, đã bị rơi ở bán đảo Sinai của Ai Cập làm 217 hành khách và 7 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã đứng ra nhận trách nhiệm vụ việc. Nhiều nhận định cho rằng đây là hành động của IS nhằm “trả đũa” những đợt không kích liên tục của Nga vào Syria.
5. Vụ khủng bố Paris 13/11
Người đi xem hòa nhạc sơ tán sau vụ xả súng điên cuồng tại nhà hát giữa trung tâm Paris
Hôm 13/11, 7 vụ tấn công bằng súng và bom tự sát tại thủ đổ Paris, Pháp đã khiến 130 người thiệt mạng và hơn 350 người bị thương. 7 kẻ khủng bố sau đó đã bị tiêu diệt hoặc chết do đánh bom tự sát. Sau vụ tấn công, IS đã lên tiếng nhận trách nhiệm vụ việc. Tổng thống Francois Hollande đã mô tả vụ khủng bố Paris là một hành động chiến tranh và tuyên bố sẽ tấn công IS trên mọi mặt trận.
6. Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiến đấu cơ Su-24 Nga
Hình ảnh chiếc SU-24 ngay khi chạm đất
Hôm 24/11, chiến đấu cơ F16 của Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ chiến đấu cơ Su-24 của Nga đang tham chiến tại Syria chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Một trong hai viên phi công trên chiếc Su-24 đã thiệt mạng do bị lực lượng nổi dậy tại Syria bắn chết khi đang nhảy dù khỏi chiếc máy bay. Vụ bắn hạ máy bay đã làm leo thang căng thẳng giữa hai quốc gia. Nga đã ban bố hàng loạt các biện pháp cấm vận về kinh tế đối với Thổ Nhĩ Kỳ và công bố trước báo giới bằng chứng giới chức Ankara buôn bán dầu với IS.
7. Động đất tại Nepal
Cảnh đổ nát sau trận động đất
Hôm 25/4, trận động đất mạnh 7,8 độ richter tại Nepal đã khiến ít nhất 8.600 người thiệt mạng, 18.000 người bị thương và hàng trăm ngàn người khác lâm vào cảnh màn trời chiếu đất. Liên Hợp Quốc ước tính có 8 triệu người bị ảnh hưởng bởi trận động đất này, trong đó 1,4 triệu người cần được hỗ trợ về lương thực.
8. Khủng hoảng thị trường tài chính toàn cầu bắt nguồn từ Trung Quốc
Tháng 6/2015, chỉ số chứng khoán chính của Trung Quốc Shanghai Composite đạt mức cao nhất lịch sử. Thứ hai, ngày 24/8, hơn 800 cổ phiếu giảm kịch sàn 10% khiến chỉ số Shanghai Composite xuống mức thấp nhất kể từ năm 2007, xóa sạch thành quả tăng điểm từ đầu năm. Kết quả này đi ngược lại tất cả nỗ lực của chính phủ Trung Quốc khi chi đến 6.000 tỉ đô la Mỹ để vực dậy thị trường. Tác động của thị trường chứng khoán Trung Quốc khiến các nước khác chịu ảnh hưởng mạnh. Sau đợt suy giảm vào tháng 8/2015, thị trường chứng khoán Trung Quốc còn chứng kiến những cơn sốc chỉ số vào tháng 9/2015 và mới đây là tháng 11-2015.
9. Hoàn tất đàm phán TPP
Lãnh đạo các nước tham gia đàm phán TPP
Sau hơn 5 năm đàm phán, Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa 12 nước thành viên chính thức hoàn tất vào ngày 5-10. TPP được xem là hiệp định của thế kỷ vì quy tụ các nước nắm giữ tới 40% GDP (tổng sản phẩm quốc nội) toàn cầu và có thể giúp nền kinh tế toàn cầu tăng thêm 300 tỉ đô la Mỹ/năm.
10. Quan hệ Mỹ - Cuba cải thiện sau hơn nửa thế kỷ
Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez (trái) và các Thượng nghị sỹ Mỹ tại cuộc gặp ở Havana ngày 13/6
Mỹ và Cuba đã đồng ý khôi phục dịch vụ thương mại hàng không theo lịch trình cho lần đầu tiên trong hơn 50 năm trong một thỏa thuận cho phép 110 chuyến bay khứ hồi mỗi ngày giữa hai nước này. Đây là một bước đi đáng kể sau đúng một năm (17/12/2014-17/12/2015) hai bên khôi phục quan hệ ngoại giao. Mỹ đã mở lại đại sứ quán tại La Habana hồi tháng 8 vừa qua.