Xấu hổ. Sợ... Im lặng. Một cách hành xử khá phổ biến của không ít phụ huynh có con (ở tuổi vị thành niên) bị xâm hại tình dục. Vậy là, hành vi đồi bại được bao che. Còn yêu râu xanh thì... chờ cơ hội mới.
Những năm gần đây, số trẻ bị xâm hại tình dục không ngừng gia tăng với mức độ ngày một nghiêm trọng khiến các bậc phụ huynh hết sức lo lắng.
Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố, trung bình mỗi năm có khoảng 2.000 trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục (trong đó số trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm hơn 60%); năm 2011, số trẻ em bị xâm hại tình dục là 1.045 em; năm 2012 là 1.209 em; năm 2013 là 1.326 em; năm 2014 là 1.544 em. Quả là những con số đáng giật mình!
Có khoảng 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em với gần 10.000 nạn nhân
Im lặng là vàng(!?)
Xâm hại tình dục trẻ em là một vấn nạn nhức nhối. Nạn nhân của những vụ xâm hại tình dục không chỉ phải chịu nỗi đau về thể xác và tinh thần ở thời điểm đó, mà còn trong suốt cuộc đời em, kể cả đến khi có gia đình riêng. Truyền thông thường xuyên đề cập, các bậc phụ huynh thì vẫn luôn bất an, nhắc nhở con cái mỗi khi con đi xin phép đi chơi tối hoặc khi nghe tin tức ở đâu đó...
HÃY NHỚ:Phụ huynh và học sinh có nhu cầu được tư vấn, hỗ trợ về vấn đề xâm hại tình dục trẻ em có thể gọi điện thoại theo số 18001567. Khi nhận thông tin, cán bộ phụ trách sẽ tư vấn hoặc yêu cầu đơn vị ở địa phương phối hợp làm rõ thông tin và bảo vệ trẻ em bị xâm hại. |
Theo thống kê của UNICEF Việt Nam, trong 5 năm (từ 2011-2015), có khoảng 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em với gần 10.000 nạn nhân. Nhiều người lớn giật mình! Thế nhưng, các chuyên gia cho rằng, con số 5.300 kể trên chưa phản ánh đúng thực trạng vấn đề, hay nói cách khác, nó còn khá nhỏ so với các vụ lạm dụng tình dục trẻ em xảy ra trên thực tế.
“Không khó để lý giải điều này. Hãy lấy ví dụ, nạn nhân của các vụ xâm hại tình dục là trẻ em gái”, một giảng viên chuyên ngành công tác xã hội phân tích.
“Truyền thống các nước phương Đông với những khuôn mẫu đạo đức, lễ nghi, lễ giáo, những chuẩn mực được mặc nhiên “gán nhãn” cho nữ giới, thì dù ở thời đại nào vẫn được xem trọng. Chính vì vậy, khi mà “chữ trinh” vẫn cứ được xem là “đáng giá ngàn vàng”, thì chúng ta hoàn toàn dễ hiểu khi thấy nhiều bậc cha mẹ dù phát hiện ra con mình bị xâm hại tình dục, thì họ vẫn sẽ chấp nhận im lặng, ngậm đắng nuốt cay”, bà nói.
Họ xấu hổ, họ tìm cách giấu diếm. Họ sợ thanh danh gia đình bị ô uế. Họ sợ con họ không lấy được chồng. Và rất nhiều nỗi sợ tâm lý khác nữa… “Cuối cùng thì sao, những tên yêu râu xanh sẽ ung dung ngoài vòng pháp luật; và không chừng, em gái đó vẫn bị lạm dụng tình dục (mà cha mẹ không biết, vì em bị đe dọa), hoặc có khi những em khác sẽ trở thành nạn nhân tiếp theo của những con thú đội lốt người này”, giảng viên trên bức xúc.
Ảnh minh họa
Thiếu, yếu, và e ngại
Ở độ tuổi đang phát triển, các em thích tìm tòi, khám phá, muốn tìm hiểu sự khác biệt giữa bạn trai và bạn gái. Thế nhưng, các em sẽ phải hỏi ai?
Thực tế, tại nhiều trường học nông thôn, các giờ giáo dục giới tính được xem là giờ ngoại khóa, năm thì mười họa mới có tiết. Trong khi đó, các giáo viên (nhất là giáo viên trẻ) lại tỏ thái độ e dè, tìm cách dùng từ ngữ nói giảm nói tránh khi nói về bộ phận sinh dục, về quá trình thụ thai và sinh con... Về nhà, nếu các em hỏi bố hoặc mẹ thì chắc chắn nhận được câu: “Trẻ con biết gì”. Thậm chí, có em còn bị mắng là “đua đòi, hư hỏng”, v.v… và v.vv…
Bên cạnh đó, mạng lưới cán bộ, cộng tác viên chuyên trách về mảng trẻ em vừa thiếu, vừa yếu nên việc bảo vệ cũng như tuyên truyền, trang bị cho các em những kiến thức để tự bảo vệ mình không hiệu quả. Các tài liệu về giáo dục giới tính, phòng chống xâm hại tình dục mang nặng tính lý thuyết, chuyên ngành, khô khan, không thu hút phụ huynh cũng như các em tìm đọc.
