Chỉ tính riêng giai đoạn 2011 – 2015, trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã phát hiện 392 vụ, giải cứu và tiếp nhận 585 nạn nhân bị buôn bán qua biên giới.
Với đường biên giới dài gần 200km, cùng nhiều cửa khẩu, đường mòn, lối mở thông thương sang Trung Quốc, nhân dân hai bên biên giới có mối quan hệ thân tộc, dân tộc lâu đời nên trong mấy năm gần đây tình trạng về buôn bán người ở Lào Cai diễn biến hết sức phức tạp. Nạn nhân đa phần là trẻ em, phụ nữ đồng bào các dân tộc thiểu số.
Lật tẩy những chiêu trò
Lào Cai là tỉnh có 25 dân tộc cùng chung sống, trong đó dân tộc Kinh chỉ chiếm khoảng 35%, còn lại là các dân tộc thiểu số, trình độ dân trí phát triển không đồng đều, nhận thức về pháp luật còn hạn chế. Những yếu tố đó vô tình biến vùng đất này thành “miền đất hứa” cho bọn tội phạm về buôn bán người hoạt động.
Mặc dù trong mấy năm gần đây, chính quyền cùng với các cơ quan chức năng của tỉnh Lào Cai, đặc biệt là lực lượng Công an, Biên phòng đã quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng ngừa, thế nhưng vẫn còn rất nhiều người vì nhẹ dạ cả tin để rồi sập bẫy bọn buôn người. Chỉ tính riêng giai đoạn 2011 – 2015, trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã phát hiện 392 vụ, giải cứu và tiếp nhận 585 nạn nhân bị buôn bán qua biên giới. Còn từ năm 2016 đến đầu năm 2018, phát hiện 187 vụ/138 đối tượng, giải cứu và tiếp nhận 237 nạn nhân.
Các đối tượng thường lợi dụng những nơi vùng sâu vùng xa để lừa đảo, bán người qua biên giới
Phương thức, thủ đoạn của bọn tội phạm buôn người ở Lào Cai cũng ngày càng tinh vi, đa dạng và phức tạp. Chúng tạo lập thành các đường dây, ổ nhóm, cấu kết chặt chẽ giữa các đối tượng ở nước ngoài với các đối tượng ở địa bàn khu vực biên giới và các đối tượng từ các tỉnh trên toàn quốc, thông qua các mối quan hệ có sẵn hoặc sử dụng các dịch vụ tiện ích của công nghệ thông tin như điện thoại, mạng xã hội zalo, facebook... để làm quen, dụ dỗ, lừa gạt bằng thủ đoạn giới thiệu việc làm nhàn hạ có lương cao, giả yêu đương, đưa đi thăm gia đình, đưa đi chơi, sau đó cùng đồng bọn đưa nạn nhân vào khu vực biên giới hẻo lánh, ép buộc đưa sang Trung Quốc bán cho các chủ chứa mại dâm để khai thác, bóc lột tình dục, tổ chức các đường dây cho thuê gái vào nội địa Trung Quốc bán dâm hoặc ép buộc làm vợ người đàn ông Trung Quốc.
Để tránh sự phát hiện, truy bắt của cơ quan công an, Bộ đội Biên phòng, bọn tội phạm cũng có sự thay đổi về thủ đoạn, như môi giới qua nhiều khâu trung gian khác nhau, sử dụng hộ chiếu, giấy thông hành xuất nhập cảnh qua cửa khẩu hoặc hướng dẫn để nạn nhân tự vượt biên giới, đưa nạn nhân đi sâu vào nội địa Trung Quốc, rồi sử dụng điện thoại để chỉ đạo, thỏa thuận việc mua bán, chuyển, giao nhận nạn nhân.
Qua công tác điều tra, phá án của các lực lượng chức năng tỉnh Lào Cai trong thời gian gần đây thì phần lớn nạn nhân trong các vụ mua bán người chủ yếu là phụ nữ, trẻ em trong độ tuổi từ 15 đến 26 tuổi, ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, trình độ dân trí thấp, nhận thức xã hội, pháp luật còn hạn chế, thiếu việc làm, khó khăn về kinh tế. Thậm chí một số nạn nhân còn là học sinh chỉ vì nhẹ dạ, cả tin mà sa vào bẫy. Tình trạng buôn bán người diễn ra chủ yếu trên địa bàn các huyện Bảo Thắng, Sa Pa, Bắc Hà, Si Ma Cai, Văn Bàn...
