Xét xử vụ Hứa Thị Phấn và đồng phạm: Các bị cáo khai ký chứng từ chứ không nộp tiền

Văn Vũ| 14/05/2018 18:44
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều nay (14/5), TAND TPHCM tiếp tục xét xử vụ án Hứa Thị Phấn, nguyên cố vấn cao cấp HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Tín (TrustBank), nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư phát triển Phú Mỹ cùng 27 đồng phạm.

HĐXX tiếp tục tập trung xét hỏi các bị cáo về hành vi Cố ý làm trái qui định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng, trong việc hạch toán thu – chi khống gây thiệt hại cho TrustBank hơn 5.256 tỷ đồng và khoản dư nợ này đã bị đẩy cho Công ty Phương Trang.

Tất cả các bị cáo khai tại phiên tòa là chỉ biết ký chứng từ khống theo chỉ đạo của bị cáo Bùi Thị Kim Loan, nguyên kế toán Công ty Phú Mỹ, thư ký của bà Hứa Thị Phấn chứ không hề có tiền mặt. 

Tại phiên toà, bị cáo Vũ Thị Như Thảo, nguyên Phó Giám đốc phụ trách kế toán – nguồn vốn TrustBank – chi nhánh Sài Gòn thừa nhận đã làm theo sự chỉ đạo của Bùi Thị Kim Loan, thư ký của bà Hứa Thị Phấn, ký phê duyệt 135 chứng từ, thu khống 3.486 tỷ đồng. Cụ thể, 55 phiếu thu và 80 giấy nộp tiền, để nộp khống vào tài khoản mở sổ tiết kiệm và nộp tiền tất toán gốc và lãi các khoản vay của nhóm Phú Mỹ (của bị cáo Phấn) gây thiệt hại cho NH Đại Tín 3.486 tỷ đồng.

Bị cáo Thảo khai rằng, bị cáo Bùi Thị Kim Loan gọi điện và yêu cầu bị cáo tính toán lại chi tiết lãi, vốn của các hợp đồng vay vốn. Sau đó, bị cáo Loan kêu làm phiếu thu trước, để có tiền nộp vào sau cho nhanh. Đến khoảng 4 giờ chiều có hợp đồng giải ngân, thì chị Loan mới nói thu bằng tiền giải ngân.

“Và toàn bộ việc giải ngân này không có tiền thật không mà chỉ thực hiện trên giấy tờ”, bị cáo Thảo khẳng định.

Bị cáo Huỳnh Thị Băng Tâm, nguyên Phó trưởng phòng kế toán TrustBank chi nhánh Sài Gòn, kiêm Phó trưởng phòng phụ trách phòng kế toán chi nhánh Lam Giang thừa nhận làm theo chỉ đạo của cấp trên là Vũ Thị Như Thảo.

Bị cáo Tâm cũng thừa nhận trên phiếu thu không có chữ ký khách hàng, vì thực tế không có ai nộp tiền.

Trả lời HĐXX về việc có biết bà Phấn là chủ Ngân hàng không, bị cáo Tâm kể có một lần bà Phấn qua chi nhánh đi cùng Bùi Thị Kim Loan và Ngô Kim Huệ, nguyên Phó Tổng Giám đốc TrustBank, khi đó tình cờ gặp một nhân viên ngồi trên ghế lắc lư. Lập tức, bà Phấn ra lệnh đuổi việc chị nhân viên đó. Từ đó, mọi người trong ngân hàng đều khiếp sợ trước uy quyền của Hứa Thị Phấn.

Trả lời HĐXX, đa số các bị cáo ở vị trí thấp trong TrustBank như nhân viên kế toán, kiểm toán, giao dịch viên… đều cho biết rất hiếm khi gặp mặt Hứa Thị Phấn, song tất cả đều tỏ ra sợ sệt trước uy quyền của người đàn bà này.

Tại phiên tòa, bị cáo Lâm Kim Thu, nguyên Phó phòng Kế toán TrustBank chi nhánh Sài Gòn khai: “Bà Hứa Thị Phấn thường xuất hiện với bị cáo Bùi Thị Kim Loan. Bị cáo không tiếp xúc với bà Phấn lần nào và chỉ nghe mọi người trong ngân hàng nói bà là chủ”.

Trong vụ án này, bị cáo Thu bị cáo buộc giúp bà Phấn ký rất nhiều chứng từ cho bà Hứa Thị Phấn. Kết quả điều tra cho thấy, bị cáo Lâm Kim Thu đã ký kiểm soát tổng cộng 134 chứng từ thu khống hơn 6.579 tỷ đồng bao gồm 82 phiếu thu, 52 giấy nộp tiền, trong đó ký kiểm soát 99 chứng từ thu khống hơn 2.105 tỷ đồng; 49 phiếu thu và 50 giấy nộp tiền vào tài khoản, mở sổ tiết kiệm và nộp tiền tất toán gốc và lãi cho khoản vay của nhóm Phú Mỹ, gây thiệt hại cho TrustBank hơn 2.105 tỷ đồng.

