Sáng 14/8, tại TP Hạ Long (Quảng Ninh), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2018-2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 đối với khối giáo dục tiểu học.
Năm học vừa qua, toàn quốc có tổng số học sinh tiểu học là 8.479.977 em; tổng số lớp là 278.385; tỷ lệ trung bình học sinh/lớp là 30. Các địa phương đã làm tốt công tác điều tra phổ cập, dự báo được tình hình, vì thế số học sinh tăng nhưng các địa phương đã cơ bản đáp ứng được các điều kiện về cơ sở vật chất và giáo viên để thực hiện tổ chức dạy học đúng quy định của chương trình, đảm bảo số lượng HS/lớp theo đúng Điều lệ quy định…
Năm học 2018-2019 toàn quốc có gần 400.000 giáo viên tiểu học, tỉ lệ trung bình giáo viên/lớp ở cấp tiểu học là 1,38, nhìn chung cơ bản đủ để thực hiện dạy học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên một số địa phương có tỷ lệ giáo viên còn thấp; số giáo viên đang thực hiện chế độ hợp đồng lao động khá nhiều…
Bộ Trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ Giáo cho biết, giáo dục tiểu học không chỉ chú trọng đến môn tiếng Việt, toán mà cần quan tâm đến giáo dục văn hóa đạo đức cho học sinh
Trong năm học 2018-2019, giáo dục tiểu học tiếp tục đổi mới hình thức tổ chức, phương pháp dạy học và hình thức tổ chức, phương pháp đánh giá học sinh; chuyển từ truyền thụ kiến thức sang tổ chức hoạt động học tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh; bước đầu sử dụng các hình thức dạy học trên cơ sở ứng dụng CNTT. Đồng thời, chú ý các hoạt động trải nghiệm để học sinh vận dụng kiến thức, phát triển năng lực…
Đối với giáo dục tiểu học Quảng Ninh, năm học vừa qua, chất lượng giáo dục tiểu học được duy trì và nâng cao. Học sinh hoàn thành chương trình lớp học đạt 99,2%. Học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 99,96%. Tỷ lệ trường chuẩn quốc gia tăng và đạt cao nhất trong các cấp học của tỉnh. Tính đến hết tháng 5/2019, toàn tỉnh có 160/174 trường tiểu học đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia đạt 91,95% (tăng 3,1%), trong đó 117 trường mức độ 1 và 43 trường mức độ 2.
Triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020, ngành giáo dục tiểu học tập trung thực hiện rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới trường lớp; tăng cường cơ sở vật chất cho các trường tiểu học; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; chuẩn bị sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Cùng với đó, chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng đẩy mạnh phân cấp quản lý, tăng quyền tự chủ cho nhà trường; tăng cường nền nếp, kỷ cương, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục trong các cơ sở giáo dục tiểu học…
Đại biểu ngành giáo dục của 64 tỉnh thành tham dự hội nghị với mong muốn chất lượng giáo dục tiểu học sẽ ngày càng được nâng cao hơn
Tại hội nghị, đại diện một số địa phương cũng đề nghị Bộ GD&ĐT quan tâm: Bổ sung xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo phòng học, phòng chức năng, nhà vệ sinh cho học sinh; việc thiếu các giáo viên môn chuyên như ngoại ngữ, tin học, âm nhạc; duy trì trường chuẩn quốc gia...
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Năm học 2019-2020 là năm bản lề chuẩn bị các điều kiện để đưa chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới vào giảng dạy ở lớp cấp 1 tiểu học từ năm 2020-2021. Do đó, bên cạnh hoàn tất công tác chuẩn bị cho năm học mới, các địa phương phải tăng cường cơ sở vật chất để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Cùng với đó, tập trung ưu tiên chuẩn bị cho đội ngũ giáo viên để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; các địa phương phải phối hợp thực hiện tốt công tác bồi dưỡng giáo viên; sắp xếp lại mạng lưới trường lớp, dồn dịch điểm trường đối với cấp tiểu học phải tuân thủ theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông mới.
“Giáo dục tiểu học không chỉ chú trọng đến môn tiếng Việt, toán mà cần quan tâm đến giáo dục văn hóa đạo đức cho học sinh; xây dựng trường học an toàn, lành mạnh, thân thiện…”, người đứng đầu ngành giáo dục nêu yêu cầu.