“Tiếng súng mở đầu” của mùa thu cách mạng

Vân Phạm| 18/08/2018 06:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 11/3/1945, một cuộc khởi nghĩa đã nổ ra ở vùng núi Ba Tơ, Quảng Ngãi. Chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn, quân cách mạng đã đánh chiếm được toàn bộ đồn Ba Tơ, thu giữ nhiều vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng.

Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa này là minh chứng cho đường lối đúng đắn của Đảng và Bác Hồ, là một trong những “tiếng súng mở đầu” thôi thúc các phong trào đấu tranh cách mạng trên cả nước, tiến tới tổng khởi nghĩa giành thắng lợi trong cuộc cách mạng tháng 8/1945.

Quyết hy sinh vì Tổ quốc

Sau những đợt khủng bố trắng của địch vào cuối năm 1939 và cả năm 1940, các nhà tù ở Quảng Ngãi chật ních những người yêu nước. Ba Tơ là một châu nằm ở Tây nam tỉnh Quảng Ngãi. Tại đây, thực dân Pháp xây dựng một đồn sơn phòng do sĩ quan Pháp chỉ huy và một trại giam tù chính trị. Năm 1941, các đồng chí ở “căng” Ba Tơ đã có hơn 50 tù chính trị. Những chiến sĩ cách mạng trong tù đã liên kết với bên ngoài khôi phục lại tổ chức Đảng và lập ra “Ủy ban vận động cách mạng” để lãnh đạo phong trào cách mạng.

Trong khi các chiến sĩ cách mạng ở Ba Tơ đang tích cực xây dựng cơ sở quần chúng thì được tin Nhật đảo chính Pháp ngày 9/3/1945. Ngay sau đó, chi bộ tổ chức hội nghị bất thường cử ra một ủy ban khởi nghĩa, định chương trình và kế hoạch hành động. Đồng thời, Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi đã quyết định cướp đồn Ba Tơ, giành chính quyền về tay nhân dân. Nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy khởi nghĩa Ba Tơ đã được giao cho đồng chí Phạm Kiệt. Suốt một đêm dài giằng co, đấu trí với địch quần chúng cách mạng đã chiếm đồn Ba Tơ, bắt tất cả sỹ quan và quân lính trong đồn, giải tán chính quyền phản động, giành thắng lợi hoàn toàn mà không hề đổ máu, hy sinh một ai. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa này được xem là một trong những “tiếng súng mở đầu” cho Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

“Tiếng súng mở đầu” của mùa thu cách mạng

Trung tướng Phạm Kiệt, Chỉ huy trưởng Đội du kích Ba Tơ

Thời điểm đó, lợi dụng thời cơ chính quyền Trung ương của Nhật còn chưa ổn định ở Đông Dương, chính quyền địa phương của Nhật còn chưa tới Ba Tơ, chính quyền Pháp thì bất ổn, tổ chức của Đảng Cộng sản Đông Dương ở Ba Tơ đã lập ra Ủy ban Khởi nghĩa, lãnh đạo quần chúng đứng lên giành chính quyền. Cuộc mít tinh được tổ chức tại sân trại giam đã biến thành cuộc biểu tình kéo đi vây đồn Ba Tơ. Sĩ quan Pháp chỉ huy đồn bỏ chạy, quân lính đầu hàng. Chính quyền cộng sản được thành lập, đội du kích Ba Tơ ra đời. Đây là đội quân vũ trang cách mạng thoát ly đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương ở miền Trung Trung Kỳ. Đội quân du kích này đã hoạt động tốt và trở thành lực lượng nòng cốt trong Cao trào kháng Nhật cứu nước năm 1945.

Chiều 11/3, hai cuộc mít tinh lớn do Việt Minh tổ chức tại sân vận động Ba Tơ rồi biến thành cuộc biểu tình tuần hành thị uy kéo đến đồn Ba Tơ. Các chỉ huy Pháp và một số lính bỏ đồn chạy trốn, chỉ còn lại người cai đồn và nhóm lính khố xanh, khố đỏ. Sau khi bị quân khởi nghĩa bao vây, họ đều đầu hàng, quân khởi nghĩa cướp được 17 súng, 15 thùng đạn và nhiều quân trang, quân dụng.

