Xây dựng chương trình học Lịch sử: Cần nhất phải hướng đến người học

Ngọc Mai| 12/12/2015 11:16
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 10 vào ngày 27/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết, trong đó yêu cầu giữ môn Lịch sử trong chương trình SGK mới. Tuy nhiên, để NQ này triển khai hiệu quả trong thực tế, cơ quan chuyên môn cần cân nhắc để hướng đến người học.

Xây dựng chương trình học Lịch sử: Cần nhất phải hướng đến người học

Thiết kế chương trình liên quan đến tích hợp môn lịch sử ra sao, cần nhất vẫn phải hướng đến đối tượng học sinh

Trong nội dung thứ 10 của Nghị quyết QH khóa XIII về hoạt động giám sát chuyên đề và hoạt động chất vấn QH yêu cầu "thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông bảo đảm mục tiêu, yêu cầu và nội dung Nghị quyết của QH về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông".

Nghị quyết cũng yêu cầu tiếp tục giữ môn học Lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới; hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật; nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục; nghiên cứu xây dựng chương trình giáo dục gắn với hoàn thiện nhân cách, đạo đức, lối sống văn hóa cho học sinh.

Tuy nhiên, Nghị quyết lại không đề cập đến chuyện giữ môn học này độc lập hay tích hợp như những gì đã được dư luận và các đại biểu QH  đưa ra trước đó.

Về vấn đề này, qua trao đổi với phóng viên trên VTV, ông Đào trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa thanh thiếu niên nhi đồng của QH cũng khẳng định và cho rằng, trước hết cũng phải nói rõ bối cảnh QH ra nghị quyết này. Đó là, trong phiên chất vấn ở kỳ họp vừa qua có một số đại biểu phản ánh dư luận cho rằng, chương trình tổng thể đổi mới sách giáo khoa là bỏ môn Lịch sử, trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và các lãnh đạo Bộ GD&ĐT khẳng định không bỏ môn Lịch sử, thậm chí muốn dậy môn Lịch sử cẩn thận, chu đáo hơn. Trong bối cảnh đó, QH đã ra Nghị quyết, trong đó có nội dung, tiếp tục giữ môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông.

Ông Đào trọng Thi cũng đặc biệt lưu ý không hề có chữ “tích hợp”, “bắt buộc” hay “độc lập” trong Nghị quyết này. Bởi lẽ, theo ông thì phần đó đi sâu vào vấn đề chuyên môn nên để cho các cơ quan chuyên môn của Bộ GD&ĐT nghiên cứu, QH không can thiệp sâu. Tuy nhiên, Nghị quyết của QH đã giải tỏa được băn khoăn của dư luận là không bỏ môn Lịch sử, tiếp tục giữ môn Lịch sử, còn môn Lịch sử được giảng dậy như thế nào, tích hợp, độc lập hay bắt buộc đến mức độ nào thì các cơ quan chuyên môn cần phải nghiên cứu, chọn ra phương án tốt nhất.

Như vậy, đến thời điểm này chúng ta có thể hiểu hoàn toàn không có chuyện QH can thiệp vào thiết kế của chương trình đào tạo của Bộ GD&ĐT và cũng không có chuyện QH bác đề xuất của Bộ GD&ĐT liên quan đến việc thiết kế môn lịch sử.

Môn Lịch sử sẽ được tích hợp ở bậc Tiểu học, bắt buộc với THPT

Đây cũng là một trong lý do ngày 7/12 vừa qua, Bộ GD&ĐT đã có cuộc thảo luận quan trọng với Hội khoa học lịch sử Việt Nam dưới sự chủ trì của Ban Tuyên giáo Trung ương nhằm thống nhất về chuyên môn trong việc thiết kế môn Lịch sử. Kết quả của buổi làm việc giữa hai cơ quan này trong việc thiết kế môn Lịch sử và về cơ bản đã đi đến được một số thống nhất.

Theo đó, Bộ GD&ĐT và Hội khoa học lịch sử Việt Nam thống nhất về việc dạy và học môn Lịch sử theo phương pháp tích hợp ở bậc Tiểu học. Ở bậc Trung học cơ sở, hai bên thống nhất sẽ bỏ tên gọi môn Khoa học xã hội như trong dự thảo chương trình của Bộ GD&ĐT.

Có hai phương án cần tiếp tục thảo luận về mối quan hệ giữa Lịch sử, Địa lý và phần tích hợp. Với phương án 1, sẽ có 3 môn là Lịch sử, Địa lý và phần tích hợp giữa 2 môn, tương ứng với phương án này là 3 quyển sách giáo khoa. Phương án 2 là xây dựng môn học tích hợp có 2 phân môn Lịch sử và Địa lý riêng, cộng với các chuyên đề tích hợp, tương ứng với 1 quyển sách giáo khoa chung.

Ở bậc THPT, tất cả học sinh đều phải học Lịch sử bắt buộc và môn Lịch sử sẽ không tích hợp trong môn Công dân với Tổ quốc. Bộ GD&ĐT sẽ xem xét để có môn học Giáo dục công dân.

