Ngày 1/3, phiên xét xử đại án Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) bước sang ngày làm việc thứ 3. Phiên xử tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi.
Tổng Giám đốc Trần Văn Bình được HĐXX yêu cầu trả lời chất vấn đầu tiên tại phiên xét xử sáng nay. Theo lời khai, ông ta là nhân viên lái xe của Tập đoàn Thiên Thanh, được Phạm Công Danh nhờ đứng tên làm Tổng giám đốc Công ty Trung Dung.
Nói về hồ sơ vay vốn của 500 tỉ đồng, Bình cho biết có ký nhưng không biết mục đích vay vốn, không đọc hồ sơ vay vốn. Sau khi ký xong thì hồ sơ đưa cho kế toán của Tập đoàn Thiên Thanh. Về nguồn tiền 500 tỉ, Công ty Trung Dung không sử dụng, tiền có được chuyển về tài khoản của Công ty Trung Dung hay không thì anh ta cũng không hay biết.
Liên quan đến khoản vay 500 tỉ, bà Đặng Quỳnh Mai – thời điểm xảy ra vụ việc là lãnh đạo khối khách hàng doanh nghiệp của Oceanbank trả lời câu hỏi của HĐXX. Theo bà Mai, bà này nhận hồ sơ vay 500 tỉ của Công ty Trung Dung từ bị cáo Nguyễn Văn Hoàn – cựu Phó TGĐ Ngân hàng Đại Dương.
Bị cáo Nguyễn Văn Hoàn trả lời chất vấn trước HĐXX
Theo thẩm định, hồ sơ mục đích sử dụng vốn mới cung cấp chứng từ copy và tài sản đảm bảo chưa đủ cho khoản vay. Nguồn trả nợ là bất động sản nhưng thời điểm đó rất nhiều rủi ro. Số tiền 250 tỉ của Công ty Trung Dung dùng làm tài sản đảm bảo chỉ là báo cáo nhưng chưa được kiểm toán (số tiền vốn điều lệ của Công ty Trung Dung được cơ quan điều tra xác định là ảo).
Theo bà Mai, hồ sơ của Công ty Trung Dung chưa đủ điều kiện cho vay. Bà cũng đã có báo cáo lãnh đạo vấn đề này.
Tại tòa, Trần Văn Bình – là lái xe của Tập đoàn Thiên Thanh, tiếp tục trình bày việc không biết tí gì về khoản góp vốn điều lệ tại Công ty Trung Dung, nơi anh ta đứng tên Tổng giám đốc; không biết gì về Công ty Trung Dung.
HĐXX tiếp tục quay lại thẩm vấn Hà Văn Thắm. Theo Thắm, Phạm Công Danh mới thực chất là chủ Công ty Trung Dung. Trong số tài sản đảm bảo vay tiền, Hà Văn Thắm không lo lắng về khoản tài sản đảm bảo của Công ty SGG, rủi ro nhất là 250 tỉ đồng vốn điều lệ tài sản của Công ty Trung Dung.
Nhưng Thắm vẫn có niềm tin vì Công ty Trung Dung có giá trị thương mại tốt khi có mặt bằng cho BigC thuê, có trung tâm tổ chức sự kiện, tiệc cưới. Ngoài ra, Phạm Công Danh cũng từng vay tiền tại Oceanbank để mua khu đất ở Đà Nẵng.
Khi được hỏi việc cho vay số tiền này có liên quan đến lời hứa hỗ trợ ngân hàng Đại Tín sau khi chuyển nhượng cho Danh không? Hà Văn Thắm cho rằng, mình chỉ giúp trong phạm vi có thể chứ không hứa gì.
Cũng liên quan khoản đến khoản vay 500 tỉ, cựu Phó Tổng giám đốc Oeanbank Nguyễn Văn Hoàn trả lời thẩm vấn.
Bị cáo Hoàn cho biết, việc ký hợp đồng tín dụng với Công ty Trung Dung là được phân quyền của Tổng giám đốc và được sự đồng ý của Hội đồng tín dụng đồng ý cho vay. Và bị cáo cũng nhận thức được khoản vay này hồ sơ chưa đầy đủ khi chưa có bản gốc.
Bà Ngô Kim Lan đại diện nhóm của bà Hứa Thị Phấn trả lời tại tòa
Bà Ngô Kim Lan - đại diện của nhóm bà Hứa Thị Phấn được HĐXX yêu cầu trả lời về vấn liên quan đến khoản vay 500 tỉ đồng.