Ngày 12/3, Ban Chỉ huy cuộc khởi nghĩa tổ chức một cuộc mít tinh, thành lập chính quyền mới. Ngày 14/3, đội du kích Ba Tơ chính thức được thành lập. Tháng 4/1945, đội du kích hoạt động ở một vùng của người Thượng trên dãy núi Trường Sơn hiểm trở. Quân Nhật tìm cách truy lùng nhằm tiêu diệt đội du kích đang còn trong thời kỳ trứng nước. Đội đã phải chịu đựng nhiều gian khổ. Từ cán bộ đến chiến sĩ, ai nấy đều giữ trọn lời thề trong ngày thành lập, quyết “hy sinh vì Tổ quốc”. Trong hoàn cảnh gay go thiếu thốn, đội du kích Ba Tơ vẫn đoàn kết và gắn bó với dân.

“Tiếng súng mở đầu” của mùa thu cách mạng

Đội du kích Ba Tơ tuyên thệ “Hy sinh vì tổ quốc!”

Sáng 13/3/1945, Đội du kích Ba Tơ chính thức được thành lập, có tổ chức mít tinh trước đông đảo quần chúng nhân dân, đồng bào các dân tộc ít người trong vùng Ba Tơ. Đồng chí Phạm Kiệt được Tỉnh ủy giao làm chỉ huy trưởng Đội du kích Ba Tơ. Tại đây, Chỉ huy trưởng Phạm Kiệt đã tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân, kêu gọi nhân dân đoàn kết, quyết tâm chiến đấu bảo vệ chính quyền, bảo vệ thành quả cách mạng.

Sáng mãi ngọn lửa cách mạng

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng đánh giá rất cao thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Ba Tơ, coi đó là một điển hình tiên phong táo bạo, một bài học kinh nghiệm lớn về chiến tranh nhân dân. Còn Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã từng nhận xét: “Cán bộ chiến sĩ du kích Ba Tơ với phẩm chất chính trị cao, tài năng tổ chức và hành động giỏi, đã đáp ứng kịp thời nhu cầu xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang, chỉ huy tác chiến ở hầu hết các mặt trận miền Nam Trung Bộ từ những ngày Cách mạng Tháng Tám cho đến suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ… Cán bộ và chiến sĩ du kích Ba Tơ đã chiến đấu với tinh thần hy sinh vì Tổ quốc để chúng ta có được ngày nay…”.

Từ thắng lợi vẻ vang đó, đội du kích Ba Tơ đã tỏa đi khắp các miền quê Quảng Ngải, tạo lập nên nhiều chiến khu và căn cứ vững chắc, trở thành lực lượng nòng cốt cùng chính quyền và nhân dân Quảng Ngãi tiến hành Tổng khởi nghĩa tháng Tám sớm nhất cả nước. Sau Cách mạng tháng Tám, quân du kích Ba Tơ lan tỏa đi khắp liên khu V và Nam Bộ và trở thành một trong những lực lượng nòng cốt, tiền thân của lực lượng vũ trang Việt Nam. Chỉ huy trưởng Phạm Kiệt sau này trở thành Trung tướng, thứ trưởng Bộ Công an kiêm Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang. Bản lĩnh và tài đức của vị tướng quê ở xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi này còn thể hiện trong nhiều tình huống cam go.

“Tiếng súng mở đầu” của mùa thu cách mạng

 Tượng đài Khởi nghĩa Ba Tơ

Sau cuộc khởi nghĩa ngày 11/3/1945 giành thắng lợi, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân huyện Ba Tơ tiếp tục phát huy ý chí quật cường, cùng với quân và dân trong toàn tỉnh lập nên nhiều chiến công trong cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc xâm lược. Đặc biệt, trong Cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Quảng Ngãi nói chung và Ba Tơ nói riêng là một trong những địa phương đã giành được thắng lợi sớm nhất. Từ chiều ngày 14/8/1945, tiếng trống khởi nghĩa đã vang lên từ Thi Phổ Nhất (Mộ Đức) nơi đóng cơ quan của Tỉnh uỷ, rồi nhanh chóng lan đến các nơi. Ngọn lửa cách mạng đã bùng lên trong toàn tỉnh. Mệnh lệnh được truyền đến đâu thì lập tức nhân dân các địa phương vũ trang gậy gộc cùng với các tổ chức tự vệ cứu quốc và du kích cứu quốc dưới sự lãnh đạo của các tổ chức Đảng và Việt Minh vùng lên khởi nghĩa.