Sùng Thị P: “Tôi suýt chút nữa đã bị bán sang Trung Quốc”
Lừa “đi làm thuê lương cao” rồi bán
Rủ rê, lôi kéo đi làm thuê bên Trung Quốc kiếm tiền, đó là mánh khóe giản đơn nhất mà bọn buôn người thường hay sử dụng để lừa gạt. Phần lớn mọi người cảnh giác với chiêu lừa này, nhưng đối với hai cô gái ở xã Kim Sơn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai vì tin chị hàng xóm mà rơi vào vòng tay của quỷ. Giàng Thị M và Sùng Thị P ở cùng thôn với Nguyễn Thị Thủy. Thủy vốn làm thuê ở Trung Quốc từ lâu và yêu một người đàn ông bên đó có tên là Thạng. Thạng thực chất là tay ma cô bảo kê gái mại dâm ở một số động chứa tại thị trấn Hà Khẩu, Vân Nam, Trung Quốc. Vì vậy, khi Thạng đặt vấn đề với Thủy về việc tìm gái Việt Nam bán cho Thạng, Thủy đồng ý ngay.
Với chiêu bài “đi làm thuê lương cao”, Thủy rủ M và P sang Trung Quốc. Thấy Thủy là hàng xóm, lại chăm chỉ thăm nom, tặng quà mỗi khi về Việt Nam nên cả M và P chẳng mảy may nghi ngờ. Thấy “con mồi” đã sập bẫy, Thủy cử con rể mình là Nguyễn Đức Giang và em trai là Lương Văn Huân xuống đón M và P đưa lên thành phố Lào Cai rồi vượt biên sang Trung Quốc. Nhưng Giang và Huân chỉ đón được M vì P bận việc nhà. Sau đó chúng đưa M đến bến đò Phố Tèo, thuộc thành phố Lào Cai và giao M cho Thạng cùng một người phụ nữ Trung Quốc. Đổi lại, Thạng đưa Giang 3 triệu đồng cầm về cho Thủy. Rồi M lại bị Thạng bán tiếp cho một quán chứa gái mại dâm ở thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Vì không liên lạc được với P nên mặc dù biết bị lừa mà M không thể thông báo cho bạn biết được. Vậy nên ngay chiều hôm sau, P tiếp tục bị Giang đưa lên thành phố Lào Cai giao cho Thạng. Tới bến đò Phố Tèo, Giang thuê đò chở P sang Trung Quốc nhưng người lái đò không chở. Giang buộc phải thuê nhà nghỉ. Sáng hôm sau Thạng gọi điện cho Giang hướng dẫn đi theo đường biên giới thuộc địa phận tổ 10, phường Lào Cai, thành phố Lào Cai, sang bên kia biên giới Thạng sẽ đón. Thế nhưng, khi Giang và P vừa tới đường biên giới thì bị lực lượng chức năng phát hiện và bắt giữ. Phải đến lúc đó P mới sực tỉnh và sợ hãi vì mình suýt là nạn nhân tiếp theo sau của bọn buôn người.
Cũng với chiêu bài dụ dỗ đi làm thuê lương cao, Tráng Seo Chu (19 tuổi, trú tại xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) cũng đã lừa hai phụ nữ người dân tộc rồi đem sang Trung Quốc bán. Nhưng rất may Đồn biên phòng Bản Lầu (Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai) đã kịp thời phát hiện và bắt giữ Chu vào ngày 6/9/2018 vừa qua. Bước đầu, Chu khai nhận đã từng sang Trung Quốc làm thuê, được một người Trung Quốc tên Sử "đặt" về Việt Nam tìm phụ nữ mang sang Trung Quốc bán. Mỗi phụ nữ đưa trót lọt sang Trung Quốc, Sử trả cho Chu 1 35 triệu đồng.