Tương tự, bị cáo Trần Thị Hoàng Nga, nguyên Kế toán giao dịch TrustBank chi nhánh Sài Gòn và Lam Giang cũng cho biết, chưa từng tiếp xúc với bà Hứa Thị Phấn, song thông qua quản lý trực tiếp của mình là Huỳnh Thị Băng Tâm (nguyên Phó phòng Kế toán Ngân hàng đại Tín) đã lập và ký 11 chứng từ thu khống hơn 766 tỷ đồng bào gồm 3 phiếu thu và 8 giấy nộp tiền. Trong đó, 8 phiếu nộp tiền 374 tỷ đồng được cơ quan điều xác định là khống và được nộp vào tài khoản của nhóm Phú Mỹ của bà Hứa Thị Phấn, hành vi này của bị cáo Trần Thị Hoàng Nga đã gây thiệt hại hoàn toàn số tiền này (374 tỷ đồng) của TrustBank.

Trong khi đó bị cáo Văn Thị Hồng Thi, người được xác định đã lập 102 chứng từ thu chi khống, qua đó tiếp tay cùng bà Phấn gây thiệt hại cho TrustBank số tiền hơn 1.346 tỷ đồng cũng thừa nhận chưa bao giờ tiếp xúc với bà Phấn. “Mỗi lần bà Phấn xuất hiện bị cáo chỉ nghe mọi người nói hôm nay có bà chủ xuống và qua đó biết bà Phấn là chủ ngân hàng chứ chưa từng tiếp xúc bao giờ”, bị cáo Văn Thị Hồng Thi khai.

Xét xử vụ Hứa Thị Phấn và đồng phạm: Các bị cáo khai ký chứng từ chứ không nộp tiền

Bị cáo Hoàng Văn Toàn tại phiên tòa

Ngay cả bị cáo Hoàng Văn Toàn (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Tín), uy quyền của bà Phấn cũng phải khiến người nguyên là giáo viên ngân hàng rụt rè khi giao tiếp.

“Bà Hứa Thị Phấn nhờ đứng ra mua cổ phần… số tiền cổ tức Ngân hàng trả vào tài khoản bị cáo rút ra không dám dùng mà đưa hết cho bà Hứa Thị Phấn”, bị cáo Hoàng Văn Toàn khai.

Thậm chí, nhiều trường hợp không có nghiệp vụ ngân hàng được Hứa Thị Phấn nhận vào để biến thành “công cụ” của mình trong qui trình thu chi khống, rút ruột TrustBank.

Khai tại phiên toà, bị cáo Hà Thu Thảo (nguyên nhân viên thủ quỹ Phòng giao dịch Ngân hàng Đại Tín – chi nhánh Sài Gòn) cho biết, bản thân chỉ tốt nghiệp lớp 12 khi vào được giao làm nhiệm vụ kiểm ngân tại chi nhánh Sài Gòn. Bị cáo không có nghiệp vụ và mọi chuyện liên quan đến việc thu chi khống, tiếp tay cho bà Phấn gây thiệt hại cho TrustBank hơn 426 tỷ đồng theo sự hướng dẫn, điều động của lãnh đạo chi nhánh là ông Ngô Trí Đức (Giám đốc TrustBank chi nhánh Sài Gòn), bà Vũ Thị Phương Thảo (Phó Giám đốc chi nhánh Sài Gòn).

Hay như trường hợp của nguyên Phó thủ quỹ của Ngân hàng Đại Tín Trịnh Thị Hiền Trang, người học chuyên ngành Quản trị kinh doanh nhưng khi được tuyển dụng vào được bố trí làm… phó thủ quỹ. Và mặc dù là phó thủ quỹ, song bị cáo Trang khai nhận chỉ biết ký “thu chi cấn trừ” mà không biết nguồn tiền mặt ở chi nhánh ra sao, đường đi của dòng tiền.

Thậm chí, khi được HĐXX giải thích rằng, trong nghiệp vụ ngân hàng không có định nghĩa thu chi cấn trừ thì bị cáo Trang mới biết.

Một điều trái khoáy nữa liên quan đến ông Ngô Trí Đức, Giám đốc TrustBank chi nhánh Sài Gòn. Tại phiên tòa, ông Đức không hề biết chuyện gì đang xảy ra tại chi nhánh mình trong suốt 2 năm trời.

Trước bất ngờ này, HĐXX đặt câu hỏi với ông Ngô Trí Đức nghĩ gì khi hàng chục nhân viên từ Phó Giám đốc chi nhánh cho đến kế toán, kiểm soát viên phải ra toà mà mình không liên quan?

Ông Ngô Trí Đức cho biết rằng, mỗi người trong chi nhánh đều được phân quyền và chịu trách nhiệm với công việc của mình được phân công.

Như vậy, với việc sử dụng uy quyền để áp đặt nhân sự và cách làm việc, “bà trùm” Hứa Thị Phấn đã “giật dây” và rút ruột TrustBank hàng ngàn tỷ đồng.

Trước khi kết thúc phiên làm việc, HĐXX xét hỏi đại diện Công ty Phương Trang (đơn vị có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan) về các khoản vay tại TrustBank.

Ngày mai phiên tòa tiếp tục làm việc với phần xét hỏi, trong đó có phần xét hỏi liên quan đến bị cáo Bùi Thị Kim Loan, đồng phạm giúp sức tích cực cho Hứa Thị Phấn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xét xử vụ Hứa Thị Phấn và đồng phạm: Các bị cáo khai ký chứng từ chứ không nộp tiền