Sông Lô, nơi phố phủ Đoan Hùng

31/08/2012 10:03
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Những ngày đầu thu, tôi có chuyến ngược dòng sông Lô lên phủ Đoan Hùng, nơi cách TX Tuyên Quang vài chục phút xe chạy… Nơi đây, 65 năm trước đã diễn ra chiến thắng Sông Lô oai hùng, đi vào lịch sử 9 năm trường kỳ kháng chiến như một dấu son đầy kiêu hãnh.

1. Sông Lô cũng có thể nói là dòng sông “nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ”. Văn Cao có “Trường ca sông Lô”, với những câu rất hay: "Sông Lô, sông ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau, núi rừng âm u/ Ru ru bến sóng vàng từng nhà mờ biếc chìm một màu khói thu”...; Phạm Duy cũng viết "Tiếng hát trên Sông Lô" có câu rất Phạm Duy: "Hỡi cô con gái giặt yếm bên bờ/ Thuyền tôi đậu bến sông Lô...". Chắc hẳn trên đường kháng chiến, các nghệ sĩ này đã mê mẩn cảnh sơn thủy hữu tình, gió núi mây ngàn vi vút, rồi cảnh các thiếu nữ Thái tắm sông bình yên trong mỗi buổi chiều tà... Nhưng con sông Lô mơ mộng ấy cũng là nơi diễn ra những trận đánh, những chiến thắng oai hùng trong cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ, mà lẫy lừng nhất là thu đông năm 1947.

Tôi đứng trên sân tượng đài Chiến thắng Sông Lô - Đoan Hùng, nhìn xuống ngã ba sông, nơi con sông Chảy nhập vào dòng sông Lô để chảy về xuôi, cố hình dung ra trận đánh ở nơi này ngày  25-10-1947. Các chiến sỹ trung đội pháo 225 hồi đó đã kéo ngược khẩu sơn pháo "lục tỉnh" lên tận đỉnh gò này để bắn đuổi theo tàu giặc. Sau 6 giờ giao tranh quyết liệt, đối phương bị bắn chìm 2 tàu chiến lớn  trọng tải 500 tấn, 3 tàu nhỏ, chết chừng 350 sĩ quan, binh lính... 

 

Sông Lô, nơi phố phủ Đoan Hùng

 

Quân ta thương vong không rõ bao nhiêu người. 28 ngày sau, quân Pháp rút qua đây lại trúng thủy lôi chết hàng trăm lính nữa... Tính tổng các trận đánh trên sông Lô thu đông 1947, đối phương bị tiêu diệt 1000 tên, 10 tàu và 1 thủy phi cơ, thu rất nhiều vũ khí, đạn dược và đồ dùng quân sự... Phạm Duy viết "Oai hùng thay Lô Giang" là vì thế. 

 

Ngã ba sông êm đềm hôm nay không còn âm u, um tùm như 65 năm trước. Hồi đó, hai bên sông này, quân ta đã giấu quân mai phục. Pháo binh mạnh được thí điểm áp dụng chiến thuật mới “đặt gần, bắn thẳng” để bảo đảm chắc thắng. Nhân dân vùng bưởi Đoan Hùng đã hái bưởi đem sơn đen rồi thả xuống dòng sông Lô giả làm thủy lôi hướng luồng tàu địch. Thật là cuộc chiến tranh nhân dân, đến hoa trái cũng thành vũ khí.

Cuối tháng 11-1947 tại lễ mừng chiến thắng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Chiến thắng Đoan Hùng như một luồng gió mát thổi lan khắp Việt Bắc trong những ngày nóng bỏng nhất của cuộc chiến tranh... Chiến thắng Đoan Hùng mở đầu cho những chiến thắng oanh liệt của bộ đội chủ lực ta trong chiến dịch Việt Bắc”...

 

2. Tượng đài Chiến thắng sông Lô hoành tráng, sừng sững trên Gò Đồn cách cầu Đoan Hùng chừng 100m, sát bên bờ sông. Đây là tác phẩm của nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo. Đài cao 26m và nhóm tượng cao 7m được làm bằng chất lượng bê tông cốt thép bên ngoài sơn màu giả đồng, xung quanh là những bức phù điêu tinh xảo.

