Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ, các cơ quan tiếp tục rà soát, bổ sung các nhiệm vụ cần thực hiện để sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; bảo đảm không bỏ sót, không trùng chéo nhiệm vụ.
Chiều 14/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" đã chủ trì phiên họp của Ban Chỉ đạo.
Phiên họp nhằm triển khai ngay Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 11, Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và xây dựng hệ thống chính trị 2 cấp ở địa phương.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo yêu cầu Bộ Nội vụ, các cơ quan tiếp tục rà soát, bổ sung các nhiệm vụ cần thực hiện để sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; bảo đảm không bỏ sót, không trùng chéo nhiệm vụ.
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, các Bộ, ngành tổ chức thực hiện các kế hoạch của Trung ương, của Chính phủ có hiệu quả và tham mưu, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp nếu vượt thẩm quyền.
Các Bộ trưởng, trưởng ngành bám sát tiến độ để chỉ đạo công việc, phân công với tinh thần quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, làm việc nào dứt việc đó, phân công "rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ sản phẩm, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền".
Chính phủ, các Bộ, ngành phải hướng dẫn các nhiệm vụ đã được phân công, nội dung nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ hướng dẫn, thuộc thẩm quyền của các Bộ thì các Bộ hướng dẫn.
Các công việc phải được thực hiện đồng bộ giữa các Bộ, ngành, cơ quan; quá trình thực hiện phải kiểm tra, đôn đốc, báo cáo theo quy định của Ban Chỉ đạo Trung ương.
Về cơ sở pháp lý, Thủ tướng nêu rõ, đề xuất Quốc hội dùng một luật để sửa nhiều luật có liên quan, trong đó có nội dung về tổ chức chính quyền địa phương, thẩm quyền của cấp xã, theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương.
Bộ Nội vụ hướng dẫn việc triển khai Trung tâm phục vụ hành chính công tại cấp tỉnh, xã, Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn, thống nhất phần mềm để xử lý trên phạm vi cả nước và làm thủ tục hành chính không phụ thuộc địa giới; các tỉnh, thành phố thành lập trung tâm xúc tiến và kêu gọi đầu tư.
Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thêm việc triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; Bộ Công an cùng các cơ quan rà soát các quy định liên quan để tiếp tục triển khai thông suốt Đề án 06.
Các Bộ, ngành hướng dẫn các địa phương về tổ chức, bộ máy bên trong của các sở, ngành, cơ quan chuyên môn của chính quyền địa phương.
Về các thủ tục hành chính đang thuộc thẩm quyền của cấp huyện, Văn phòng Chính phủ tổng hợp, đề xuất việc thực hiện cho cấp tỉnh, cấp xã.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, việc sắp xếp địa giới, sáp nhập cấp xã cần tạo thuận lợi nhất cho người dân, như việc đi học của các cháu học sinh. Quá trình sắp xếp cần bảo đảm tiến độ và chất lượng, tuân thủ quy định, nội dung nào thiếu quy định hoặc có quy định nhưng bị thực tiễn vượt qua thì giao Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình trực tiếp chỉ đạo xử lý, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền; các cơ quan bám sát tình hình, kịp thời xử lý các vấn đề nổi lên, đồng thời bảo đảm công việc thường xuyên thông suốt.
Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ chủ động hướng dẫn, các bộ, ngành, cơ quan, địa phương chuẩn bị sẵn sàng để 1/7/2025 vận hành bộ máy mới sau khi sắp xếp, sáp nhập.
Bộ Tài chính hướng dẫn về cơ sở vật chất, trụ sở các cơ quan sau khi sắp xếp, bảo đảm phù hợp, hiệu quả, tránh lãng phí, ưu tiên sử dụng cho y tế, giáo dục và mục đích công cộng.
Trước đó, Hội nghị Trung ương 11 hợp từ ngày 10 – 12/4 đã thống nhất chủ trương tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, gồm cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), cấp xã (xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố).
Đồng thời, kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện; thống nhất số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương). Trung ương cũng thống nhất sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã bảo đảm cả nước giảm khoảng 60 - 70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay.