Chiều 15/4, tại phiên xét xử vụ án xảy ra tại Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO), các bị cáo, luật sư tiếp tục tranh luận với quan điểm của VKS.
Làm đúng vẫn bị truy tố?
Trong phần tự bào chữa cho mình trước HĐXX, bị cáo Lê Thị Tuyết Lan, cựu Phó trưởng phòng kế toán TISCO cho biết, bị cáo rất ân hận và bất ngờ. Bị cáo Lan nói: “Hơn 2 năm làm việc với cơ quan điều tra chưa bao giờ nghĩ rằng tôi bị truy tố, vì trong quá trình thực hiện các văn bản pháp lý của Nhà nước rất đầy đủ, mình làm như thế tại sao lại bị truy tố. Bị cáo không ngờ được tại sao làm đúng vẫn bị truy tố. Bị cáo đề nghị tòa án xem lại các văn bản đó đúng chỗ nào, sai ở chỗ nào”.
Cựu Phó phòng kế toán Lê Thị Tuyết Lan cho rằng, bản thân là người làm công ăn lương, thực hiện mệnh lệnh của cấp trên, làm đúng chức năng được phân công mà vẫn bị phạm tội.
Khép lại phần tự bào chữa cho mình, bị cáo Lan mong HĐXX áp dụng chính sách khoan hồng của pháp luật cho bị cáo được hưởng án treo để có thời gian chữa bệnh và lo cho gia đình.
Bào chữa cho thân chủ của mình, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng trong vụ án này bị cáo Lan không tư vấn, đàm phán, đề xuất, phê duyệt, thực hiện việc thay đổi hợp đồng. Bị cáo chỉ đọc, đối chiếu và ký nháy một số tài liệu. Luật sư khẳng định, bị cáo Lan không có bất kể vai trò gì trong vụ án này.
Xem xét trách nhiệm của Bộ Công Thương
Cũng trong phần tranh luận chiều nay, luật sư Nguyễn Thị Minh Yến, người bào chữa cho bị cáo Đồng Quang Dương, cựu Phó giám đốc TISCO đã đề nghị HĐXX trả hồ sơ điều tra làm rõ trách nhiệm của Bộ Công Thương, tiếp tục thu thập chứng cứ của Vinaincon để làm rõ Vinaincon chỉ định 13 nhà thầu phụ như nào, đánh giá nhà thầu phụ có đúng quy định không?
Luật sư Nguyễn Thị Minh Yến đã đưa ra một số quan điểm như: Việc có quyết định VINAINCON trở thành nhà thầu phụ của MCC hay không, bị cáo Dương hoàn toàn không có quyền quyết định; Việc TISCO chấp thuận VINAINCON làm nhà thầu phụ cho MCC trước tiên phải nói đến trách nhiệm của Bộ Công Thương trong vấn đề giới thiệu VINAINCON và xác nhận năng lực của VINAINCON để dẫn đến có hợp đồng 3 bên giữa TISCO- MCC và VINAINCON.
Tiếp theo, việc VINAINCON tự ý ngừng không thực hiện phần C là do chủ quan từ phía VINAINCON chứ không phải từ nguyên nhân nào khác.
Luật sư Yến đề nghị trả hồ sơ để điều tra, xem xét trách nhiệm của Bộ Công Thương đối với việc đã ban hành văn bản có tính chất chỉ đạo TISCO phải thực hiện trong dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2, đặc biệt là đối với việc tách phần C ra khỏi hợp đồng EPC số 01.
Theo hồ sơ vụ án, bị cáo Đồng Quang Dương với nhiệm vụ, quyền hạn là Phó Giám đốc, kiêm Thư ký Dự án TISCO giai đoạn 2, thành viên đoàn đàm phán giải quyết phát sinh hợp đồng EPC số 01#, biết đây là hợp đồng trọn gói, không được điều chỉnh giá.
Nhưng bị cáo Dương đã tham gia 2 cuộc đàm phán với Tập đoàn Khoa học Công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC) về nội dung tách phần C ra khỏi hợp đồng EPC số 01# để TISCO tổ chức thực hiện và chịu rủi ro.
Ngoài ra, bị cáo Dương còn ký kiểm soát các văn bản để các bị cáo khác ký đề nghị Tổng công ty thép Việt Nam (VNS), Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh chi phí thực hiện phần C Hợp đồng EPC số 01#; chấp thuận VINAINCON không đủ năng lực để thực hiện Phần C... Hành vi sai phạm nêu trên của bị cáo làm cho TISCO không kiểm soát được chi phí đầu tư; không ràng buộc trách nhiệm của nhà thầu về tiến độ, dẫn đến dự án chậm tiến độ, làm phát sinh tăng lãi vay, tăng chi phí đầu tư, gây thất thoát, lãng phí đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước.