Sáng nay (24/5), phiên tòa xét xử Hoàng Công Lương cùng 2 bị cáo khác trong sự cố chạy thận khiến nhiều người tử vong xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, tiếp tục diễn ra ở phần tranh tụng.
Theo đó, mở đầu phiên tòa sáng nay, luật sư Thủy, bào chữa cho bị cáo Trần Văn Sơn, cán bộ phòng Vật tư - Thiết bị Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, yêu cầu làm rõ trách nhiệm của người ký hợp đồng sửa chữa bảo dưỡng hệ thống lọc RO tại đơn nguyên Thận nhân tạo.
Vị luật sư này cho rằng, ông Trần Văn Thắng, Trưởng phòng Vật tư - Thiết bị là người đầu tiên phải kiểm tra trong vấn đề này, tiếp theo là điều dưỡng. Tuy nhiên, trong phiên tòa này chưa ai hỏi điều dưỡng là gì?
Điều dưỡng là một bộ phận riêng biệt, trực thuộc Giám đốc, liên quan đến tất cả hoạt động của Bệnh viện. Không có bộ phận điều dưỡng thì Bệnh viện khó có thể hoạt động tốt và Điều dưỡng có tầm quan trọng đến mức người ta phải thành lập hội đồng điều dưỡng. Điều dưỡng viên không thuộc đơn nguyên chạy thận nhân tạo mà là trực thuộc Giám đốc.
Các bị cáo tại tòa
Nói về tư cách của bị cáo Trần Văn Sơn trong vụ án này, luật sư Thủy lần đầu hé lộ thông tin Trần Văn Sơn không có hợp đồng lao động với Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình và chưa đủ căn cứ để buộc tội Trần Văn Sơn.
Do đó, luật sư Thủy đề nghị HĐXX xem xét trả hồ sơ điều tra bổ sung và cho bị cáo Sơn được tại ngoại, thay đổi biện pháp ngăn chặn, cấm đi khỏi nơi cư trú.
Bên cạnh đó, cũng tại phiên tòa sáng nay, luật sư Thủy cũng tố Viện Kiểm sát đã nhầm lẫn nội dung các bút lục trong hồ sơ vụ án.
Đối đáp lời của luật sư Thủy, đại diện Viện Kiểm sát khẳng định nội dung luận tội của VKS là dựa trên cáo trạng và diễn biến tại phiên tòa.
Đại diện của Viện Kiểm sát cũng khẳng định có đủ căn cứ để truy tố Trần Văn Sơn tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, theo quy định tại Điều 285 - BLHS năm 1999.
Đại diện Viện Kiểm sát cho biết, tại bút lục 3808, người này đã “ghi nhầm” về quy chế chuyên môn, nhưng thực ra đó là quy trình về xử lý nước trong lọc máu, đồng thời xin lỗi luật sư và bị cáo. Đại diện VKS Bùi Thị Thu Hằng nói: “Tôi xin lỗi, đây là quy trình xử lý nước trong lọc máu của bệnh viện. Có thể số 3 với số 8 giống nhau nên tôi bị nhầm lẫn”.
Theo đại diện Viện Kiểm sát, lời khai của bị cáo Sơn về việc phân công phù hợp với việc phân công của Phòng Vật tư - Thiết bị y tế nên không cần thiết phải đối chất với ông Trần Văn Thắng theo yêu cầu của luật sư Thủy và bị cáo Sơn.
Đại diện VKS tại phiên tòa xét xử
Ngoài ra, đại diện VKS cũng khẳng định không cần thiết phải mở rộng điều tra vụ án vì nguyên nhân vụ việc là do hóa chất tồn dư, chứ không phải do hệ thống máy móc.
Viện Kiểm sát cho rằng với nhiệm vụ được giao, bị cáo Sơn phải có trách nhiệm kiểm tra giám sát trong ngày 28/5 (ngày sửa chữa hệ thống lọc RO). Tại phiên tòa Sơn cũng thừa nhận nhiệm vụ được phân công phù hợp với bảng phân công nhiệm vụ.
Cũng trong phần tranh tụng sáng nay, luật sư Trần Vũ Hải đề nghị VKS căn cứ Nghị định 138 năm 2007 của Chính phủ, trong đó có nói: “Trong trường hợp có liên quan đến công tác điều tra tội phạm hoặc đang trong giai đoạn giải quyết tranh chấp về kinh tế thì Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát hoặc Tòa án có quyền yêu cầu ngừng việc xuất cảnh”.
Trong vụ án này, nếu xác định ông Trương Quý Dương, nguyên GĐ Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan mà không phải bị can, bị cáo, hoặc liên quan đến việc tranh chấp về dân sự kinh tế. Như vậy, đương nhiên phải yêu cầu cấm xuất cảnh đối với ông Trương Quý Dương. Luật sư Hải nói: “Tôi cho rằng nếu không mời được ông Dương về nước thì vấn đề sẽ hết sức nghiêm trọng”.
Đáp lời luật sư, đại diện VKS cho rằng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về tạm hoãn xuất nhập cảnh, chỉ có thể tạm hoãn xuất cảnh đối với hai trường hợp. Một là người bị tố giác, kiến nghị khởi tố qua điều tra xác minh xác định người đó bị nghi thuộc diện tội phạm; hai là xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó bỏ trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ. Vị đại diện VKS nói: “Trong quá trình điều tra, VKS và cơ quan điều tra đã xác minh làm rõ và kết luận hành vi của ông Dương là chưa đủ căn cứ để khởi tố hình sự. Do vậy chúng tôi không thể nào đề nghị cơ quan điều tra xem xét tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Trương Quý Dương”.
Các luật sư tham gia bào chữa tại phiên tòa
Bên cạnh đó, với ý kiến ông Dương cần bị tạm hoãn xuất nhập cảnh do liên quan đến vấn đề trách nhiệm dân sự, VKS cho biết cũng đã căn cứ vào Luật Dân sự. Trước tiên, trách nhiệm về dân sự thuộc về pháp nhân. Pháp nhân phải bồi thường trước tiên, sau đó nếu phát sinh mối quan hệ giữa cá nhân - pháp nhân thì sẽ giải quyết trong một vụ việc khác.
Đáp lại lời của VKS, luật sư Hải cho rằng cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát đã không xác định rõ tư cách người làm chứng đối với ông Trương Quý Dương. Luật Xuất nhập cảnh và Nghị định 138 năm 2017 đều quy định rõ những trường hợp bị cấm xuất nhập cảnh. Trong thực tế các vụ án, những người được cho là người có quyền và nghĩa vụ liên quan đều không được phép xuất cảnh.
Ngoài ra, luật sư Hải đề nghị phải xử lý trách nhiệm của Bộ Y tế, đại diện Bộ Y tế tại phiên tòa cũng đã nhận một phần lỗi, nhưng đây là việc cần phải nghiêm túc. Một sự cố y khoa lớn nhất từ trước đến nay cần phải xem xét trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc không xây dựng quy trình lọc thận.
Viện Kiểm sát cho biết trong bản luận tội của mình cũng đã kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với Bộ Y tế. Nếu các luật sư thấy cần có những kiến nghị về trách nhiệm khác, đề nghị HĐXX kiến nghị trong bản án….
Liên quan đến việc truy tố đối với bị cáo Quốc, luật sư Trần Vũ Hải cảm ơn VKS đã xác nhận một số tình tiết giảm nhẹ cho thân chủ của mình, đề nghị VKS và HĐXX xem xét ít nhất 5 tình tiết giảm nhẹ đối với bị cáo Quốc, qua đó đề nghị đưa ra mức án treo đối với bị cáo.