Ngày 6/11, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội (ĐB) về vấn đề chính sách ưu đãi khi thu hút đầu tư vào nông nghiệp ; xây dựng nông thôn mới và những giải pháp hiệu quả cho kinh tế...
Trải thảm đỏ thu hút đầu tư vào nông nghiệp
Các ĐB chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường về các vấn đề: Tình hình, giải pháp tăng cường thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn; giải pháp căn cơ, đột phá để bảo đảm giá lúa, xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam; giải pháp thúc đẩy sản xuất, tạo việc làm, giải quyết vấn đề môi trường trong xây dựng nông thôn mới; giải pháp nâng cao kỹ năng, kỹ thuật đánh bắt hải sản; hay giải pháp phát triển bền vững ngành thủy sản, "giải cứu tàu 67", "gỡ thẻ vàng EU";…
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, "Thẻ vàng EU" là luật cấm hành vi khai thác trái phép, khai thác không khai báo và khai báo không chính xác. Hiện nay, Việt Nam bị rút thẻ vàng, theo đó thủy hải sản xuất khẩu sang EU sẽ bị kiểm soát 100% thay vì kiểm tra xác suất.
Trước đây, Việt Nam đã có những sai phạm về đánh bắt và khai báo sai, do đó ngày 23/10/2017, EU rút thẻ vàng IUU (hoạt động đánh bắt bất hợp pháp). Từ đó đến nay, chúng ta đã có nhiều động thái tích cực để khắc phục như đưa ra các văn bản, quy định theo khuyến nghị của EU. Đây là vấn đề không chỉ phù hợp với EU mà còn có lợi cho Việt Nam khi đưa từ khai thác tự phát sang khai thác bền vững. Sau 2 năm, EU công nhận khuôn khổ pháp lý của Việt Nam đã tiệm cận và không có vi phạm ở các quốc đảo trên Thái Bình Dương, tuy nhiên vẫn còn một số vi phạm ở vùng biển phía Nam.
Bộ trưởng cũng bày tỏ mong muốn các địa phương phải quyết liệt, các doanh nghiệp cũng phải quan tâm hơn và cả bà con ngư dân cũng phải thực hiện đúng quy định vì danh dự của Việt Nam, để có thể thu hồi được thẻ vàng của EU, hãy chung tay tái cơ cấu ngành hải sản theo hướng bền vững.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn
Trả lời ĐB về giải pháp khắc phục tình trạng giá cà phê, hồ tiêu… bấp bênh, đời sống bà con ở Tây Nguyên gặp nhiều khó khăn, đề nghị được trợ giá, Bộ trưởng nêu thực tế một trong những nguyên nhân làm cho đời sống bà con bấp bênh là do tổ chức sản xuất kém hiệu quả, do vậy cần tập trung kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào, cùng với bà con liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Bộ trưởng cho biết, trong các tỉnh Tây Nguyên thì Gia Lai rất tích cực việc đầu tư cho nông nghiệp. Đích thân đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh đi thu hút, mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào địa phương, thậm chí họ ra tận sân bay đón mời doanh nghiệp. Do đó, chỉ trong thời gian ngắn đã xây được một nhà máy chế biến nông sản. Trước sự mời gọi nhiệt tình của lãnh đạo địa phương, nhà đầu tư cảm động đã quyết định xây thêm một nhà máy nữa để góp phần phát triển kinh tế của địa phương. Khẳng định việc này là trách nhiệm của Bộ nên Bộ sẽ cùng địa phương có chính sách để sớm mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là ở vùng Tây Nguyên.
Về giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn, vai trò hạt nhân trong liên kết sản xuất lớn; trong 3 năm qua, số doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào nông nghiệp đã tăng 3 lần, từ hơn 3.000 lên hơn 11.000 doanh nghiệp, trải đều khắp các vùng miền và các lĩnh vực từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ nông sản; trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn đã đầu tư vào lĩnh vực này để nâng giá trị sản xuất nông nghiệp... Tuy nhiên, con số này vẫn còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu, Bộ sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh trong thời gian tới.
