Không được coi giáo dục thể chất là môn phụ

Chí Tâm| 24/02/2019 10:08
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tại hội thảo “Nâng cao chất lượng công tác thể chất, thể thao trường học” diễn ra tại Trường Đại học Sư phạm Thể dục – Thể thao Hà Nội.

Dùng giáo trình từ năm…2000

Giáo dục thể chất trong trường học là nội dung quan trọng, góp phần rèn luyện thể lực cho học sinh, sinh viên, từ đó nâng cao tính tự giác, chủ động rèn luyện, giúp các em bảo đảm sức khỏe trong học tập; từng bước phát triển toàn diện cả về đức, trí, thể, mỹ.

Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy, môn Giáo dục thể chất và thể thao trong trường học được các trường quan tâm, tuy nhiên còn gặp nhiều khó khăn cả về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên.

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, hiện nay cả nước có gần 80.000 giáo viên thể dục thể thao, trong đó có khoảng 74% giáo viên chuyên trách và 26% giáo viên bán chuyên trách. Đội ngũ giáo viên thể dục ở các trường còn thiếu về số lượng, cơ cấu chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.

Đặc biệt, ở bậc tiểu học, chỉ 20% số trường có giáo viên chuyên trách. Hầu hết các trường dạy chương trình cũ ban hành từ năm 2000, ít các hướng dẫn, các kĩ năng thực hành, không có các hoạt động thể thao ngoại khóa.

Chương trình môn học Giáo dục thể chất của các cấp học cấu trúc chưa cân đối nhiều nội dung còn mang nặng tính kỹ thuật; hầu hết các trường dạy chương trình cũ ban hành từ năm 2000, ít các hướng dẫn, các kĩ năng thực hành, không có các hoạt động thể thao ngoại khóa.

Bên cạnh đó, một số trường còn xem nhẹ việc thực hiện chương trình môn học Giáo dục thể chất, triển khai thực hiện chương trình môn học Giáo dục thể chất một cách hình thức, kém hiệu quả. Hoạt động thể thao trường học hướng dẫn nội dung còn nghèo nàn, hình thức hoạt động đơn điệu, chưa thu hút được đông đảo lực lượng học sinh tham gia tập luyện thể dục, thể thao.

Không được coi giáo dục thể chất là môn phụ

Một giờ học môn Giáo dục thể chất

Biến phong trào thể thao của giới trẻ trở thành nhu cầu tự thân

Theo Bộ trưởng, Giáo dục thể chất là thành tố quan trọng trong quá trình đào tạo con người hoàn thiện đức - trí - thể - mỹ, mặc dù vậy, lâu nay, giáo dục thể chất trong nhà trường được đặt ở vị trí là môn phụ, nhiều thầy cô dạy giáo dục thể chất cảm thấy “mặc cảm” trước đồng nghiệp. Nhưng không phải cứ kêu gọi là môn phụ trở thành môn chính, mà bản thân giáo dục thể chất phải thay đổi để trở thành nhu cầu, niềm đam mê, có như thế giáo dục thể chất mới không còn được coi là môn phụ.

“Phải làm sao để nhắc tới các hoạt động thể dục thể thao trong nhà trường, học sinh không cảm thấy sợ, ngại mà mong muốn được tham gia, trở thành đam mê, sở thích của các em, chính các em thấy được ý nghĩa và tác dụng của các hoạt động giáo dục thể chất”, Bộ trưởng nói.

Nhấn mạnh tới tính thiết thực và hiệu quả của giáo dục thể chất, Bộ trưởng đề nghị các địa phương, các cơ sở giáo dục bám sát mục tiêu, nội dung chương trình giáo dục phổ thông mới ban hành, từ đó vận dụng các hoạt động giáo dục thể chất một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, vùng miền, phù hợp với thể trạng học sinh, tạo sự hứng khởi cho cả người dạy và người học.

“Ngoài xã hội, nhu cầu tập luyện thể dục thể thao là rất lớn, nhiều tổ chức cá nhân mạnh dạn đặt ra các chương trình, trong đó đội ngũ chính quy thích nghi còn rất chậm. Chúng ta đứng trước 1 cơ hội rất lớn được người dân, học sinh quan tâm đến bộ môn này. Chưa bao giờ phong trào thể thao, nhu cầu sức khỏe lại cao như bây giờ”, ông Nhạ khẳng định.

Với vai trò người đứng đầu ngành giáo dục, ông Nhạ cho biết, khi triển khai Chương trình giáo dục Phổ thông mới luôn xác định là một cơ hội để đưa bộ môn thể dục trở về đúng với vai trò, tầm vóc.

Tư lệnh ngành giáo dục cũng phát động phong trào tập thể dục, chơi thể thao trong nhà trường và mong toàn xã hội  cùng chung tay, để có phong trào thể thao thiết thực, lành mạnh. Việc này góp phần nâng cao sức khỏe của học sinh, thực hiện tốt việc học tập rèn luyện trong nhà trường và nâng cao tầm vóc thế hệ trẻ Việt Nam.
 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không được coi giáo dục thể chất là môn phụ