Những chuyện khó tin ở làng Thổ Hà

Hoài Đan-Hà Linh| 27/11/2014 07:11
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Với mật độ dân cư dày đặc và sự phát triển chóng mặt của làng nghề, làng Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, Bắc Giang ngày càng trở nên bí bách, ngột ngạt.

Đất chật người đông

Cho đến tận bây giờ Thổ Hà vẫn giữ được những nét đặc trưng của một làng quê Bắc Bộ với cây đa, giếng nước, sân đình. Ở đây, tuyệt nhiên không nhìn thấy một con trâu, con bò hay một đống rơm rạ nào. Từ bao đời nay, người dân Thổ Hà sinh sống bằng nước sông gạo chợ, tiểu thủ công nghiệp và buôn bán nhỏ đóng vài trò chủ đạo trong việc phát triển kinh tế ở nơi này.

Đi một vòng quanh Thổ Hà, thấy người dân phơi bánh đa nem kín đường làng ngõ xóm. Phơi ở dưới lòng đường chưa đủ, họ còn tận dụng khoảng không ở bất cứ chỗ nào có thể để tranh thủ phơi hàng. Tại các ngõ nhỏ trong làng có chiều dài chưa đầy 100m, rộng từ 1 - 1,5m người dân dựng bánh đa nem kín hai bên tường nhà, chỉ chừa một lối nhỏ đủ để một người đi bộ. Xe cộ, đương nhiên là không thể đi được.

Những chuyện khó tin ở làng Thổ Hà

Người dân phơi bánh đa nem trong ngõ, chỉ chừa ra một lối đi nhỏ đủ để một người đi bộ

Ngay cả khi người dân đã thu dọn hết hàng về nhà, thì việc hai chiếc xe máy tránh nhau tại một ngõ ở Thổ Hà cũng trở nên vô cùng khó khăn. Tại làng này, có những con ngõ nhỏ đến mức, nếu hai xe máy đi ngược chiều gặp nhau thì buộc lòng một xe phải lùi ra đầu hoặc cuối ngõ để nhường đường cho xe kia đi trước.

Chính vì thế mà Bà Tuấn (53 tuổi) cũng như những hộ dân làm nghề tráng bánh đa nem ở Thổ Hà, mỗi khi xuất hàng cho thương lái đều phải vác hàng ra trục đường chính để đóng hàng tránh va quệt. Bà Tuấn than thở: “Ở Thổ Hà chật đến phát khổ, từ sinh hoạt, đi lại đến làm ăn buôn bán. Người thì càng ngày càng đông mà đất thì không “đẻ” ra mét nào, thành ra đã chật lại càng chật hơn”. Bà Tuấn cho biết, không chỉ nhà bà mà các hộ dân khác ở đây mỗi khi đi buôn bán, học hành về đều gửi xe ở khu Vạn An (TP. Bắc Binh) ở bên kia sông Cầu rồi đi bộ về nhà.

Nắm bắt được nhu cầu này, bà Hiền bán quán nước ở cạnh đình Thổ Hà, đã tận dụng khoảng trống trước cửa nhà để trông xe, kiếm tiền rau dưa hàng ngày. Bà Hiền tiết lộ, có ngày bà trông từ 8 – 10 xe máy của khách thập phương cũng như người trong làng. Giá vé trông xe ban này là 5 nghìn đồng/xe, ban đêm là 10 nghìn đồng/xe.

Đất chật, ngõ hẹp còn làm khổ người dân Thổ Hà mỗi khi có ma chay hay cưới hỏi. Mỗi ngõ chỉ vừa hai người, cứ thế xếp nhau mà đi.

Theo một thống kê mới nhất của UBDN xã Vân Hà, làng Thổ Hà có 775 hộ với 3.500 khẩu. Trong khi đó diện tích chỉ có 0,2km2, tính ra mật độ dân số ở Thổ Hà lên đến hơn 20.000 người/km2.. Một con số khiến bất cứ ai nhìn thấy cũng phải giật mình. Ở Thổ Hà giá đất cao ngất ngưởng, giao động từ 10 – 12 triệu đồng/m2. Nếu đem so sánh thì gía đất ở Thổ Hà cao hơn hẳn so với các làng, xã lân cận và tương đương với giá đất ở trung tâm TP. Bắc Ninh.  