 

Sông Lô, nơi phố phủ Đoan Hùng

Nơi sông Chảy nhập vào sông Lô

 

Tôi hỏi cụ Nguyễn Thị Thìn, 85 tuổi, nhà ở chân Gò Đồn, là người sinh ra nơi phố phủ Đoan Hùng rằng vì sao đây gọi là Gò Đồn, cụ Thìn nói: Trước kia nơi này là đồn điền của Pháp. Khi Phát xít Nhật đảo chính Pháp tháng 3-1945, địa điểm này trở thành nơi đồn trú của Nhật. Chính vì vậy mà gọi là Gò Đồn. Đồn to lắm. Nên mãi đến năm 1980-1985 chúng tôi còn lên gò đào lấy gạch mang về xây nhà. 

 

Chỗ vườn rau của gia đình cụ Thìn vốn là một nghĩa địa của Pháp. Cụ Thìn kể: Ở đây có nhiều mồ mả của Tây lắm, có ngôi mộ xây bằng đá xanh, có những cây thánh giá bằng thép, nhiều ngôi mộ trồng hoa hồng leo… Lâu dần, họ mang đi và có nhiều thay đổi nên bây giờ bà con lấy đất trồng đào, trồng quất. Nhìn vườn cây xanh ngắt, bên dòng sông Lô êm đềm xuôi chảy, phía bên kia sông thấp thoáng tháp chuông nhà thờ Lã Hoàng cổ kính, thật khó hình dung ra cảnh bom đạn sinh tử năm xưa.

 

Ngắm nhìn tượng đài, gồm bộ đội chủ lực, dân quân địa phương với cô gái Thái khỏe khoắn, rồi nhìn xuống ngã ba sông, chúng tôi thấy niềm vui chiến thắng năm xưa, nhưng cũng cảm nhận thấy thông điệp về những hy sinh xương máu đã đổ xuống đất này. Mỗi tấc đất của Tổ quốc đều có hồn thiêng sông núi là thế.

 

Anh Lê Thế Dân, một người dân thị trấn Đoan Hùng cho hay, ba năm trước, ngày 14-6-2009 ở tượng đài này đã diễn ra một lễ cầu siêu lớn. Hôm đó, hơn 30 vị tăng ni cả miền Nam và miền Bắc cùng đoàn Phật tử Hà Nội đã lập đàn cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ vị quốc vong thân, đồng bào tử nạn, các loại cô hồn uổng tử nơi ngã ba Sông Lô này. 

 

Khi đàn lễ bắt đầu thì thời tiết rất oi bức, 6 giờ chiều mà vẫn còn nắng gắt, bỗng quanh đồi tụ lại một vùng mây khói mịt mờ mầu trắng đục. Sau khi chư tăng  và Phật tử tụng kinh thì dần dần ráng chiều ánh lên rực rỡ, những đám mây tan  dần…

 

Sông Lô, nơi phố phủ Đoan Hùng

Cụ Nguyễn Thị Thìn

 

Khoảng 8-9 giờ tối, kết thúc buổi cầu siêu là lễ rước đèn hoa đăng quanh tượng đài và đi về phía ngã ba sông. Những ngọn hoa đăng sáng rực rỡ nối đuôi nhau trôi xuôi theo dòng, trời bắt đầu lất phất mưa, và một lát sau thì một cơn mưa lớn ào qua… “Nhưng kỳ lạ là mưa chỉ quanh khu vực lễ cầu siêu thôi, chỗ khác gần đó không có giọt mưa nào”- anh Dân quả quyết.  

 

Những người dự lễ ai cũng tin rằng hương hồn các anh hùng, liệt sĩ, đồng bào tử nạn và các loại cô hồn, không phân biệt địch ta đã bỏ mình nơi đây, chắc hẳn đã siêu thoát thanh thản vì tấm lòng của những người đang sống dành cho họ, như Nguyễn Du viết: “Não phiền rũ sạch, oán thù rửa trong”.

 

Hư hư, thực thực đã làm giàu trầm tích văn hóa vùng đất này. Từ khởi nghĩa Hai Bà Trưng cho đến hàng chục cuộc kháng chiến chống ngoại xâm trong lịch sử, Đoan Hùng, sông Lô đã nhiều phen thành chiến địa, không quản ngại hy sinh vì Tổ quốc trường tồn.

