Ngày 25/8, thông tin từ Sở Y tế Hà Giang cho biết, trên địa bàn huyện Mèo Vạc vừa ghi nhận một trường hợp tử vong do mắc bệnh Bạch hầu. Đây là ca bệnh đầu tiên tại địa phương này trong nhiều năm trở lại đây.
Bệnh nhân là Và Mí D., sinh năm 2008, dân tộc Mông, trú tại thôn Khâu Vai B, xã Khâu Vai.
Trước đó, ngày 14/8, bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện Mèo Vạc trong tình trạng đau rát họng, mệt mỏi, sốt cao, kèm theo các triệu chứng của bệnh Bạch hầu.
Ngày 23/8, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh để khám, làm các xét nghiệm và điều trị theo chuyên môn.
Ngày 24/8, bệnh nhân đã tử vong và được đưa về địa phương để mai táng.
Cùng ngày 24/8, Viện Dịch tễ Trung ương trả lời mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân Và Mí D. dương tính với bệnh Bạch hầu.
Về tiền sử và yếu tố dịch tễ, thời gian gần đây, bệnh nhân D. không đi khỏi nơi cư trú, không tiếp xúc với người mắc bệnh tương tự; trong gia đình không có ai khác mắc bệnh tương tự.
Sau khi xuất hiện trường hợp mắc bệnh Bạch hầu, Trung tâm Y tế huyện Mèo Vạc đã thành lập tổ điều tra đến địa bàn xảy ra ca bệnh điều tra xác minh, chỉ đạo công tác phòng chống dịch, thực hiện tẩy uế môi trường xung quanh khu vực nhà ở; thông báo tình hình dịch bệnh với chính quyền địa phương, các ban, ngành đoàn thể có liên quan, nhân dân trong khu vực được biết cùng phối hợp trong các hoạt động phòng, chống bệnh dịch; tổ chức điều tra, lấy mẫu bệnh phẩm; lập danh sách những người tiếp xúc gần với bệnh nhân để hướng dẫn uống kháng sinh dự phòng, theo dõi sức khoẻ trong vòng 14 ngày…
Hiện tại, địa bàn huyện Mèo Vạc còn 6 trường hợp nghi mắc bệnh Bạch hầu trú ở các xã Khâu Vai, Cán Chu Phìn và Giàng Chu Phìn, đang được theo dõi và điều trị tại Trung tâm Y tế huyện.
Ngành chức năng đã lấy 6 mẫu bệnh phẩm của các trường hợp trên gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm.
Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch. Người sinh sống ở khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo, bất kì ai đi du lịch đến nơi đang có dịch Bạch hầu.
Bệnh Bạch hầu có thể lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua đường hô hấp. Đây là hình thức lây bệnh phổ biến, ngoài ra vi khuẩn Bạch hầu cũng truyền từ người này sang người khác thông qua vật trung gian như đồ chơi, vật dụng có chứa dịch tiết của người bệnh. Vi khuẩn Bạch hầu có thể xâm nhập qua da bị tổn thương, gây Bạch hầu da. Trung bình sau khoảng 2 tuần nhiễm vi khuẩn, người bệnh có thể bắt đầu lây nhiễm cho người khác thông qua các hình thức nói trên.
Để chủ động phòng chống bệnh Bạch hầu, người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh Bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.