Người dân kêu cứu vì xã “bán đất trên giấy”

Thanh Phương - N. Hưng| 07/05/2019 13:47
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Vì tin chủ trương bán đất của xã, suốt 12 năm qua, 37 hộ dân đã nộp tiền để mong sao cầm được tờ trích lục vẫn mỏi mòn chờ đợi trong vô vọng. Đơn thư gửi đi khắp nơi, nhưng huyện vẫn loay hoay tìm cách giải quyết khiến người dân bức xúc.

Bán đất trên giấy

Theo đơn thư của 37 hộ dân thôn 2 Thống Nhất, xã Xuân Dương, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) phản ánh: Ngày 17/11/2008, UBND xã Xuân Dương có Thông báo số 54/TB-UBND về việc quy hoạch khu dân cư Thùng Mật, do ông Lê Văn Dương, Chủ tịch UBND xã ký nói rõ việc thực hiện Nghị quyết của HĐND xã Xuân Dương phê duyệt quy hoạch sử dụng đất thổ cư khu vực Thùng Mật thôn 2 Thống Nhất.

Theo đó, căn cứ mặt bằng quy hoạch khu dân cư Thùng Mật được UBND huyện phê duyệt, UBND xã thông báo: Gia đình nào có nguyện vọng mua lại diện tích đất của gia đình mình đang sản xuất nông nghiệp để làm đất ở thì làm đơn xin mua đất ở gửi tới xã, UBND xã sẽ làm thủ tục đền bù và thu tiền chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định.

Sau khi nhận được thông báo, 37 hộ dân đã mang tiền nộp cho xã, có phiếu thu của UBND xã để mua đất thổ cư. Đến nay đã 12 năm, nhiều lần các hộ dân kiến nghị, đề xuất cấp sổ đỏ nhưng không được giải quyết.

Người dân kêu cứu vì xã “bán đất trên giấy”

Các hộ dân bức xúc về sự việc

Gần đây nhất, ngày 20/8/2017, UBND huyện Thường Xuân triệu tập hội nghị tại nhà văn hóa thôn để tìm hướng giải quyết. Hội nghị này có rất nhiều lãnh đạo các phòng, ban của huyện tham gia. Tại Hội nghị, lãnh đạo huyện hứa 1 tuần sau sẽ giải quyết dứt điểm việc này. Sau đó, các hộ dân lại nhận được thông báo từ UBND huyện là sẽ cấp sổ đỏ cho các hộ dân trước ngày 15/10/2017…Tuy nhiên, tất cả những lời hứa, thông báo của UBND huyện đều không được thực hiện.

Ngày 3/8/2018, UBND xã Xuân Dương lại triệu tập các hộ lên xã để tìm phương án giải quyết, đó là nộp thêm tiền đất hoặc tách thành đất vườn tạp để giảm  tiền đất. Nhưng các hộ dân không đồng ý bởi năm 2008, các hộ dân đã nộp tiền về xã theo giá trị đất thời điểm đó, lãnh đạo xã lại không nộp tiền vào kho bạc nên không thể làm sổ đỏ. Việc làm sai quy định, vi phạm nghiêm trọng của lãnh đạo xã thời điểm đó sao lại bắt người dân phải gánh chịu hậu quả?

Chưa có phương án giải quyết dứt điểm

Ông Lê Văn Hùng (SN 1961), trú thôn 2 Thống Nhất cho biết: Năm 2008, gia đình ông đi vay mượn nộp 6.380.000 đồng, tương đương với 264m2 đất. Hơn 10 năm rồi, cuộc họp nào của xã, ông cũng được mời tham gia, có lần xã lấy CMND của vợ chồng ông để làm giấy chứng nhận QSDĐ vậy mà đến nay vẫn chưa có.

Ông Hùng cho biết thêm: Năm 2018, các hộ dân bức xúc gửi đơn xuống tỉnh, sau đó UBND huyện về đối thoại. Ông Đỗ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND huyện vận động bà con đóng thêm 250.000 đồng/1m2 đất nhưng các hộ dân không đồng ý. Giá đất thời điểm đó rẻ hơn nhiều so với bây giờ. Cán bộ xã lúc đó thu tiền có hóa đơn nhưng không nộp vào kho bạc, trách nhiệm đó thuộc về lãnh đạo xã, người dân không có lỗi. Các hộ dân chỉ mong lãnh đạo UBND huyện sớm tìm ra phương án giải quyết, cấp giấy chứng nhận QSDĐ để các hộ dân yên tâm sinh sống, làm ăn.

Trao đổi với PV, ông Cầm Bá Xuân, Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân cho biết: Trường hợp 37 hộ dân nộp tiền cho xã để mua đất đến nay vẫn chưa được giải quyết. Để xảy ra tình trạng trên lỗi do cả 2 phía, UBND xã bán đất trái thẩm quyền, còn phía người dân khi mua đất không chịu tìm hiểu, tham khảo.

Sau khi phát hiện vụ việc, UBND huyện đã cử đoàn thanh tra về làm việc. Có việc xã thu tiền mua đất của người dân nhưng không nộp vào kho bạc mà tự ý dùng số tiền trên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của xã. Cán bộ vi phạm thời đó, UBND huyện đã tiến hành kỷ luật và thuyên chuyển hàng loạt. Hiện tại, UBND huyện cũng chưa tìm được phương án xử lý dứt điểm, ngay cả Chủ tịch xã Xuân Dương cũng vì không chịu được áp lực nên đã xin từ chức, hiện xã này vẫn chưa có Chủ tịch, ông Xuân cho biết.

Đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa cần sớm vào cuộc xử lý nghiêm tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm. Đồng thời có phương án xử lý phù hợp để người dân sớm hoàn thiện thủ tục, yên tâm sinh sống trên chính mảnh đất họ đã bỏ tiền ra mua, tránh để sự việc khiếu nại kéo dài, gây mất an ninh trật tự tại địa phương.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người dân kêu cứu vì xã “bán đất trên giấy”