Xây nhà văn hóa đội vốn, chính quyền tận thu của dân?

Thanh Phương| 29/08/2017 11:10
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chính quyền xã Mỹ Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) đã huy động từ người già hay trẻ nhỏ, ngay cả những thương bệnh binh đều phải đóng tiền xây dựng nhà văn hóa, giao thông nội đồng... Tuy nhiên các công trình này có dấu hiệu kém chất lượng.

Tận thu các khoản đóng góp

Theo phản ánh của nhiều hộ dân sinh sống tại thôn Liên Minh, xã Mỹ Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa), tại địa phương này đang bộc lộ nhiều sai phạm về việc thu chi các khoản đóng góp xây dựng nhà văn hóa thôn. Theo đó, để xây dựng nhà văn hóa thôn theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới, ngoài số tiền hỗ trợ từ UBND xã, lãnh đạo thôn này đã huy động người dân đóng góp là 400 nghìn đồng/1 nhân khẩu.

Xây nhà văn hóa đội vốn, chính quyền tận thu của dân?

Nhà văn hóa thôn Liên Minh bị đội vốn gần 200 triệu đồng

Sau khi hoàn thiện nhà văn hóa thôn, một thời gian sau, người dân bất ngờ khi nhận được thông báo phải nộp thêm mỗi khẩu 350 nghìn đồng mà không rõ lý do. Không chỉ thế, trong quá trình đóng góp nhiều người dân thuộc diện nghèo khó, thương binh, người cao tuổi và đặc biệt là trẻ em dưới 6 tuổi cũng phải đóng góp. Điều này khiến nhiều hộ dân sinh sống tại đây đã vô cùng bức xúc.

Người già và trẻ nhỏ đã đành, nhưng ngay cả đến những thương binh mất đi khả năng lao động cũng phải đóng góp. Là thương binh đã mất đi 36% sức khỏe vì những năm tháng chiến tranh, nhưng ông Phạm Văn Lượng (61 tuổi) vẫn thuộc diện đóng góp tiền xây dựng khiến ông rất bức xúc.

Xây nhà văn hóa đội vốn, chính quyền tận thu của dân?

Ông Phạm Văn Lượng thương 

Điều đáng nói, ngoài việc tự ý thu bổ sung thêm tiền, lãnh đạo thôn này còn đưa ra một quy định rằng, những ai nộp tiền chậm thì sẽ phải nộp thêm tiền lãi, với số tiền lãi là 1%. Không chỉ thế, những hộ không nộp tiền còn bị gây khó dễ trong những lúc xin giấy tờ hay xác nhận của địa phương.

Gia đình anh Phạm Văn Hùng và chị Đặng Thị Khuyên đi làm ăn xa quê, về đến nhà phải nhận thông báo đóng góp 1,6 triệu đồng. Vì vậy cộng thêm gần 7 tháng lãi suất, gia đình chị phải đóng 1,744 triệu đồng. Tại thời điểm đóng góp, cháu Phạm Đặng Minh Uy (sinh tháng 8/2015) mới được hơn 2 tháng cũng được liệt vào danh sách phải đóng tự nguyện.

Chất lượng công trình kém, mới xây đã xuống cấp

Phải “nai lưng” đóng góp cho các công trình nhưng người dân không được thông báo về thiết kế, quyết toán, đến khi công trình đội vốn lại bắt người dân đóng góp thêm.

Xây nhà văn hóa đội vốn, chính quyền tận thu của dân?

Nhiều vết nứt ngày một lan rộng tại Nhà văn hóa đa năng xã

Đặc biệt, theo phản ánh của người dân, hàng loạt các công trình ở xã Mỹ Lộc đều bị đội vốn, chất lượng công trình kém như Trung tâm văn hóa xã, nhà công an, đường giao thông nội đồng thôn Phủ Thành… Theo quan sát của PV, công trình đường giao thông thôn Phủ Thành lớp bê tông đã bị bóc toàn bộ trơ lại đá khiến việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Công trình Nhà văn hóa xã thì nhiều vết nứt, có chỗ nứt toác chứ không phải nứt chân chim. Khi PV đang ghi lại hình ảnh của công trình kém chất lượng thì được 2 đồng chí công an xã và cán bộ “mời” về phòng Trưởng công an xã làm việc vì lý do “chụp ảnh, quay phim chưa xin phép”. PV phải liên hệ với lãnh đạo huyện Hậu Lộc mới được phép rời đi để lên phòng Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc làm việc theo lịch hẹn.

Xây nhà văn hóa đội vốn, chính quyền tận thu của dân?

Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc Lê Xuân Bẩy trao đổi với PV

Trao đổi với PV, ông Lê Xuân Bẩy, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc cho hay: “Năm 2012 chính quyền địa phương có thi công các tuyến đường giao thông nội đồng. Tại thôn Phủ Thành có 2 tuyến dài dăm, bảy trăm mét do Công ty Thắng Thuận thi công. Đúng là công trình làm xong, được một thời gian thì bê tông tróc ra hết chỉ trơ lại đá. Lý do là xã được nhận 600 tấn xi măng hỗ trợ của tỉnh nhưng xi măng kém chất lượng nên công trình nhanh hỏng. Chúng tôi đã có ý kiến với cấp trên ngay tại Hội nghị rút kinh nghiệm tại hội trường 25B của tỉnh”.

Liên quan tới công trình Nhà văn hóa xã thi công móng quá thấp không đúng thiết kế, mới đưa vào sử dụng đã có dấu hiệu xuống cấp, nứt toác, vị Chủ tịch xã thẳng thắn: “Công trình Nhà văn hóa đa năng đưa vào sử dụng năm 2015, tổng kinh phí hơn 3,1 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ do Công ty Cảnh Kỳ thi công. Chúng tôi là chủ đầu tư không có chuyên môn nên thuê đơn vị tư vấn giám sát, công trình này Sở Xây dựng đã kiểm tra 2 lần. Nhà công an đã có công an kinh tế về kiểm tra, nếu các anh cần kế toán sẽ cho xem hồ sơ”. Tuy nhiên tới cuối buổi, ông Bẩy lại cho biết, kế toán đang làm việc với kho bạc, hẹn khi khác cung cấp.

Ngày 28/8, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Luệ cho hay: “Chủ tịch xã cung cấp thông tin xi măng tỉnh hỗ trợ kém chất lượng là thiếu chính xác. Đây là chương trình lớn của tỉnh hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, nhiều công trình của huyện làm xi măng hỗ trợ không vấn đề gì. Các công trình người dân phản ánh kém chất lượng sẽ cho kiểm tra lại. Việc thu đóng góp phải đúng theo quy định, sai thì phải sửa. Huyện đã có chấn chỉnh về các khoản thu đóng góp tại các địa phương, nơi nào làm sai, Chủ tịch UBND xã phải chịu trách nhiệm".

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây nhà văn hóa đội vốn, chính quyền tận thu của dân?