Xuất khẩu lao động “chui”: Cuộc đời như canh bạc

Bá Mạnh| 11/07/2017 06:24
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Xuất khẩu lao động (XKLĐ) “chui” như canh bạc và “đổi đời” không phải là giấc mơ dành cho tất cả, có người may mắn dành dụm được ít vốn liếng để về quê nhưng cũng có người bỏ mạng nơi đất khách.

Xuất khẩu lao động – giấc mơ thoát nghèo

Có lẽ quanh năm bám lấy ruộng đồng cũng không bằng được vài tháng lương lao động nơi xứ người, nên xuất khẩu lao động luôn là giấc mơ “đổi đời” của không biết bao gia đình nơi vùng quê. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, XKLĐ “chui” như canh bạc và “đổi đời” không phải là giấc mơ dành cho tất cả, có người may mắn dành dụm được ít vốn liếng để về quê nhưng cũng có người bỏ mạng nơi đất khách.

Những ngày qua, dư luận hết sức quan tâm và đau xót khi thông tin về các lao động Việt Nam gặp nạn trên biển Trung Quốc và tử nạn. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phát thông cáo: ngư dân Trung Quốc vớt được thi thể của 9 người nghi là công dân Việt Nam bị thiệt mạng tại vùng biển khu vực này. Liền đó, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu đã phối hợp với các cơ quan chức năng Trung Quốc và trong nước xác minh, sau đó phối hợp cùng gia đình các nạn nhân đối chiếu mẫu ADN.

Qua đó đã xác định được 7 thi thể là người Việt Nam, trong đó có 3 nạn nhân ở Nghệ An, 2 nạn nhân ở Quảng Bình, 1 nạn nhân ở Hải Dương, 1 người ở Hà Tĩnh. Hiện, 2 thi thể vẫn chưa xác định được danh tính.

Những nạn nhân tử nạn vừa qua đều đi XKLĐ “chui”, mỗi người đều có một hoàn cảnh riêng nhưng tất thảy đều chung một giấc mơ "đổi đời", và giấc mơ chung đó đã nằm lại mãi giữa biển khơi khi chuyến tàu đưa họ đi gặp nạn.

Quê nghèo mang nặng nỗi đau

Từ ngày nhận tin con trai mình là Lưu Xuân Hoàng (SN 1991, trú tại xã Nam Lộc, Nam Đàn, Nghệ An) tử nạn trên biển, bà Trần Thị Trâm như người vô hồn, chỉ biết ôm di ảnh con trai mà khóc.

Theo bà Trâm, sau khi tốt nghiệp Cao đẳng không xin được việc làm, Hoàng đã XKLĐ ở Đài Loan, nhưng do thu nhập thấp, công việc không có nên tháng 5/2016 Hoàng về nước. Thời gian này, Hoàng nói sẽ tìm cơ hội “xuất ngoại” lần nữa nhưng nào ngờ lần ra đi này là lần đi cuối.

“Cháu nó sang Trung Quốc rồi mới điện về nhà, lúc đó gia đình mới biết cháu đi, chứ lúc đi nó không nói gì. Mấy ngày sau cháu có điện về lần nữa nói đang trên tàu ra biển làm việc, rồi không liên lạc được nữa, cứ nghĩ trên tàu không có sóng hoặc xấu nhất thì bị phía Trung Quốc bắt giữ vì không đi đường chính ngạch nhưng ai mà ngờ….”, bà Trâm nức nở.

Ngày 25/5, khi đang gặt lúa ngoài đồng thì gia đình bà Trâm nhận được điện thoại của người cháu ở Đài Loan thông báo có tàu Trung Quốc bị chìm ngoài biển, trên tàu có Hoàng và nhiều người Việt Nam nữa. Gia đình bà Trâm tá hỏa không dám tin nhưng cũng không biết tìm hỏi ai vì con đi XKLĐ “chui”.