Theo bà Lan, liên quan đến khoản vay này, nhóm bà Hứa Thị Phấn đã ký kết một số tài sản để làm tài sản cầm cố như quyền phát sinh từ hợp đồng góp vốn đầu tư và xây dựng nhà giữa Công ty CP Địa ốc và Xây dựng (SGG) với bà Ngô Kim Huệ tại hai dự án ở quận Bình Thạnh, TP.HCM. Giá trị cổ phần của nhóm bà Hứa Thị Phấn tại Công ty SGG.
Bà Lan trình bày, khoảng tháng 23/2/2012, Thắm đã có hợp đồng kinh tế với nhóm bà Hứa Thị Phấn (bà Sáu Phấn) về việc chuyển nhượng NH Đại Tín.
Đến tháng 6/2012, Thắm đưa Phạm Công Danh đến gặp bà Phấn. Bà Phấn không muốn chuyển nhượng cho Phạm Công Danh nhưng Thắm đã tác động. Sau đó đại diện bà Phấn đã ký về mặt bàn giao thủ tục, nhưng thực chất là Thắm giao cổ phần Đại Tín cho Phạm Công Danh.
Ngày 6/6/2012, Phạm Công Danh vào tiếp quản Đại Tín với các điều khoản thỏa thuận.
Đến cuối năm 2012, Phạm Công Danh có nói với bà Phấn là muốn vay ở tiền Oceanbank nhưng khoản thế chấp đất tại Tô Hiến Thành, TP.HCM (do Công ty Trung Dung quản lý) chưa đủ tư cách pháp lý. Bên cạnh đó Danh cũng không muốn đưa tài sản lớn đi vay tài sản nhỏ như vậy.
Theo bà Lan, cả Danh và Thắm đều thể hiện là người trẻ tài năng, giàu có, khi chuyển giao sẽ rất tin tưởng để Ngân hàng hoạt động tốt và không đuổi nhân viên cũ của Ngân hàng. Theo đại diện của bà Phấn thì Phạm Công Danh còn cho biết, ông ta có rất nhiều tiền. Thời điểm đó nhà nước có gói 30.000 tỉ hỗ trợ thị trường bất động sản thì ông ta có 50.000 tỉ đồng.
Bên cạnh đó Phạm Công Danh còn cho biết nếu hoàn tất thủ tục đối với mảnh đất tại Tô Hiến Thành thì sẽ rút tài sản đảm bảo của gia đình bà Phấn ra khỏi khối tài sản đảm bảo khoản vay 500 tỉ.
Bị án Phạm Công Danh tại phiên tòa xét xử sáng nay
Đối chất lời khai, bị án Danh cho biết, lời người đại diện của bà Phấn không hoàn toàn đúng. Việc cho mượn tài sản thế chấp là vì thời điểm đó, Ngân hàng Đại Tín đang mất thanh khoản nên mới cần phải giải cứu. Bản thân Phạm Công Danh cũng chưa quản lý Ngân hàng này. Liên quan đến một số sai phạm trong quản lý Ngân hàng này, bà Phấn cũng đã bị Tòa án cấp sơ thẩm của TP.HCM xem xét trách nhiệm hình sự.
Tiếp tục thẩm về vấn đề liên quan khoản vay 500 tỉ, bị cáo Thắm trình bày, thời điểm đàm phán thỏa thuận Đại Tín được đánh giá ở tình trạng nguy hiểm. Tình trạng này là thời điểm quản lý của nhóm bà Sáu Phấn, chứ không phải là Phạm Công Danh.
Hà Văn Thắm cho rằng mình không mua bán cổ phần với Phạm Công Danh mà trực tiếp bà Phấn và Phạm Công Danh làm việc với nhau.
Trong khi đó, Phạm Công Danh khai rằng, việc bà Phấn đưa tài sản cho Phạm Công Danh cầm cố vì sợ trách nhiệm liên quan đến Ngân hàng Đại Tín. Bị án Phạm Công Danh cũng cho hay, ông ta đã bỏ rất nhiều tiền vào Ngân hàng Đại Tín.
Tình tiết liên quan đến khoản tiền 500 tỉ mà theo lời khai của Hà Văn Thắm, ông này đã đề nghị Ngân hàng Đại Tín phong tỏa tài khoản của Công ty Trung Dung. Việc giải ngân số tiền này, phải được sự đồng ý của Ngân hàng Đại Dương khi đầy đủ hồ sơ gốc. Bởi vậy, Hà Văn Thắm cho rằng, trách nhiệm số tiền 500 tỉ này phải thuộc về Ngân hàng Đại Tín.
Buổi chiều, tòa tiếp tục với phần xét hỏi.