Cù lao “bốn không”

congly.com.vn| 13/04/2012 11:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ở cửa sông Hàm Luông (tỉnh Bến Tre), một bên là huyện Ba Tri và bên kia là huyện Thạnh Phú, ở giữa có nổi lên một cù lao xanh mướt được gọi là Cù lao Đất. Về hành chính thì Cù lao Đất có tên ấp An Bình (thuộc xã An Hiệp, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre). Ngót một thế kỷ hình thành nhưng cho đến nay, ở Cù lao Đất vẫn là một cù lao “bốn không”: Không điện, không nước sạch, không trườ

Nỗi buồn mang tên cù lao “bốn không”


Ông Nguyễn Văn Nhèm, Trưởng ấp An Bình cho biết: Trước đây là “năm không” (không có đường giao thông) nhưng từ năm 2010, một tổ chức Phi Chính phủ đã tài trợ làm được 2,2km đường bê tông nên bà con đi lại có phần thuận lợi hơn.

Ông Nguyễn Văn Nhèm, Trưởng ấp An Bình bên một thửa ruộng đang đào ao để nuôi tôm công nghiệp


Từ đất liền tại xã An Hiệp, chúng tôi lên thuyền máy, đi 1,5km trên sông Hàm Luông để ra Cù lao Đất. Ông Nguyễn Văn Nhèm, Trưởng ấp An Bình cho biết: Cù lao Đất có diện tích 220ha, có 252 hộ, gồm 1.152 dân. Người dân cù lao sống bằng các nghề: Trồng lúa, trồng mía, nuôi tôm và đánh bắt cá trên sông Hàm Luông. Diện tích đất trồng lúa có 180ha, mỗi năm chỉ làm một vụ, năng suất chỉ 20 giạ lúa/công (1.000m2). Nhưng mấy năm gần đây, nước lụt dâng cao, có khi lút cả cồn, nước ngập làm không gặt được lúa. Riêng gia đình ông Nhèm, vụ lúa vừa rồi thất thu 50%.

Nghề nuôi tôm thì dân nuôi theo quảng canh, theo mô hình “con tôm ôm cây lúa”, mỗi năm một vụ, thả giống tháng 1 và thu hoạch vào tháng 5, năm được mùa thì đạt 200kg tôm/công, năm mất mùa chỉ có 80kg tôm/công. Còn lại, người dân sống bằng nghề chài lưới, đánh bắt cá trên sông. Thanh niên thì rời cù lao đi vào đất liền làm thuê, nhiều người lên tận Tp. Hồ Chí Minh làm ăn. Theo ông Nguyễn Văn Nhèm, thu nhập trung bình của người dân Cù lao Đất chỉ đạt 3,5 - 4 triệu đồng/người/năm.

Mô hình “con tôm ôm cây lúa” ở Cù lao Đất


Cuộc sống mưu sinh khó khăn đã đành, người dân Cù lao Đất còn có những nỗi buồn riêng. Bao đời nay, Cù lao Đất vẫn chưa có điện, ban đêm người dân chỉ thắp đèn dầu. Nước sạch chỉ là ước mơ xa xỉ, người dân dùng bằng nước giếng khoan, nhiễm phèn nặng. Trẻ em Cù lao Đất muốn đến trường học phải vào đất liền học, đi xa 3km (1,5km đi bằng thuyền trên sông). Vì vậy, các em học hết cấp 2 là một cố gắng lớn nhất của gia đình. Ngay đứa con đầu của ông Trưởng ấp, học hết cấp 2 cũng phải ở nhà phụ giúp gia đình làm ăn. Cả Cù lao Đất có 1.152 dân nhưng chưa có cơ sở y tế chăm sóc sức khoẻ.


An bình nhưng chưa bình an


Ông Nguyễn Văn Nhèm, Trưởng ấp An Bình cho biết: Cù lao Đất, nơi cao nhất là 4m so với mặt nước. Từ các năm 2007, 2008 đến nay, người dân cù lao đã cảm nhận được việc nước biển ngày một dâng cao. Mỗi năm, đo được nước dâng lên một tấc (10 cm). Gần đây, năm ngoái nước lụt lút cù lao, chỉ còn lại con lộ trên mặt nước. Năm ngoái, do sạt lở đất, chính quyền đã di dời 7 hộ dân, năm nay cũng đã phải di dời 5 hộ dân vào sâu bên trong cù lao. Tính đến nay đã có 20 hộ di dời nhà từ cù lao vào đất liền. Nhiều hộ dân muốn di dời vào đất liền nhưng kinh tế khó khăn nên đành “trụ” lại. Việc xây dựng đê bao cho Cù lao Đất thì lâu nay chưa được đặt ra vì kinh phí ở đâu mà lo cho xuể.


Hiện nay, ở Cù lao Đất đang “nóng” lên với việc nuôi tôm công nghiệp. Hôm chúng tôi đến thăm, xóm cù lao bình yên bỗng vang lên tiếng của máy xúc, đào đắp những vuông tôm, chuẩn bị cho vụ nuôi tôm mới. Đây không biết là điều đáng mừng hay đáng lo? Năm 2010, anh Hai Hùng, một người đã tốt nghiệp trường Đại học Thuỷ sản, trở về cù lao nuôi tôm công nghiệp. Năm ngoái, anh Hai Hùng nuôi tôm lãi 140 triệu đồng, năm nay lãi 180 triệu đồng. Năm nay thì rộ việc nuôi tôm công nghiệp với 50 hộ, có diện tích trên 10ha.

Cù lao Đất nhìn từ sông Hàm Luông

Ông Nguyễn Văn Nhèm cho biết: nuôi tôm công nghiệp có giá trị kinh tế cao nên thu hút người dân. Tuy nhiên, trước mắt, việc đào ao nuôi tôm công nghiệp đã phá cây, làm giảm diện tích trồng lúa. Về lâu dài, chưa biết ảnh hưởng đến môi trường ra sao. Đặc biệt, việc nuôi tôm công nghiệp do dân ở địa phương khác đến đây thuê đất nuôi tôm, còn người dân cù lao thì nghèo nên không có vốn để nuôi tôm. Thành thử, lợi nhuận từ nuôi tôm công nghiệp thì người dân cù lao chưa thu được là bao. Ngay như ông Sáu Tăng - một người dân Cù lao Đất cũng nhanh nhạy bắt tay vào nuôi tôm công nghiệp nhưng vụ đầu cũng chỉ mới huề vốn.


Cù lao Đất trên dòng sông Hàm Luông - một cù lao điển hình của đời sống người dân Nam Bộ. Đi thuyền trên sông, nhìn bao quát thì cù lao xanh mướt, bình yên với những người dân lam lũ mà mến khách. Nhưng phía sau những rặng dừa, vườn cây trái sum suê thì có biết bao điều trăn trở. Làm sao để đời sống của người dân phát triển mà vẫn bảo tồn được cù lao? Cù lao Đất, điểm cao nhất chỉ 4m so với mặt nước, với tốc độ nước dâng mỗi năm 1 tấc (10cm) như hiện nay thì liệu 40 năm nữa, Cù lao Đất sẽ ra sao? Mới nghĩ đến thôi, tôi đã thoáng giật mình...

Linh Giang

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cù lao “bốn không”