Về nâng cao giá trị lúa gạo, Bộ trưởng nhấn mạnh giải pháp cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, trong đó tập trung vào sản xuất các giống lúa mới (hữu cơ, tinh túy) hơn... Về xây dựng nông thôn mới, Bộ trưởng nhấn mạnh 10 năm qua chúng ta đã đạt được những kết quả lịch sử, tuy nhiên so với yêu cầu, nguyện vọng của thực tế chúng ta vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là vấn đề về môi trường (sản xuất, tự nhiên), hình thành sản xuất lớn, sản xuất liên kết, tái cơ cấu sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ... tới đây Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để khắc phục các vấn đề này.
Tìm giải pháp cho kinh tế biển
Các ĐB cũng chất vấn các vấn đề liên quan đến “tàu 67” như: Lợi dụng chính sách đánh bắt xa bờ để trục lợi, nhiều tàu dừng hoạt động, không duy tu dẫn tới nợ xấu…
Theo ĐB Lê Công Nhường - Bình Định, Nghị định số 67 năm 2014, khi triển khai được một số bất cập khiến nhiều ngư dân tiên phong bỗng chốc trắng tay, nợ nần. Ở Bình Định có ngư dân cùng đường đã vay tín dụng đen phải bỏ trốn, gia đình tan nát. Báo cáo kết quả đánh giá trữ lượng nguồn lợi hải sản vùng biển Việt Nam giai đoạn 2011-2015 có nêu: "Trữ lượng trung bình ước tính 4,36 triệu tấn, giảm 14% so với giai đoạn 2000-2005. Tổng lượng khai thác hải sản khoảng đã vượt khả năng cho phép khai thác trung bình và tái tạo bền vững là 2,45 triệu tấn… ĐB đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay, Nghị định 67 ban hành năm 2014 trong bối cảnh cần hỗ trợ, đầu tư, khuyến khích ngư dân vươn xa vừa phát triển kinh tế vừa duy trì an ninh biển. Đến nay, đã phát triển được 1.030 phương tiện công suất lớn trên 80 mã lực, trong đó có 358 chiếc tàu sắt là loại hình đóng mới. Hiện nay, còn 55 tàu nằm bờ không ra khơi được, nguyên nhân do đánh bắt không hiệu quả; có trường hợp chủ tàu qua đời. Ngoài ra, có một số chủ tàu muốn chuyển đổi…
Về đánh bắt hải sản, hiện nay chúng ta đang khai thác trên tiềm năng, mất cân đối. Hiện nay, tổng điều tra trữ lượng chúng ta có khoảng 4,7 triệu tấn, chúng ta đang khai thác hàng năm ở mức 3,1-3,2 triệu tấn, đó là việc quá mức. Tiếp đến là số phương tiện chúng ta quá nhiều, 96.609 chiếc, đặc biệt là tàu lớn cỡ 24m trở lên rất nhiều, 2.618 chiếc. Do đó, Chính phủ có chủ trương chỉ đạo ngành và các địa phương trước mắt cơ cấu lại theo hướng không tăng sản lượng khai thác, thậm chí giảm sản lượng khai thác nhưng đi vào chuỗi giá trị chế biến. Cùng với đó thay đổi cơ cấu, không đi khai thác nhiều mà tập trung nuôi hải sản trên biển.Đây sẽ là một hướng chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam rất tiềm năng, Bộ trưởng cho biết.
Trả lời thêm về vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng cho biết: Đối với việc triển khai Nghị định 67, sau khi làm việc với các địa phương, Ngân hàng Nhà nước đã tiếp tục báo cáo Thủ tướng để triển khai. Và, trong thẩm quyền của mình, Ngân hàng Nhà nước đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho nhiều nông dân vay vốn, thực hiện cơ chế hỗ trợ để chuyển đổi chủ tàu.
Cuối tháng 10 vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo Thủ tướng chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức lại sản xuất hiệu quả bền vững hơn, và kiến nghị UBND các tỉnh, thành tập trung phối hợp với ngân hàng để rà soát các trường hợp. Những trường hợp bất khả kháng thì cơ cấu lại nợ, còn đối với các trường hợp chây ỳ thì sẽ kiên quyết thu hồi nợ. Với các giải pháp này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương và ngân hàng cùng phải vào cuộc để giải quyết tốt hơn, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết.