Ngày 12/1, TAND cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên toà hình sự phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của bị cáo Đỗ Ngọc Anh (SN 1964, trú tại xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội về tội “Giết người”.
Trước đó, TAND TP Hà Nội đã mở phiên toà xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Đỗ Ngọc anh mức án tử hình về tội “Giết người”, sau đó bị cáo này đã có đơn kháng cáo kêu oan.
Tuy nhiên, sau thời gian xét xử phúc thẩm, HĐXX TAND cấp cao tại Hà Nội đã quyết định bác đơn kháng cáo kêu oan của bị cáo Đỗ Ngọc Anh, giữ nguyên mức án tử hình đối với bị cáo này về tội Giết người.
Theo bản án sơ thẩm, năm 2017, qua mạng xã hội, Anh quen biết và nảy sinh quan hệ tình cảm với bà H. Trước ngày đăng ký kết hôn không lâu, Anh thỏa thuận sẽ ủy quyền cho bà H. chiếc ô tô Prado trị giá 1,5 tỷ đồng của Anh. Đổi lại, bà H. sẽ sang tên mảnh đất 60m2 ở huyện Chương Mỹ cho Anh để xây nhà.
Anh khai, sau khi kết hôn, do bà H. nghi ngờ Anh có mối quan hệ nam nữ khác nên đã cắt đứt liên lạc và bán chiếc xe ô tô Prado mà không hỏi ý kiến Anh. Bà H. cũng dừng việc làm giấy tờ sang tên mảnh đất 60m2 cho Anh như thỏa thuận.
Tức giận vì bội ước, rạng sáng 31/1/2019, Anh đột nhập vào kho nhà bà H. ở huyện Chương Mỹ. Khoảng 8h, Anh thấy bà H. đi qua nơi Anh ẩn náu nên xông ra đẩy bà H. vào kho. Sau đó, Anh và bà H. đã vật lộn trong nhà kho.
Sau khi vật lộn khoảng 30 phút, Anh dùng thanh sắt đánh vào đầu bà H. Lúc này, bà H. xin tha thì Anh trói nạn nhân lại rồi tìm lấy giấy bút với ý định buộc bà H. phải ký xác nhận nhằm đòi số tiền bà H. đã bán ô tô. Nhưng do không tìm được giấy bút nên Anh bỏ về nhà mình...
Trước đó, trong quá trình điều tra, Anh khai, sáng 31/1/2019, anh ta dùng thanh sắt đánh chết bà H. Sau đó bỏ mặc nạn nhân ở đó và chờ đến đêm cùng ngày thì quay lại nhà nhạn nhân, đưa thi thể bà H. lên lên ô tô, rồi đem về khu vực cầu Đông Trù (nối quận Long Biên và huyện Đông Anh) phân xác thành nhiều mảnh và vứt xuống sông Đuống.
Tại phiên toà phúc thẩm ngày hôm nay, bị cáo Anh giữ nguyên kháng cáo kêu oan, nhưng lại không đưa ra được các căn cứ chứng minh bị cáo vô tội. Sau khi nghị án, HĐXX phúc thẩm khẳng định, bản án mà Toà án cấp sơ thẩm đã áp dụng đối với bị cáo là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Việc bị cáo kháng cáo kêu oan nhưng không có căn cứ gì chứng minh điều đó là nhằm mục đích trốn tránh bị pháp luật trừng phạt.