Đối tượng Tráng Seo Chu
Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động
Bên cạnh việc mồi chài bằng những công việc với mức thu nhập hết sức hấp dẫn, một thủ đoạn nữa của bọn buôn người là giả vờ yêu đương rồi lừa bán. Chúng thường đến các lễ hội, phiên chợ làm quen với các cô gái chủ yếu là người Mông, sau đó lấy số điện thoại, nhắn tin gọi điện nhiều lần, hứa hẹn yêu thương. Sau đó chúng mời các cô gái lên Lào Cai chơi rồi đưa đến biên giới bán. Ngoài ra, các đối tượng còn đến những vùng có đồng bào dân tộc Mông sinh sống, chủ động làm quen, tán tỉnh các cô gái chưa chồng, hứa sẽ lấy làm vợ rồi rủ đi chơi ở thành phố Lào Cai, lấy lý do về nhà ra mắt nhưng thực chất đưa nạn nhân theo đường tiểu ngạch tới khu vực biên giới, vượt biên bán cho số đối tượng người Trung Quốc.
Một số đối tượng đánh vào tâm lý của những phụ nữ có gia đình nhưng cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc rồi dụ dỗ sang Trung Quốc lấy chồng sẽ có cuộc sống giàu sang, sung sướng, được chiều chuộng và không phải làm gì vì Trung Quốc rất thiếu phụ nữ. Song trên thực tế thì phần lớn những phụ nữ này lại bị bán làm vợ cho những người đàn ông già, nghèo, tật nguyền không có đủ tiền để cưới vợ bản xứ. Họ phải phục vụ tình dục, trở thành máy đẻ và lao động cật lực, bất đồng ngôn ngữ, bị đánh đập, giam giữ tại gia đình nhà chồng ở Trung Quốc và rất khó có cơ hội được trở về Việt Nam. Điều đáng lo ngại là các “nạn nhân tình nguyện” này đang có xu hướng gia tăng.
Do các đối tượng đã lợi dụng lòng tin và mối quan hệ quen biết dụ dỗ nạn nhân đến khu vực biên giới rồi để nạn nhân đi theo đường tiểu ngạch, còn đối tượng gây án đi đường cửa khẩu bằng giấy thông hành nên gây ra rất nhiều khó khăn cho công tác điều tra bắt giữ của lực lượng chức năng. Ngoài ra, việc các đối tượng đưa nạn nhân đến các khu vực vùng sâu, vùng xa cũng rất khó khăn cho công tác giải cứu. Thêm vào đó các đối tượng phạm tội ở các địa phương khác thường lợi dụng địa bàn tỉnh Lào Cai để đưa nạn nhân sang Trung Quốc bán gây không ít trở ngại trong việc xác minh danh tính đối tượng và nạn nhân.
Trước tình hình đó, mấy năm gần đây, các lực lượng chức năng của tỉnh Lào Cai, đặc biệt là lực lượng Bộ đội Biên phòng và Công an tỉnh đã đẩy mạnh công tác phòng, chống tội phạm Mua bán người, chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ kết hợp phòng ngừa xã hội, công tác hợp tác quốc tế với nước láng giềng trong trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong việc điều tra và giải cứu nạn nhân. Đặc biệt, công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của đồng bào ở những xã biên giới, trình độ dân trí còn thấp, mật độ dân cư thưa thớt cũng được các cơ quan đoàn thể ở đây quan tâm, chú trọng, triển khai thực hiện khẩn trương, đồng bộ.
Đồng thời, nhằm tạo điều kiện tái hòa nhập cộng đồng cho những nạn nhân, như: dạy nghề, hỗ trợ về vốn, tạo công ăn việc làm ổn định, UBND tỉnh Lào Cai cũng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về việc tiếp nhận nạn nhân bị mua bán trở về địa phương. Từ đó, nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền và người dân về phòng, chống mua bán người đã được nâng lên. Công tác phòng, chống mua bán người được chính quyền và các tổ chức xã hội, từ thiện quan tâm hỗ trợ ngày càng mạnh mẽ. Số nạn nhân tiếp nhận được chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ đào tạo nghề tại “Ngôi nhà nhân ái” của tỉnh đã giúp các nạn nhân có điều kiện hòa nhập cộng đồng.
Với các biện pháp chủ động trong công tác phòng, chống mua bán người trong thời gian qua, cùng với việc Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 30/7 hàng năm là “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”, hy vọng trong thời gian sắp tới, tỉnh Lào Cai sẽ phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tích cực tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, giảm đáng kế vấn nạn mua bán người, góp phần ổn định tình hình an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.