Mới đây, UBND tỉnh có chủ trương xây mới trường mần non Thổ Hà đạt chuẩn quốc gia đã khiến lãnh đạo địa phương phải vò đầu, bứt tóc. Bởi, họ không biết lấy đất ở đâu ra mà xây. Sau nhiều cuộc họp, tình toán, người dân Thổ Hà đã nhất trí với phương án, phá nhà văn hóa thôn để xây dựng trường mầm non. Hiện, ở Thổ Hà vẫn chưa có nhà văn hóa.

Quanh năm ô nhiễm khói, bụi than

Ở Thổ Hà 70% người dân làm bánh đa nem, 30% người dân làm bánh đa nướng, mỳ gạo và buôn bán. Các bếp than trong làng đỏ lửa quanh năm. Nhất là vào những tháng cuối năm, khi mà thị trường có nhu cầu lớn về bánh đa nem và mỳ gạo thì người dân làm việc không kể ngày đêm. Dù là mùa đông nhưng bà Phạm Thị Đỗ vẫn phải đặt cạnh chiếc quạt mở số to nhất để thổi bớt bụi than và hơi nóng từ lò nướng. Ngoài quạt ra bà Đỗ còn phải đeo kính, khẩu trang và găng tay để làm việc.

Những chuyện khó tin ở làng Thổ Hà

Bà Phạm Thị Đỗ đang nướng bánh đa

Bà bảo, làm nghề này vất vả lắm, vào mùa đông còn đỡ chứ mùa hè ngồi cạnh lò nướng thì như thiêu như đốt. Bà cho biết, mỗi ngày đi làm về bà thường bị đau khắp người, nằm “bất động” hơn một giờ đồng hồ, có ngày mệt quá không ăn nổi cơm. Chuyện hôm trước bà đi làm, hôm sau báo chủ cho nghỉ là xảy ra như cơm bữa. Một ngày, bà Đỗ được trả 200 nghìn đồng với điều kiện phải nướng được 200 chiếc bánh đa.

“Ngồi cạnh lò than từ năm nay qua tháng khác độc hại lắm, biết là thế nhưng chúng tôi vẫn phải làm vì là làng nghề truyền thống, hơn nữa không làm thì biết lấy gì mà ăn. Bao đời nay ở Thổ Hà vẫn đốt than như thế”, bà Đỗ than thở. Chẳng thế mà năm nào vào vụ hàng, làng Thổ Hà chẳng có vài người ngất phần vì làm việc quá sức, phần vì suốt ngày phải tiếp xúc với khói và bụi than trong lò kín.

Để phục vụ nhu cầu về nhiên liệu đốt, làng Thổ Hà đã hình thành 3 bãi đóng than, trong đó có  bãi ở khu thuyền buồn là lớn hơn cả. Bãi này gồm 6 hộ chuyên đóng than cung cấp cho Thổ Hà. Chị Dơn, một trong 6 hộ đóng than ở đây tiết lộ, nhà chị phải thuê 2 nhân công chuyên đóng than, trung bình một ngày sản xuất ra 1 nghìn viên than tổ ong. Riêng khu thuyền buồn một ngày có khoảng 6 nghìn viên than tổ ong được sản xuất để phục vụ nhu cầu của làng Thổ Hà. Đó là chưa kể đến lượng than bột và số lượng than sản xuất ở các khu khác.

Một số hộ ở Thổ Hà đã “đoạn tuyệt” với các lò than khi chuyển đổi mô hình sản xuất thủ công sang máy móc, thế nhưng con số đó chỉ đếm trên đầu ngón tay. “Chừng nào người dân Thổ Hà còn làm nghề thì chừng đó còn đốt than”, chị Dơn nhận định.

Ông Nguyễn Trọng Hội, chủ tịch UBND xã Vân Hà thừa nhận rằng, khoảng chục năm trở lại đây vấn đề về đất ở và môi trường ở Thổ Hà ngày càng trở nên trầm trọng. Ông cho biết, hiện tại ở làng Thổ Hà không có đất giãn dân, việc xây mới các công trình công trình công cộng, phúc lợi gặp nhiều khó khăn.

Có lẽ, giờ đây, người ta nhắc tới Thổ Hà bởi là một làng quê đất chật người đông với nghề làm bánh đa nem chứ mấy ai nhớ Thổ Hà từng là một trong ba trung tâm gốm sứ cổ xưa nhất của người Việt, bên cạn Phù Lãng và Bát Tràng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những chuyện khó tin ở làng Thổ Hà