Xây dựng chương trình học Lịch sử: Cần nhất phải hướng đến người học

Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam khẳng định không phản đối việc tích hợp các môn học

Trao đổi trên VTV sáng 11/12 về những bước đi tiếp theo của việc xây dựng một chương trình học môn Lịch sử thực sự chất lượng cho học sinh, Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho biết, quan điểm của giới sử học nói chung mà đại diện là Hội Khoa học lịch sử Việt Nam trong vấn đề xây dựng chương trình học cho môn Lịch sử luôn nhất quán từ đầu tới cuối là làm thế nào đó, thậm chí là đấu tranh đến cùng để môn Lịch sử Việt Nam có một vị trí thích đáng trong chương trình giáo dục đào tạo, đặc biệt là giáo dục phổ thông.

Đồng thời, Giáo sư Phan Huy Lê cũng phân tích rõ, ông khẳng định điều này không phải chỉ vì đứng ở góc độ là những người làm sử học, mà vì tầm quan trọng thực sự của lịch sử, đặc biệt là lịch sử của dân tộc đối với việc đào tạo thế hệ trẻ.

Phân tích sâu sắc về Nghị quyết của QH, Giáo sư Phan Huy Lê nói, Nghị quyết của QH có một câu mà ai cũng nhớ: “Tiếp tục giữ môn lịch sử trong chương trình và sách giáo khoa mới”. Theo Giáo sư Lê, Nghị quyết không đi vào cụ thể, không đi vào thiết kế chương trình như thế nào và môn học như thế nào, nhưng yêu cầu cơ bản lại rất rõ ràng.

Rõ ràng ở đây theo Giáo sư Phan Huy Lê: “Môn lịch sử trước đây vốn là môn độc lập, bắt buộc cùng với các môn: Văn, Tiếng việt và môn Toán, thì bây giờ, môn Lịch sử làm gì thì làm cũng không thể xóa tên nó được. Tôi nói như vậy, vì trong Chương trình dự thảo tổng thể trước đây của Bộ GD&ĐT đến cấp hai chỉ còn môn Khoa học xã hội, không còn môn Lịch sử nữa, đến cấp ba chỉ còn môn Công dân với Tổ quốc, không còn môn Lịch sử nữa”, Giáo sư Lê giải thích.

Đồng thời, Giáo sư Lê cũng bày tỏ sự vui mừng trong buổi tọa đàm chiều 7/12 vừa qua giữa Bộ GD&ĐT đã thống nhất được việc không tích hợp như trong dự thảo của Bộ GD&ĐT đã nêu, mà bỏ môn Khoa học xã hội trả về hai môn là môn Lịch sử và môn Địa lý. Điều cần nghiên cứu tiếp là mối quan hệ giữa môn Lịch sử và môn Địa lý sắp tới sẽ giải quyết thế nào? Nói thêm về vấn đề tích hợp các môn học, Giáo sư Phan Huy Lê chia sẻ, một số người cho rằng giới sử học chống tích hợp là không chính xác, Bởi lẽ, bản thân sử học là nơi đi đầu trong việc tích hợp về môn học và sử học luôn luôn ủng hộ tích hợp khoa học.

Thiết kế môn học cần hướng đến người học

Như vậy, có thể thấy, đến thời điểm này, các cơ quan chuyên môn hầu như đã bày tỏ sự hài lòng khi tìm được tiếng nói chung trong việc thiết kế môn Lịch sử ở cả 3 cấp học. Và sáng ngày 11/12, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cũng đã khẳng định trên VTV rằng, ông rất coi trọng Hội lịch sử Việt Nam và vui mừng vì tìm được sự đồng thuận trong cách tiếp cận xây dựng và thiết kế các môn học, tuy nhiên cũng theo Thứ trưởng Hiển thì “theo Luật và bản chất công việc thì quyết định thế nào vẫn phải do Bộ GD&ĐT”.

Thiết nghĩ, một phương án cuối cùng cho việc thiết kế môn Lịch sử sẽ không phải là sự nhượng bộ từ bên này hay bên kia, cũng không phải là một giải pháp dung hòa về quan điểm giữa Bộ GD&ĐT và Hội Khoa học lịch sử. Bởi xét cho cùng, việc thay đổi, cải cách chương trình sách giáo khoa chỉ thực sự có hiệu quả khi đối tượng cụ thể của chương trình là các em học sinh thấy phù hợp, đồng thời tạo ra được ý nghĩa to lớn về mặt giáo dục, tri thức và tính nhân văn cho nhiều thế hệ trẻ tiếp theo. Đó cũng chính là điều mà những người thiết kế môn học này phải hướng đến, để làm sao các em học sinh - những người sẽ học, để hiểu, để yêu và tự hào về lịch sử Việt Nam. Từ đó có động lực xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước ngày càng hùng mạnh.

Và cũng như Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã nói “Giáo dục không thể làm một mình, bởi giáo dục ở ngay trong xã hội, do đó xã hội phải hiểu mình, đồng thuận với mình”. Vậy thì, trong góc độ cụ thể này, xã hội chính là các em học sinh đại diện cho tương lai của đất nước, và đằng sau đó là lớp lớp phụ huynh luôn lo lắng về sứ mệnh của con em mình trong việc kế thừa và phát huy truyền thống của thế hệ đi trước. Như ngày hôm nay họ đang tự hào tiếp nối cha ông về lịch sử vẻ vang của dân tộc, trong đó, có sự góp sức không nhỏ của bộ môn Lịch sử.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng chương trình học Lịch sử: Cần nhất phải hướng đến người học