Sau gần 3 năm hoạt động, mô hình xe đạp công cộng tại TP.HCM gần như chững lại, thậm chí có nguy cơ ‘xoá sổ’ nếu như TP.HCM áp dụng thu phí vỉa hè ở các trạm xe. Đây chính là rào cản lớn nhất cho nhà đầu tư.
Giữa tháng 12/2021, xe đạp công cộng bắt đầu xuất hiện ở trung tâm TP.HCM. Thời điểm đó, mô hình này được nhiều người đón nhận, nhất là giới trẻ.
Những ngày cuối tuần, xe đạp công cộng rảo quanh các tuyến đường đã trở thành hình ảnh quen thuộc đối với người dân thành phố. Ngoài đi dạo, nhiều người còn chọn xe đạp công cộng làm phương tiện đi làm, tập thể dục hoặc để lưu lại những bộ ảnh đáng nhớ.
Từ đó đến nay, đã gần 3 năm, khác với kỳ vọng ban đầu về sự đột phá, phủ sóng thì xe đạp công cộng vẫn đang dẫm chân tại chỗ.
TP.HCM hiện vẫn duy trì 43 trạm với khoảng 500 xe hoạt động như lúc mới triển khai, mức giá thuê vẫn 10.000 đồng/giờ.
Thống kê của chủ đầu tư, so với năm đầu tiên thì thời điểm này số người đăng ký sử dụng giảm khoảng 70 - 80%. Gần 3 năm qua, thành phố có 200.000 – 250.000 tài khoản đăng ký dịch vụ.
Thời gian qua, ghi nhận của phóng viên, lượng người sử dụng xe đạp công cộng không nhiều, có những ngày các xe nằm 'án binh bất động' ở trạm, thi thoảng mới có một vài người đến sử dụng dịch vụ.
“Tôi cũng muốn đi xe đạp công cộng để ngắm cảnh thành phố nhưng xe đạp chỉ có quận trung tâm nên việc di chuyển rất khó khăn, nhiều người ở các quận khác muốn đi cũng rất ngại”, chị Nhung, quận Tân Bình chia sẻ.
Đồng quan điểm, chị Hồng Anh, nhân viên văn phòng cho biết, nếu xe đạp công cộng triển khai rộng rãi ở các quận, huyện khác thì nhu cầu người dân sẽ tăng cao.
“Tôi ở cách trung tâm khoảng 7km, việc di chuyển qua các cung đường kẹt xe để đi đạp xe cũng là vấn đề. Ở một đô thị phát triển như TP.HCM, nếu mô hình này được triển khai rộng rãi thì người dân rất vui, ngoài xe buýt, mọi người có thể chọn xe đạp công cộng để đi làm. Tôi nghĩ thành phố cần tạo cơ chế để mô hình này thật sự đột phá, phát triển”, chị Hồng Anh nói.
So với các địa phương khác, TP.HCM được đánh giá thuận lợi hơn về điều kiện thời tiết, thế nhưng nguyên nhân dẫn đến sự tụt hậu của mô hình này lại là vấn đề cơ chế chính sách.
Trao đổi với Báo Công lý, ông Đỗ Bá Quân - Chủ tịch Công ty Cổ phần dịch vụ Vận tải số Trí Nam (thuộc Tập đoàn Trí Nam - Chủ đầu tư) nhìn nhận, qua thời gian triển khai, xe đạp công cộng trở thành dịch vụ mang tính chất xã hội cao, tiềm năng lớn, tuy nhiên do vấn đề chính sách chưa rõ ràng nên việc đầu tư phát triển còn gặp khó.
Ông Quân cho biết, hiện tại, dịch vụ xe đạp công cộng đang trong giai đoạn thí điểm và được TP.HCM hỗ trợ không thu phí vỉa hè ở các trạm xe.
Tuy nhiên, thời gian tới, thành phố có chủ trương thu phí vỉa hè các trạm xe, theo ông Quân, đây là vật cản cực lớn đối với nhà đầu tư.
Vị này thống kê, để mô hình xe đạp công cộng hoạt động, nhà đầu tư phải bỏ chi phí vận hành, các dịch vụ khác… và nếu thêm phí vỉa hè thì rất khó để doanh nghiệp hoạt động, chưa kể đến việc mở rộng quy mô.
Cũng theo đại diện chủ đầu tư, thời gian qua, công ty đang phải bù lỗ để duy trì. Như vậy, thời gian tới, nếu gánh thêm chi phí vỉa hè thì xe đạp công cộng ở TP.HCM liệu còn tồn tại lâu dài?
“Thực tế chúng tôi mong muốn mở rộng mô hình nhưng nếu dính thêm phí vỉa hè thì thực sự chúng tôi chưa dám phát triển. Vấn đề này chúng tôi cũng đã đề xuất lên thành phố”, ông Quân nói.
Thời gian tới, ông Quân cho biết, công ty vẫn tập trung phát triển hệ thống xe đang có, chưa có ý định mở rộng.
Cũng theo ghi nhận, sau nhiều năm hoạt động, do ảnh hưởng của mưa nắng nên xe đạp bị xuống cấp. Nhà đầu tư vẫn bảo dưỡng về mặt kỹ thuật hàng ngày. Về lâu dài, nếu mở rộng, công ty sẽ có giải pháp đại tu lại toàn bộ các xe.
Bên cạnh TP.HCM, mô hình xe đạp công cộng đến nay đã triển khai tại nhiều địa phương, Hà Nội 600 xe, Đà Nẵng 600 xe, Vũng Tài 400 xe, Hải Phòng 400 xe, Quy Nhơn 50 xe.