Ngày 20/2, Tòa án Tối cao ở London bắt đầu xét xử đơn kháng cáo cuối cùng của người sáng lập WikiLeaks Julian Assange ở Vương quốc Anh chống lại việc bị dẫn độ sang Mỹ để đối mặt với cáo buộc để lộ các tài liệu ngoại giao và quân sự bí mật.
Washington muốn dẫn độ công dân Úc 52 tuổi này sau khi Assange, từ năm 2018 đến năm 2020, liên tiếp bị buộc tội về việc WikiLeaks công bố các hồ sơ năm 2010 liên quan đến các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan.
Câu chuyện pháp lý kéo dài tại các Tòa án ở Anh hiện sắp đi đến hồi kết, sau khi Assange liên tiếp bị kết tội trong những năm gần đây. Nếu nỗ lực kháng cáo trong tuần này thành công, Assange sẽ có một cơ hội khác để tranh luận về trường hợp của mình tại Tòa án London. Nếu thua, Assange sẽ không còn cơ hội kháng cáo tại Vương quốc Anh và sẽ phải chấp nhận quá trình dẫn độ, mặc dù nhóm của ông cho biết sẽ kháng cáo lên các Tòa án châu Âu.
Vợ ông, Stella Assange, cho biết ông sẽ yêu cầu Tòa án Nhân quyền châu Âu tạm dừng việc dẫn độ nếu cần, đồng thời cảnh báo ông sẽ chết nếu bị đưa đến Mỹ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phải đối mặt với áp lực liên tục, cả trong nước và quốc tế, yêu cầu hủy bỏ bản cáo trạng 18 tội danh mà Assange phải đối mặt tại Tòa án liên bang ở Virginia, được đệ trình dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump.
Các tổ chức truyền thông lớn, những người ủng hộ tự do báo chí và Quốc hội Úc nằm trong số những tổ chức chỉ trích việc truy tố theo Đạo luật gián điệp năm 1917 - đạo luật chưa bao giờ được sử dụng trước đây về việc xuất bản thông tin mật.
Nhưng Washington vẫn giữ nguyên quan điểm, cáo buộc Assange và những người khác tại WikiLeaks đã tuyển dụng và cho phép tin tặc để tiến hành “một trong những vụ xâm phạm thông tin mật lớn nhất” trong lịch sử nước Mỹ.
Assange, bị giam trong Nhà tù Belmarsh an ninh cao ở phía Đông Nam London kể từ tháng 4/2019, đã bị bắt sau 7 năm ẩn náu trong đại sứ quán Ecuador ở London.
Tòa án Tối cao đã ngăn chặn việc dẫn độ Assange, nhưng sau đó hủy bỏ quyết định kháng cáo vào năm 2021 sau khi Mỹ tuyên bố sẽ không giam giữ Assange trong nhà tù khắc nghiệt nhất của mình và cam kết không áp dụng chế độ khắc nghiệt được gọi là "Các biện pháp hành chính đặc biệt" đối với Assange.
Vào tháng 3/2022, Tòa án Tối cao Vương quốc Anh đã từ chối kháng cáo, cho rằng Assange đã không "đưa ra một quan điểm luật có thể tranh cãi". Sau đó, cựu Bộ trưởng Nội vụ Priti Patel chính thức ký quyết định dẫn độ, nhưng Assange hiện đang xin xem xét lại quyết định đó và phán quyết kháng cáo năm 2021.
Nếu bị kết án ở Mỹ, Assange phải đối mặt với mức án tối đa là 175 năm tù.