Xưởng tái chế dầu trái phép gây ô nhiễm môi trường

Tài Đức| 25/10/2018 08:33
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mặc dù đã nhiều lần bị cơ quan chức năng đình chỉ hoạt động và xử phạt, thậm chí số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng, tuy nhiên, sau nhiều năm hoạt động trái phép, đến nay cơ sở tái chế dầu vẫn tồn tại và ngang nhiên sản xuất.

Theo phản ánh của nhiều hộ dân thôn Thung Cối, xã Phú Lâm, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) cho biết, đã 6 năm nay, một xưởng tái chế dầu diezen hoạt động trái phép tại địa bàn thôn đã gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng.

Phía bên trong xưởng tái chế dầu trái phép

“Mỗi khi xưởng đốt dầu tái chế, khói đen bốc lên ngùn ngụt, bay khắp vùng, nhiều hộ dân sống gần xưởng đốt lúc nào cũng trong tình trạng ngây ngất vì mùi dầu hắc khủng khiếp. Đặc biệt, có những hôm xưởng đốt hết công xuất, móng than bay vào cây cối, nhà cửa thành từng mảng đen xì”, anh Hòa trú thôn Thung Cối cho biết.

Anh Hòa cho biết thêm, chủ xưởng tái chế dầu diezen là ông Dương Văn Trường (trú tại xã Hải Thanh). Trước đây, xưởng đốt nằm tại xã Hải Thanh, tuy nhiên, sau đó được di chuyển đến khu vực hẻm núi của xã Phú Lâm. Kể từ ngày xưởng tái chế dầu về đây đốt, không ngày nào người dân được yên vì quá ô nhiễm.

Theo ghi nhận của PV, xưởng đốt dầu trên hoạt động khá rầm rộ, khói đốt bốc lên nghi ngút, khá nhiều công nhân làm việc trong xưởng, an ninh tại đây “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Đặc biệt, trong xưởng nuôi rất nhiều chó, khi có người lạ xuất hiện, đàn chó sẵn sàng tấn công.

Việc sản xuất trái phép tại đây gây ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng

Quan sát từ bên trong, xưởng tái chế này có nhiều bể chứa, lò đốt và thùng phuy. Được biết, quy trình tái chế dầu tương tự cách nấu rượu. Dầu máy thải từ khắp mọi nơi được chủ cơ sở thu gom về, sau đó, bỏ vào lò (một loại thùng lớn) để tiến hành đốt. Sau khi đốt, dầu diezen ngưng tụ và chảy vào một bể chứa, còn trong lò là bã dầu, bã dầu sau này cũng đươc tái sử dụng làm chất đốt.

Ông Lê Đức Nam – Chủ tịch UBND xã Phú Lâm, huyện Tĩnh Gia xác nhận, xưởng tái chế dầu trên hoạt động tại địa bàn xã từ năm 2012. Đến nay, cơ sở này vẫn chưa được cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan đến môi trường. “Chúng tôi đã nhiều lần phối hợp với Công an huyện, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Thanh Hóa kiểm tra tại xưởng, xã chỉ có chức năng phối hợp để kiểm tra thực tế, còn thẩm quyền xử phạt và đình chỉ hoạt động lại thuộc cơ quan chức năng huyện, tỉnh” - ông Nam nói.

Biên bản kiểm tra của UBND xã Phú Lâm

Ông Dương Văn Trường (Chủ cơ sở tái chế dầu) cho biết, sau khi xưởng đi vào hoạt động, các cơ quan chức năng như C49 – Cục cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường Bộ Công an cũng đã về xử phạt cơ sở vài triệu đồng.

Đặc biệt, vừa qua Phòng cảnh sát môi trường Công an tỉnh Thanh Hóa về kiểm qua và quyết định xử phạt 300 triệu động. “Do xưởng đốt hoạt động với quy mô nhỏ nên việc xin cấp phép theo quy định là rất khó, ngoài thủ tục cấp phép phức tạp thì phải bỏ ra hàng tỷ đồng để được cấp phép. Như vậy, xưởng chịu sao nổi. Hiện tại, xưởng duy trì hoạt động nhằm mục đích chỉ là để trả lương cho vài công nhân và bảo vệ làm việc tại cơ sở”, ông Trường nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xưởng tái chế dầu trái phép gây ô nhiễm môi trường