Cuối cùng, khi không được trang bị kỹ năng sống cần thiết, kỹ năng tự bảo vệ, phòng ngừa xâm hại tình dục, nguy cơ các em trở thành nạn nhân của những tên yêu râu xanh có lẽ chỉ là chuyện một sớm một chiều.
Luật pháp Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới có những quy định xử phạt khá đầy đủ và nghiêm khắc đối với tội danh xâm hại tình dục trẻ em. Thế nhưng, trong một bài báo, LS. Giang Hồng Thanh, VPLS Giang Thanh, cho biết, luật pháp nước ta mới “chỉ xử lý hành vi khi xảy ra hậu quả”.
Điều đó có nghĩa là gì? Nếu như “yêu râu xanh” có tư tưởng đồi bại mà không bị xử lý, không bị ngăn chặn thì chúng sẽ tìm cách thực hiện hành vi, “khi đó chúng ta phải đi dọn “hậu quả”, chứ không thể nào ngăn chặn được “hậu quả”, LS. Giang Hồng Thanh nhấn mạnh.
Bố mẹ nên làm gì?
Đáng lưu ý, LS. Lương Thế Huy, Giám đốc chương trình Quyền LGBT, Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường, cho biết, theo một khảo sát ở Mỹ, có tới 90% vụ xâm hại tình dục / lạm dụng tình dục trẻ em đến từ người quen của trẻ và gia đình. Thế nhưng, “đa phần các trường hợp bị đưa ra xử lý thường khi thủ phạm là một người xa lạ”.
Theo anh, điều này nói lên tính chất nhạy cảm của vấn đề và “sự thiếu hiểu biết của mọi người nói chung về hành vi xâm hại tình dục trẻ em, khiến những hành vi này thường được bao che, dung dưỡng và lặp đi lặp lại rất nhiều lần”.
Nguy cơ trẻ vị thành niên trở thành nạn nhân của những vụ xâm hại tình dục không chỉ đối với trẻ em nữ mà còn cả ở trẻ em nam. Ảnh minh họa
Một vấn đề đáng báo động hiện nay, nguy cơ trẻ vị thành niên trở thành nạn nhân của những vụ xâm hại tình dục không chỉ đối với trẻ em nữ mà còn cả ở trẻ em nam (và thủ phạm không chỉ là người dị tính nam hoặc nữ mà có thể cả người đồng tính...). Vậy bố mẹ nên làm gì để giúp con tự bảo vệ bản thân?
Trả lời câu hỏi trên, LS. Lương Thế Huy nêu rõ: “Cần giáo dục con về giới tính, tình dục, sự quý trọng cơ thể và bảo vệ riêng tư. Muốn vậy, bản thân bố mẹ phải tôn trọng riêng tư của con cái”.
LS. Lương Thế Huy: “Chỉ có cởi mở, vượt qua “chủ đề cấm kỵ” và bàn về nó nhiều hơn thì mới giúp phụ huynh, trẻ nhỏ tự bảo vệ được mình và hỗ trợ cho người ái nhi có cuộc sống tốt hơn”. |
Theo anh, nhiều bố mẹ Việt Nam có thói quen sờ mó bộ phận sinh dục trẻ nhỏ, và “ngầm” dạy rằng, đó là hành vi yêu thương, quý mến (?). Thế nhưng, chính điều này sẽ khiến những kẻ có tư tưởng xấu lợi dụng và thực hiện hành vi đồi bại khi có cơ hội. Bên cạnh đó, việc tôn trọng không gian riêng tư của con dù khi con còn nhỏ cũng rất quan trọng. “Điều này giúp con trẻ hiểu rằng, sự riêng tư của bản thân là không thể xâm phạm”.
Ngoài ra, bố mẹ cần trò chuyện với con nhiều hơn về các chủ đề tình dục, giới tính. Thay vì “lên lớp”, nên đặt câu hỏi đơn giản để con tự trình bày suy nghĩ, quan điểm, sau đó cùng thảo luận. “Theo tôi đó là cách giáo dục tốt nhất, tương tác và tự nhiên. Việc này cũng giúp con trẻ có thói quen chia sẻ những khúc mắc thầm kín với cha mẹ”, LS. Lương Thế Huy nói.
