Trong khi Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) đang được Bộ Nội vụ công khai lấy ý kiến nhân dân, nguyên tắc xác định số lượng đại biểu HĐND các cấp đã có những điều chỉnh cụ thể, sát thực tế nhằm bảo đảm tính đại diện và hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử tại địa phương.
Ví dụ, đối với HĐND cấp tỉnh, các địa phương miền núi, vùng cao có quy mô dân số từ 500.000 người trở xuống sẽ được bầu 50 đại biểu. Trường hợp dân số vượt quá 500.000 người, cứ thêm 50.000 người sẽ được bầu thêm 1 đại biểu, nhưng tổng số đại biểu không vượt quá 90 người.
Trong khi đó, các tỉnh không thuộc khu vực miền núi, vùng cao có từ 1.000.000 dân trở xuống được bầu 50 đại biểu; nếu vượt quá mốc này, cứ mỗi 75.000 người tăng thêm sẽ được bầu thêm 1 đại biểu, với tổng số không vượt quá 90 đại biểu.
Riêng các thành phố trực thuộc trung ương có từ 1.000.000 dân trở xuống sẽ được bầu 70 đại biểu; nếu vượt qua mức này, cứ thêm 75.000 dân được bầu thêm 1 đại biểu, nhưng tổng số vẫn bị giới hạn tối đa 90 đại biểu. Đối với hai đô thị đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, quy định đặc thù cho phép được bầu tới 125 đại biểu HĐND cấp tỉnh.
Ở cấp cơ sở, nguyên tắc xác định số lượng đại biểu cũng được phân định rõ theo tính chất địa bàn. Với các xã miền núi, vùng cao có quy mô dân số từ 3.000 người trở xuống, được bầu 15 đại biểu; từ trên 3.000 đến 5.000 dân được bầu 20 đại biểu; từ trên 5.000 đến dưới 10.000 dân được bầu 25 đại biểu; từ 10.000 đến 15.000 dân được bầu 30 đại biểu.
Trường hợp dân số vượt quá 15.000 người, cứ thêm 2.500 người thì được bầu thêm 1 đại biểu, nhưng tổng số không vượt quá 40 người. Trong khi đó, đối với các xã không thuộc khu vực miền núi, vùng cao, nếu có từ 15.000 dân trở xuống thì được bầu 20 đại biểu; từ trên 15.000 đến dưới 20.000 dân được bầu 25 đại biểu; từ 20.000 đến 25.000 dân được bầu 30 đại biểu; nếu dân số vượt quá 25.000 người thì cứ thêm 5.000 dân sẽ được bầu thêm 1 đại biểu, song tổng số không vượt quá 40 người.
Đối với phường – đơn vị hành chính thuộc khu vực đô thị – nếu dân số từ 50.000 người trở xuống thì được bầu 30 đại biểu; trường hợp vượt quá 50.000 dân thì cứ mỗi 5.000 người tăng thêm được bầu thêm 1 đại biểu, nhưng cũng không được vượt quá 40 đại biểu. Riêng các đặc khu ở hải đảo – đơn vị có tính chất hành chính đặc biệt – nếu có từ 5.000 người trở xuống được bầu 20 đại biểu; từ trên 5.000 đến dưới 10.000 dân được bầu 25 đại biểu; từ 10.000 đến 15.000 dân được bầu 30 đại biểu; nếu vượt quá 20.000 dân thì cứ mỗi 1.000 người tăng thêm được bầu thêm 1 đại biểu, tổng số đại biểu không vượt quá 40 người.
Dự thảo luật cũng quy định rõ nguyên tắc tổ chức HĐND trong trường hợp có nhiều đơn vị hành chính hợp nhất thành một đơn vị hành chính mới cùng cấp.
Theo đó, các đại biểu HĐND của các đơn vị cũ sẽ được hợp thành HĐND của đơn vị hành chính mới và tiếp tục hoạt động đến hết nhiệm kỳ. Kỳ họp thứ nhất của HĐND đơn vị mới sẽ do một triệu tập viên – do Thường trực HĐND cấp trên trực tiếp chỉ định trong số các đại biểu – triệu tập và chủ tọa cho đến khi HĐND bầu ra Chủ tịch HĐND mới. Đối với HĐND cấp tỉnh, việc chỉ định triệu tập viên do Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện.
Sau kỳ họp đầu tiên, HĐND của đơn vị hành chính mới sẽ bầu các chức danh thuộc HĐND và UBND theo quy định và tiếp tục hoạt động đến khi nhiệm kỳ mới bắt đầu. Quy định này bảo đảm sự chuyển tiếp ổn định trong tổ chức chính quyền địa phương khi có sự thay đổi về đơn vị hành chính, đồng thời duy trì hiệu quả hoạt động của HĐND trong giai đoạn chuyển giao.