Ngược dòng Sê San

An Nhiên| 25/06/2018 08:36
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hành trang trên vai là chiếc ba lô cùng chiếc xe máy cà tàng, tôi vượt 100km ngược dòng lên Sê San (giáp ranh giữa hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai). Nơi đây, vẻ đẹp thơ mộng cùng với nét hoang sơ huyền bí như muốn nuốt trọn tâm trí của bất kỳ ai đặt chân đến.

Gian nan…người giữ rừng

Được mệnh danh là “dòng sông năng lượng” nhưng Sê San còn được biết đến bởi nguồn thủy sản dồi dào với hệ thủy sinh phong phú gồm những loài cá quý như: anh vũ, lăng, chình, chạch, chép… Dòng sông hùng vĩ này chảy qua 2 tỉnh Kon Tum và Gia Lai rồi chảy ngược sang nước bạn Campuchia, hòa vào sông lớn Mê Kông. Theo đó, làng chài nằm trên một đảo nhỏ giữa dòng sông Sê San. Làng có 24 ngôi nhà lênh đênh trên mặt nước. Không hẹn mà gặp, 24 hộ dân trên xóm chài này ở các tỉnh khác như Hải Dương, Thừa Thiên-Huế, Quảng Bình, An Giang, Cà Mau…và cùng đến khu vực sông Sê San lập thành một làng chài lưới và mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá, tôm. Xung quanh lòng hồ, rừng núi bao phủ, nên công cuộc giữ rừng gian nan và vất vả hơn bao giờ hết.

Nhắc đến mảnh đất này, không thể không nói đến những khó khăn, gian nan và vất vả mà những “chiến sỹ” bảo vệ rừng đang ngày, đêm “sương, gió” để giữ vững màu xanh của thiên nhiên, lá phổi của cuộc sống.

Xuôi theo dòng sông Sê San khi bóng chiều tà trên chiếc thuyền đã cũ, tiếng máy nổ kêu inh ỏi cùng với các anh em tuần tra của Công ty Lâm nghiệp huyện Ia H’Drai (Kon Tum) mới cảm nhận hết về những khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) nơi đây. Giám đốc Công ty Lâm nghiệp huyện Ia H’Drai, ông Ngô Văn Hải cho biết: “Đơn vị quản lý và bảo vệ diện tích rừng lớn, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn… Cùng với đó, sự tuần tra kiểm soát trên đường thủy lẫn đường bộ luôn song hành với nhau. Trong khi lực lượng còn mỏng, địa bàn huyện lại giáp ranh với nước bạn Campuchia, cùng với sự phối hợp giữa các ngành chức năng trong công tác QLBVR ở một số địa phương hiệu quả chưa cao nên đòi hỏi mỗi cán bộ, nhân viên của công ty luôn phải có quyết tâm, bản lĩnh và nghị lực cao nhất”.

Bên cạnh đó, một khó khăn lớn nữa đối với công tác QLBVR là đời sống kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng cao còn nhiều vất vả; tập quán canh tác chủ yếu dựa vào nương rẫy, du canh, du cư. Thực tế trên cho thấy, việc giữ rừng ở huyện Ia H’Drai còn gian nan và đầy cam go, quyết liệt.

Vào các dịp lễ, tết, những người đi xa cũng chuẩn bị về đoàn tụ với gia đình. Trong khi đó, đa phần các kiểm lâm huyện và cán bộ công nhân, viên chức của Công ty Lâm nghiệp trên địa bàn vẫn phải bám rừng để bảo vệ bình yên cho những cây cổ thụ đến những cây nhỏ.

Tính ra cứ khoảng 4 đến 5 năm thì một cán bộ, công nhân viên chức mới được nghỉ một cái tết trọn vẹn. Ngoài việc ngăn chặn các hành vi phá rừng trái phép, trong dịp tết đơn vị còn phải tăng cường công tác phòng chống cháy rừng, vì đây là giai đoạn cao điểm của mùa khô, nguy cơ cháy rừng rất cao.

Tết nhất ai cũng muốn về nhà, nhưng với những người giữ rừng thì ngày thường cũng khó chứ đừng nói là Tết. Không được sum vầy với gia đình, các anh em trong Công ty Lâm nghiệp huyện Ia H’Drai nằm giữa rừng không có sóng điện thoại, muốn điện về hỏi thăm người thân dịp này cũng phải chạy đôn, chạy đáo cả vài km để dò sóng.

Ngược dòng Sê San

 Bình yên làng chài 

Ngày ngày “xôi vắt, cơm đùm” lênh đênh sông nước

Thời gian này Tây Nguyên đang vào thời điểm giao mùa, cái nắng gay gắt của tiết trời tháng Sáu nơi đây khiến cho da mặt trở nên khô ráp, còn những ngày mưa đường trở nên lầy, sình nên việc đi lại khó khăn hơn bao giờ hết.