“Gia đình làm nông nên cũng chỉ đủ ăn, khi chồng sang Trung Quốc để nhận dạng con, gia đình may mắn được anh em bạn bè, chòm xóm cho vay gần 200 triệu đồng làm lộ phí, để đưa tro cốt con trở về”, bà Trâm nói trong nước mắt.

Tại Hà Tĩnh, người thân cũng đang lo mai táng cho anh Đào Sỹ Hùng (31 tuổi, trú xóm 8 xã Kỳ Khang, Kỳ Anh). Tro cốt anh Hùng được đưa về chiều 6/7 sau nhiều tháng mất tích. 

Ông Đào Hữu Thiên (50 tuổi, bố anh Hùng) kể, con trai từng đi xuất khẩu lao động sang Trung Quốc, sau đó bỏ ra ngoài làm ăn. Cuối năm 2016, anh Hùng bị chính quyền sở tại phát hiện, trục xuất về nước. Đầu tháng 2/2017, anh gom góp được ít tiền, nhờ một người ở Bắc Giang đưa trở lại Trung Quốc làm việc "chui" với chi phí 40 triệu đồng.

Xuất khẩu lao động “chui”: Cuộc đời như canh bạc

Ông Đào Hữu Thiên ( bố nạn nhân Hùng) chia sẻ với PV.

Sau khi sang Trung Quốc, đến chiều 31/3, anh Hùng gọi điện về bảo chuẩn bị xuống tàu sang Đài Loan để làm việc nhưng kể từ đó anh Hùng cũng bặt vô âm tín.

Gần 3 tháng mất liên lạc với con, gia đình ông Thiên lúc nào cũng đứng ngồi không yên. Nhưng vì không quen biết ai đi cùng con trai mình và không biết người môi giới nên gia đình ông đành ở nhà cầu nguyện chờ ngày con liên lạc về.

Đến khoảng đầu tháng 6/2017, gia đình nhận được thông tin chuyến tàu người lao động Việt Nam gặp nạn trên vùng biển Trung Quốc. Sau đó là điện thoại của một người ở Quảng Bình vừa nhận thi thể người thân trên chuyến tàu gặp nạn trở về thông báo có 13 thi thể được tìm thấy chưa ai nhận về, trong đó có người giống với anh Hùng và bảo liên hệ để nhận dạng, đón thi thể về an táng.

Nghe hung tin, gia đình anh Hùng liên hệ và ra Bộ Ngoại giao 4 lần để nắm thông tin. Các thi thể khi được phát hiện không còn nguyên vẹn nên cơ quan chức năng thông báo lấy mẫu AND người thân để nhận dạng, mãi đến ngày 6/7, gia đình mới đưa tro cốt anh Hùng về quê an táng.

Xuất khẩu lao động “chui”: Cuộc đời như canh bạc

Từ ngày nhận hung tin người chồng xấu số tử nạn, chị Tiếp gục ngã không còn sức để gượng dậy.

Từ lúc nhận tin dữ của người chồng xấu số, chị Hồ Thị Tiếp (vợ anh Hùng) đau đớn nằm trên giường khóc than. Cạnh bên, đứa con nhỏ 8 tuổi cũng chỉ biết ngồi ôm mẹ. Nỗi đau mất chồng khiến chị Tiếp gục ngã, không còn sức để gượng dậy.

Thời gian gần đây, việc đi XKLĐ “chui” diễn ra một cách đáng báo động, vì chi phí thấp và thủ tục nhanh gọn nên rất nhiều người dân vẫn bất chấp bỏ tiền để được đi. Có nhiều tổ chức, cá nhân đưa nhiều lao động sang Đài Loan với hình thức đi “chui” bằng thuyền đánh cá. Trước thực trạng này, các cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp ngăn chặn để không còn tái diễn và cũng cần có sự truyên truyền sâu rộng để người dân không bị lừa đi XKLĐ theo con đường này, tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuất khẩu lao động “chui”: Cuộc đời như canh bạc