 

3. Cụ Nguyễn Thị Thìn cho hay: Đoan Hùng đã thay đổi nhiều lắm. Hồi xưa, tiếng là phố phủ nhưng Quốc lộ 2 cũng chỉ là con đường đất đỏ lầm bụi, dãy nhà mặt phố cũng chủ yếu vẫn là nhà tranh. Người dân vì sợ lụt lội nên bám quanh các triền đồi mà sống. Lam lũ, đói nghèo triền miên bám lấy người dân phố phủ. Hồi đó, nhà nào nhiều sắn đã được gọi là nhà  giàu…

 

Sau này, Đoan Hùng còn chiến tranh, bom đạn nữa, nên dấu vết của Phủ Đoan Hùng yên bình xưa chả còn gì. Bây giờ, Quốc lộ 2 được được nắn thẳng, con đường ven sông xưa cũng được phục hồi. Cụ thấy sướng nhất là con đường quanh Gò Đồn xuống bờ sông, khi xưa gia đình cụ vẫn xuống bốc hàng từ tàu chạy dưới Hà Nội lên, nay đã được rải nhựa. Ngày xưa lỗi lõm, ổ gà, ổ trâu, những khi mưa gió thì đi lại thật khổ cực… 

 

Bây giờ Đoan Hùng cũng có khách sạn, nhà hàng, có tiệm vàng, hiệu xe máy… chẳng kém gì dưới xuôi. Đường từ khu hành chính đến các xã Ngọc Quan, Phong Phú ra tới bờ sông Chảy, sông Lô, đều mở mang rộng rãi, đa phần là bê tông hoặc rải đá răm. Đại đa số nhà cửa bây giờ khang trang, có nhiều nhà nằm giữa vườn cây ăn quả sum suê, thực sự như một biệt thự. Đoan Hùng đã no ấm, sầm uất hơn xưa nhiều, thế hệ những người sinh ra và sống cả đời với Đoan Hùng như cụ Thìn thấy rất rõ điều đó.

 

4. Các cụ thì hài lòng nhưng lớp trẻ thì khao khát Đoan Hùng phát triển hơn nữa. Doanh nghiệp còn quá ít, đa số bà con vẫn trông vào đồng ruộng, chè là thế mạnh của Phú Thọ nhưng cũng chỉ làm được loại chè chất lượng thấp, xuất với giá rẻ sang Trung Quốc để họ làm chè nhúng. Có người còn đưa ra thông tin “450 hộ nông nghiệp trong 1.700 hộ toàn thị trấn mà chỉ sản xuất ra có 15% giá trị tổng thu nhập”, như vậy thì còn khó khăn lắm.

 

Muốn giàu lên thì Đoan Hùng phải chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng tỷ trọng dịch vụ thương mại, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Tôi thì thấy tiếc cho vùng bưởi Đoan Hùng lừng danh nhưng chưa phát huy được thương hiệu. Chị chủ đại lý bưởi Đoan Hùng Dân Phương nói: Bưởi và mật ong nhà chị không có để bán, toàn bán cho khách quen, nên không có tem nhãn gì cả… Cách làm ăn nhỏ lẻ như thế còn níu kéo Đoan Hùng.

 

Đoan Hùng hoàn toàn có thể là điểm dừng chân cho du khách trên đường thăm đất Tổ Phú Thọ với rừng cọ, đồi chè đặc sắc, với thị xã Tuyên Quang cách đó hơn chục cây số, với điểm tham quan là Di tích lịch sử cấp quốc gia Tượng đài chiến thắng Sông Lô, rồi các vườn bưởi cổ thụ ở Chí Đám, các xóm chài trên sông Lô, sông Chảy… Một nữ nhà báo khi thấy tôi đi Đoan Hùng đã nhắn: “Cuối năm ngoái em đi đi lại lại đường này suốt anh ạ. Cảnh đẹp vô cùng, nhất là những bãi lau ven sông lúc chiều tà, không lời nào tả nổi!”

 

Bao giờ Đoan Hùng trở nên giàu có nhờ cảnh đẹp “không lời nào tả nổi”, nhờ những trầm tích văn hóa, lịch sử đặc sắc của mình nhỉ?! 

 

Nguyễn Phan Khiêm

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sông Lô, nơi phố phủ Đoan Hùng