Phân biệt Ái nhi và Ấu dâm Ái nhi (Pedophilia) là một xu hướng lệch lạc tính dục. Người ái nhi chỉ cảm thấy hấp dẫn tình dục với trẻ em, thường là dưới 12 tuổi. Tuy vậy, không phải người ái nhi nào cũng sẽ thực hiện hành vi tình dục với trẻ em, để thành người ấu dâm, "child molester." Ấu dâm (child molester) là việc thực hiện hành vi quan hệ tình dục với đối tượng mà người ái nhi thích, tức trẻ vị thành niên, và đây là hành vi vi phạm pháp luật. LS. Lương Thế Huy đưa ra một số dấu hiệu giúp nhận biết người (thích) ấu dâm như sau: Thứ nhất, người (thích) ấu dâm thường phải giả tạo hành vi để thân mật với trẻ, người lớn cần rất tinh tế đánh giá xem tại sao họ lại chú tâm đặc biệt tới trẻ nhỏ, vì lý do gì. Thứ hai, người (thích) ấu dâm thường dành rất nhiều thời gian để được gần các trẻ em, điều này có thể khiến họ thường được coi là người “quý trẻ em”, nhưng người lớn cần chú ý vì người ấu dâm hay tạo ra cơ hội để ở một mình với trẻ, hay cho quà trẻ để thiết lập sự tin tưởng. Khi phát hiện hay nghi ngờ, nên khéo léo đưa ngay con trẻ ra khỏi tình thế nguy hiểm, nhưng tuyệt đối không quát nạt hay trách móc trẻ sẽ làm ảnh hưởng tâm lý sâu sắc của trẻ, trong khi lỗi là ở người lớn. Theo LS Huy, đối với người (thích) ấu dâm, cũng không nên dùng bạo lực hay đe dọa, điều đó vô ích vì thường họ có nghìn lý do để biện hộ, việc có thái độ thù ghét chỉ khiến họ rút lui nhanh và chuyển sang người khác. Hãy cố gắng trò chuyện và hỗ trợ họ, nếu thực sự bạn muốn bảo vệ con mình và những người khác về lâu dài! |
12 điều bố mẹ nên nhắc con 1. Nhắc nhở bé không bao giờ được ngồi trong lòng ai đó, kể cả chú/bác của mình, trong bất kỳ tình huống nào. 2. Không để bất kỳ người lớn gọi con của bạn là “vợ” hoặc “chồng”. 3. Khi trẻ ra ngoài chơi với bạn, tìm hiểu xem chúng chơi gì, vì trẻ có thể tự xâm hại chính mình. Nhắc nhở bé không bao giờ được ngồi trong lòng ai đó, kể cả chú/bác của mình, trong bất kỳ tình huống nào. 4. Không ép buộc trẻ đi thăm hỏi một người lớn nào đó nếu trẻ không cảm thấy thoải mái. Hãy để ý nếu trẻ trở nên quá thân mật hay yêu thích một người lớn. 5. Nếu một đứa trẻ vốn rất hoạt bát trở nên thu mình, bạn sẽ cần phải kiên nhẫn hỏi trẻ thật nhiều để tìm ra vấn đề. 6. Hãy dạy cho con những giá trị đúng về tình dục. Nếu bạn không làm điều này, thì xã hội sẽ dạy cho chúng những giá trị sai. 7. Nếu có thể, hãy chú ý kiểm tra một lượt tất cả các loại tài liệu mới, kể cả phim hoạt hình hay tranh vẽ, trước khi cho trẻ đọc hoặc xem. 8. Cài đặt chế độ Khóa trẻ em nếu gia đình bạn sử dụng cáp truyền hình, và lưu ý các gia đình khác, đặc biệt là các gia đình mà trẻ thường tới thăm hay chơi. 9. Khi trẻ lên 3 tuổi, bắt đầu dạy trẻ cách vệ sinh các vùng kín và nhắc trẻ không để cho ai sờ/chạm vào các bộ phận đó, kể cả chính bạn. 10. Liệt kê trước một số vật liệu, tài liệu hay người thân bạn nghĩ có thể ảnh hưởng tới sự trong sáng của trẻ (bao gồm ca nhạc, phim ảnh, hay một số người bạn hoặc thành viên trong gia đình). 11. Giúp trẻ hiểu giá trị của việc khác biệt giữa đám đông. 12. Nếu trẻ than phiền về một người lớn nào đó, đừng giữ yên lặng. Hãy vào cuộc cho trẻ thấy bạn có thể bảo vệ trẻ. (Nguồn: Stop Abuse Child) |