Đến chiều và đêm 14/8/1945 thì hầu hết các làng, xã dọc đường Quốc lộ 1, các lực lượng khởi nghĩa và nhân dân đã vùng dậy giành chính quyền. Riêng ở thị xã Quảng Ngãi, khởi nghĩa chưa kịp tiến hành bên trong nội thị nhưng ở bên ngoài quần chúng nhân dân đã nổi dậy, các lực lượng cứu quốc ở ga xe lửa đã huy động quần chúng chiếm ga và các vùng lân cận. Cho đến đêm 15/8 hầu hết các làng xã, phủ, tổng, huyện kể cả thị xã Quảng Ngãi và đảo Lý Sơn, nhân dân đã nổi dậy giành quyền làm chủ. Ngày 15/8/1945, Tỉnh uỷ ra chỉ thị thành lập chính quyền cách mạng ở các làng, tổng, phủ, huyện, tỉnh.

Ở thị xã Quảng Ngãi (nay là TP. Quảng Ngãi), trong đêm 15/8/1945 lực lượng khởi nghĩa thu toàn bộ hồ sơ của Sở mật thám; Bùi Trọng Lệ - Chánh Sở mật thám chạy trốn và bị bắt. Đến đêm 16/8/1945, quân khởi nghĩa đánh chiếm dinh tỉnh trưởng và các cơ quan trực thuộc ngụy quyền, kể cả kho bạc. Tỉnh trưởng Lương Trọng Hối phải giao toàn bộ ấn tín, tiền bạc, vũ khí cho cách mạng.

Phát huy truyền thống anh hùng

Truyền thống anh hùng đó được đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ba Tơ tiếp tục phát huy trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ngày 30/10/1972, huyện Ba Tơ chính thức được hoàn toàn giải phóng. Kể từ đó đến nay, mảnh đất anh hùng này đã và đang “thay da đổi thịt” hàng ngày.

Trung tâm huyện lỵ giờ đã được quy hoạch, xây dựng khang trang. Để góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, tên tuổi của nhiều cán bộ, đội viên du kích Ba Tơ được chọn đặt tên cho một số tuyến đường trung tâm huyện lỵ. Người dân Ba Tơ hôm nay rất đỗi tự hào về quá khứ oai hùng của cha anh, từ đó đoàn kết, đồng lòng xây dựng cuộc sống mới. Ngày trước, giữa bốn bề núi non và sông suối chia cắt, nhưng lớp cha anh đi trước đã làm nên nhiều kỳ tích. Nay được Đảng, Nhà nước quan tâm, chăm lo nên đồng bào đã và đang cố gắng lao động, xóa đói giảm nghèo.

Và mới đây, nhân kỷ niệm 73 năm Ngày khởi nghĩa Ba Tơ (11/3/1945 - 11/3/2018), 11 địa điểm gắn liền với đội quân du kích Ba Tơ anh hùng đã chính thức được công nhận là quần thể di tích quốc gia đặc biệt. Các điểm di tích này phân bố chủ yếu trên địa bàn các xã Ba Vinh, Ba Động, Ba Thành và thị trấn Ba Tơ (huyện Ba Tơ).

Trước đó, năm 1980, Nhà nước quyết định xếp hạng Di tích cuộc khởi nghĩa Ba Tơ là Di tích lịch sử quốc gia. Năm 2010, Chủ tịch nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Đội du kích Ba Tơ. Tháng 8/2013, Thủ tướng có quyết định công nhận các xã Ba Vinh, Ba Giang, Ba Động, Ba Chùa, Ba Thành và thị trấn Ba Tơ thuộc vùng An toàn khu của Trung ương ở Quảng Ngãi trong thời kỳ chống Pháp. Ngày 25/12/2017, Thủ tướng ký quyết định công nhận các địa điểm về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ là Di tích quốc gia đặc biệt. Đây là một sự kiện có ý nghĩa sâu sắc đối với chính quyền và nhân dân Quảng Ngãi nói chung và huyện Ba Tơ nói riêng. Điều này một lần nữa khẳng định mảnh đất và con người ở đây đã có những đóng góp tích cực vào lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Tiếng súng mở đầu” của mùa thu cách mạng