Ấy vậy mà, dù mưa hay nắng, chiếc thuyền mộc mạc cứ thế cần mẫn ngày cũng như đêm, lênh đênh trên dòng nước Sê San cùng với các chiến sỹ bảo vệ rừng. Tôi còn nhớ như in, cái ngày cuối năm 2017, tôi có mặt ngay từ tờ mờ sáng, được anh Lộc, anh Đức (nhân viên bảo vệ rừng) mời cùng đi tuần tra. Mặt nước dập dềnh, gió lạnh ùa vào cùng với hơi nước dưới lòng hồ bốc lên, dường như tới tận da thịt, khiến ai có mặt cũng sẽ cảm nhận rõ cái lạnh buốt cuối năm nơi đây.

Ngược dòng Sê San

Các chiến sỹ bảo vệ rừng lội suối tuần tra

Sương mù bao phủ, lòng hồ trở nên thơ mộng. Thuyền cứ thế vượt sóng, phá sương để du hành từ điểm đầu đến điểm cuối trên lòng hồ Sê San rộng lớn. Đầu chiếc thuyền, vắt xôi to bằng nắm tay được bỏ vào túi ni lông treo lơ lửng trên cái móc. Đó chính là bữa sáng hàng ngày của hai anh tuần tra trên thuyền. Trưa về, đang chuẩn bị ăn cơm, bỗng nghe thấy tiếng máy nổ, thế là tôi cùng hai anh lại “co chân lên mà chạy” ra thuyền. Lần theo tiếng máy nổ, sau một thời gian dò tìm, chúng tôi đã đến điểm cần đến, nhưng đó là tiếng máy được độ chế để đẩy nước của một chiếc thuyền nhỏ đang bị mắc kẹt vì đâm phải hai gốc cây ẩn mình dưới lòng hồ.

Bụng đói, trời nắng nóng, nhưng thấy người ta bị kẹt lại giữa hồ, không ai bảo ai, cả hai anh lặn xuống cùng người dân nâng chiếc thuyền lên. Sau khoảng 30 phút miệt mài và dùng hết sức, chiếc thuyền bị kẹt giữa hai gốc cây đã được thoát nạn. Mọi người bắt tay, chào nhau ra về với những nụ cười trên môi.

Đã chọn nghề, chấp nhận hy sinh

Các dịp lễ hay tết, lâm tặc luôn lăm le sơ hở của các chiến sỹ làm công tác bảo vệ rừng để hoạt động, chặt phá rừng. Chính vì nắm bắt được điều đó, nên lãnh đạo Công ty Lâm nghiệp luôn nêu cao tinh thần cảnh giác. Tất cả từ lãnh đạo đến nhân viên luôn túc trực 24/24h nhằm bảo vệ tốt cho rừng cây.

Trước đó, ngay cả ngày tết dương lịch 2018, Giám đốc Ngô Văn Hải cùng các anh em, đều túc trực 24/24. Được bận, thấy chồng vì công việc, vì màu xanh nên không thể về bên gia đình nên vợ con anh Hải đã lên chơi với anh cùng các anh em ở đây. Chính sự hậu thuẫn từ gia đình cùng với sự thấu hiểu cho công việc mà chồng, cha của mình đang làm đã tiếp thêm sức mạnh cho các anh có thêm động lực để giữ rừng ngày càng tốt hơn.

Giám đốc Hải trầm tư: “Cứ gần tết thấy mọi người xung quanh tất bật chuẩn bị đón tết, vui xuân, cha mẹ dẫn con đi sắm tết, mình cũng nôn nao muốn về với gia đình nhưng biết làm sao được, nghề của mình là vậy. Để rừng bình yên thì phải có người giữ. Nếu may mắn trong thời gian nghỉ tết không có vụ việc gì xảy ra thì còn được đón tết ở trạm, ở công ty, chứ nếu không lại phải khăn gói vào rừng. Đã chọn nghề này thì phải chấp nhận ăn, ngủ giữa rừng, và tạm “quên” đi ngày lễ, tết để giữ bình yên cho rừng”.

Những ngày lễ trọng đại của đất nước, trong khi các cơ quan hành chính được nghỉ để sum họp bên gia đình, thì những người làm công tác bảo vệ rừng lại vất vả hơn bao giờ hết. Tết đến ai chẳng mong muốn được sum họp bên gia đình, người thân. Nhưng với họ, không có gì quý hơn khi ngày ngày nhìn những “đứa con” tinh thần của mình ngày một xanh tốt và được bảo vệ một cách chu đáo.

Dòng hồ Sê San vẫn lặng lẽ với từng gợn sóng nhẹ, cuộc sống của những người dân làng chài cứ bình yên từ ngày này qua ngày khác. Nhưng, với các chiến sỹ bảo vệ rừng nơi huyện mới Kon Tum này lại khác, họ vẫn ngày đêm lầm lũi, mắc võng, dựng lều trong rừng để giữ vững “lá phổi thiên nhiên” trở nên trong sạch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngược dòng Sê San