Một bài học cảnh giác về dịch vụ du học

Trí Tường| 18/04/2017 07:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Công an đang điều tra vụ án do ông Tăng Văn Tuân ở xã Kim Giang, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương tố cáo đã bị lừa đảo 562 triệu đồng. Đây là một trong những vụ án có thể làm bài học thiết thực cho những ai có nhu cầu cho con đi du học hiện nay.

Ngày 7/3/2016, ông Tuân ký hợp đồng dịch vụ với chị Trần Thu Hương Giang, Giám đốc Công ty cổ phần HRV chuyên dịch vụ tư vấn du học, để đưa con trai là Tăng Hữu Thắng đi du học Úc, với khoản đặt cọc là 112 triệu đồng (5000 USD). Ông Tuân cũng giao các giấy tờ bằng cấp của con trai cho chị Giang. 

Một bài học cảnh giác về dịch vụ du học

Một bài học cảnh giác về dịch vụ du học

Các tài liệu chứng minh sự gian dối của Giám đốc Công ty cổ phần HRV 

Đến ngày 2/6/2016, chị Giang gọi điện thoại cho ông Tuân nói con ông Tuân đã có thư yêu cầu chuyển học phí của nhà trường bên Úc. Số tiền trong giấy nhà trường do chị Giang cung cấp là 26.073.950 đôla Úc (tương đương 456 triệu VN đồng) và cam kết rằng sau khi đóng khoản tiền này thì con ông Tuân sẽ có tư cách lưu trú và nhà trường sẽ gửi giấy báo về trong vòng 6-8 tuần.

Ngày 3/6/2016 ông Tuân mang theo số tiền trên ra chỗ hẹn của chị Giang là Ngân hàng BIDV (Phòng Giao dịch Hàng Vôi, chi nhánh Hoàn Kiếm) để chuyển sang cho nhà trường bên Úc. Tại ngân hàng này, chị Giang nói ông Tuân đưa khoản tiền này cho chị Giang mang vào nhờ ngân hàng đếm và làm thủ tục cho nhanh. Sau đó ngân hàng đưa cho ông Tuân ký một số giấy tờ và chị Giang bảo đã chuyển tiền sang Úc xong, gia đình yên tâm về chờ giấy báo.

Ông Tuân thấy không yên tâm vì không có giấy tờ gì xác nhận, bèn nhờ hỏi thì ngân hàng cho biết đây chỉ là dịch vụ xác nhận số dư tài khoản khống, không liên quan gì đến việc chuyển tiền học phí sang Úc. Ông Tuân hỏi lại thì chị Giang nói rằng do ngân hàng hết giờ làm việc nên chị Giang dùng số tiền đó chuyển cho công ty chuyển tiền tay 3 trong Nam và đưa cho ông Tuân tờ giấy chị Giang đã điền thông tin với công ty chuyển tiền. Căn cứ vào đó ông Tuân gọi điện thoại cho Công ty chuyển tiền thì họ cho biết chị Giang mới chỉ đăng ký thông tin để chuyển tiền chứ chưa chuyển khoản cho họ nên họ cũng chưa chuyển học phí sang Úc được.

Đến ngày 7/6/2016, chị Giang đưa cho ông Tuân tờ biên lai thể hiện đã chuyển tiền cho nhà trường nhưng trong đó không ghi các thông tin có thể xác nhận được. Ông Tuân nhờ người quen đang học bên Úc liên lạc với nhà trường thì nhà trường xác nhận là không hề biết chị Giang cũng như Công ty HRV và chưa từng làm việc bao giờ, các giấy tờ liên quan nhà trường Úc mà chị Giang gửi cho ông là giấy tờ giả mạo. Nhà trường bên Úc cũng bất ngờ và muốn gia đình ông Tuân phối hợp để cùng tìm hiểu việc làm của chị Giang, nhằm bảo vệ cho uy tín nhà trường trước sự hiểu nhầm từ các đối tác khác của nhà trường.

Cực chẳng đã, ông Tuân phải làm đơn tố cáo ra Công an với các chứng cứ kèm theo gồm Thư điện tử đóng học phí sang bên Úc mà nhà trường bên Úc đã xác nhận là tài liệu giả mạo; Giấy biên nhận tiền của nhà trường bên Úc giả mạo; Sổ tiết kiệm 450 triệu đồng mà chị Giang nói là đã dùng số tiền trong sổ này chuyển tiền sang Úc mà ngân hàng BIDV đã xác nhận là khống; Công ty chuyển tiền dịch vụ tay ba ở miền Nam xác nhận chị Giang chưa hề gửi tiền...

Ông Tuân cho biết số tiền 450 triệu đồng đưa trực tiếp cho chị Giang tại Ngân hàng BIDV không có chứng từ, phiếu thu gì, do đó sợ chị Giang sẽ chối cãi nên ông Tuân phải ký một phụ lục hợp đồng ngày 13/9/2016, để có căn cứ đưa ra cơ quan pháp luật.

Ngày 19/1/2017, Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an có Thông báo số 05/TB-C 45 (P1) gửi ông Tăng Văn Tuân cho biết, đơn tố cáo của ông Tuân đã được chuyển đến Cơ quan CSĐT Công an TP. Hà Nội giải quyết. Tiếp đó, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP. Hà Nội có thông báo, đơn của ông Tuân được chuyển đến Công an quận Hoàn Kiếm giải quyết.

Công an quận Hoàn Kiếm cho biết, cơ quan này đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trần Thu Hương Giang trong một vụ án khác, nên sẽ tiếp tục làm rõ nội dung đơn tố cáo của ông Tuân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một bài học cảnh giác về dịch vụ du học