Bệnh nhân 60 tuổi đến Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) vì nhồi máu cơ tim, bất ngờ 30 phút sau ông xuất hiện cơn đột quỵ não.
Thông tin từ Bệnh viện Thống Nhất cho biết, vừa cứu sống một bệnh nhân nam 60 tuổi được đưa đến bệnh viện trong tình trạng xác định ban đầu là nhồi máu cơ tim cấp có biến chứng suy tim cấp. Chỉ sau 30 phút nhập viện, bệnh nhân trở nặng rất nhanh, tri giác đột ngột thay đổi, bị liệt dần và đi vào hôn mê.
Các bác sĩ đã khẩn trương cấp cứu, tiến hành chụp CT scan sọ não và phát hiện bệnh nhân bị đột quỵ não do huyết khối gây tắc một nhánh lớn mạch máu não.
TS.BS Nguyễn Văn Tân - Trưởng khoa Tim mạch Cấp cứu và Can thiệp, Bệnh viện Thống Nhất cho hay, đứng trước tình trạng khá hy hữu là cả hệ động mạch vành và hệ động mạch não đều gặp sự cố, vấn đề đặt ra là xử trí thế nào để kịp cứu tính mạng bệnh nhân, không để lại di chứng.
Ngay lập tức, 2 cuộc phẫu thuật được thực hiện cùng lúc để cấp cứu bệnh nhân. Hai ê kíp bác sĩ can thiệp thần kinh và can thiệp mạch vành nhanh chóng thống nhất phương án xử lý và quyết định thứ tự các kíp can thiệp, bắt đầu hút huyết khối để tái thông dòng chảy trên hệ mạch máu não trước, sau đó tiến hành can thiệp đặt stent động mạch vành cho bệnh nhân.
BS Tân đang kiểm tra sức khỏe bệnh nhân. Ảnh: Lê Phương
Sau cả 2 can thiệp, bệnh nhân nhanh chóng cải thiện tri giác, rút được ống thở. Sau 3 ngày, bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, ăn uống được, sức cơ hồi phục.
Theo BS Tân, đây là một trường hợp rất hiếm gặp khi bệnh cùng lúc xảy ra trên 2 hệ mạch máu lớn của cơ thể là mạch máu não và động mạch vành. Rất may người bệnh nhập viện kịp thời để được cấp cứu và điều trị chuẩn xác. Tuy nhiên, để thực hiện cùng một lúc 2 thủ thuật thì đòi hỏi bệnh viện phải có sự phối hợp của cả 2 ê kíp can thiệp thần kinh và can thiệp mạch vành.
Đột quỵ não hay còn gọi là tai biến mạch máu não, là tình trạng một phần não bộ đột ngột bị tổn thương khi mạch máu nuôi dưỡng phần não đó bị tắc (nhồi máu não) hoặc bị vỡ (xuất huyết não).
Người bệnh bị đột quỵ não có thể bị liệt, hôn mê và thậm chí tử vong. Tại Việt Nam, đột quỵ không những là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu mà còn gây tàn phế cho người bệnh, là gánh nặng về kinh tế cho gia đình và xã hội. Theo số liệu của Hội Đột quỵ Thế giới, cứ 6 người sẽ có 1 người bị đột quỵ. Ở Việt Nam, mỗi năm có 200.000 người bị đột quỵ, tỷ lệ tử vong do đột quỵ ở nam giới là 18% và ở nữ giới là 23%
Nhồi máu cơ tim là bệnh lý nguy hiểm đe doạ tính mạng do tắc nghẽn đột ngột mạch máu nuôi tim. Khi cơ tim hoàn toàn không được cung cấp máu thì cơ vùng cơ tim âý sẽ hoại tử gây triệu chứng đau ngực dữ dội. Tùy theo bao nhiêu cơ tim bị hủy, bệnh có thể nhẹ hoặc nặng.
BS Tân khuyến cáo, nhồi máu cơ tim cấp và đột quỵ não đều là những bệnh lý với những biến chứng nguy hiểm. Bệnh nhân có thể tử vong nếu không được can thiệp xử trí kịp thời. Do đó, khi người dân nhận thấy người thân có những biểu hiện đau tức ngực, khó thở… (biểu hiện của nhồi máu cơ tim cấp) hoặc méo miệng, đi lại khó khăn, yếu liệt, rối loạn ngôn ngữ, tri giác… (biểu hiện điển hình của đột quỵ não) cần nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế có chuyên khoa thần kinh và tim mạch gần nhất để được cấp cứu kịp thời.