Cấm lời nói tục tĩu, ăn mặc phản cảm trên phố đi bộ Hồ Gươm có dễ dàng?

Lê Tuấn| 30/09/2020 10:28
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Với mong muốn tạo nên không gian văn hóa thanh lịch, UBND TP Hà Nội đang lấy ý kiến của người dân để hoàn thiện Quy chế quản lý hoạt động trong khu vực phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.

Theo đó, đối với các cá nhân, tổ chức khi tham quan phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm phải mặc trang phục lịch sự, không có những hành vi, lời nói thô thiển, tục tĩu, thiếu văn hoá, không phù hợp với thuần phong mỹ tục. Đây là một trong những điểm gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.

Chị Huyền My (sống tại quận Hoàng Mai) chia sẻ với chúng tôi: “Bản dự thảo, đặc biệt là những quy định về việc ăn mặc hay phát ngôn trên không gian phố đi bộ này là vô cùng quan trọng. Bởi theo tôi, đây là khu vực công cộng, có rất nhiều trẻ em được bố mẹ đưa lên đây vui chơi. Chúng sẽ bị ảnh hưởng xấu về mặt nhận thức nếu tiếp xúc bởi những hình ảnh phản cảm về ăn mặc, hay những lời lẽ thô tục của người lớn. Là một người mẹ, tôi luôn muốn con mình được vui chơi trong một môi trường văn hóa lành mạnh, trong sáng”.

Còn theo bạn Dương (sinh viên một trường đại học trên địa bàn Hà Nội) cho rằng, việc cấm những hành vi ăn nói tục tĩu, hay trang phục phản cảm trên không gian phố đi bộ là điều cần thiết. Tuy nhiên Dương cũng đặt ra một câu hỏi: “Thế nào là ăn mặc phản cảm?”, bởi theo Dương, bản thân bạn cũng từng rất nhiều lần mặc quần short áo hai dây đi dạo tại phố đi bộ và bạn thấy ăn mặc như vậy cũng không hề phản cảm mà giúp mình thoải mái hơn.

Cấm lời nói tục tĩu, ăn mặc phản cảm trên phố đi bộ Hồ Gươm có dễ dàng?

Phố đi bộ Hồ Gươm

Trao đổi với phóng viên về quy định trên, nhà nghiên cứu văn hóa Đinh Đức Tiến cho biết: “Tôi cho rằng đây là một ý tưởng rất đáng hoan nghênh của UBND TP Hà Nội, nhằm tìm kiếm lại những giá trị văn hóa của người Tràng An xưa, đặc biệt là tại nơi công cộng. Đây là những tiền đề có tính chất pháp lý để người dân dần dần tự kiểm soát và tiết chế hành vi, lời nói của mình trong cuộc sống, đặc biệt là ở các nơi công cộng”.

Tuy nhiên ông Tiến cũng băn khoăn: “Thứ nhất, việc luật hoá này liệu có hiệu quả không khi thực thi ngoài cuộc sống? Ai sẽ là người phát hiện, tố cáo hay đứng ra xử lý vi phạm? Trước đó nhiều điều luật đưa ra đã được thông qua, nhưng không thực thi được, tính hiệu quả không cao. Việc ăn mặc hở hang, váy áo ngắn đã từng trở thành vấn đề được mang ra bàn cãi, ngắn đến đâu, hở đến đâu, như thế nào là vi phạm hoặc không vi phạm. Thứ hai, cấm đoán nói năng tục tĩu, vậy chúng ta căn cứ vào chuẩn mực nào để xác định hành vi lời nói đó là có vi phạm hay không? Nếu thực thi có vi phạm đến quyền riêng tư, cá nhân của mỗi người”.

Theo ông Tiến, dù đây mới chỉ là dự thảo cũng chỉ nên dừng lại ở những quy định, khuyến khích người dân có những hành vi, lời nói mẫu mực tại nơi công cộng, tuyên truyền để mọi người tự giác thực hiện hơn là bắt buộc thực hiện, nhất là trong hành vi ăn mặc và lời nói.

Luật hóa các hành vi ăn mặc, lời nói trái với thuần phong mỹ tục tại nơi công cộng là đúng đắn. Nhưng rõ ràng việc hiện thực hóa chúng còn rất khó khăn, cần một lộ trình cụ thể, và phải có tính khả thi cao khi áp dụng. Có như vậy các quy định mới sống ngoài những trang giấy A4, và đi sâu vào đời sống, tiềm thức của nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cấm lời nói tục tĩu, ăn mặc phản cảm trên phố đi bộ Hồ Gươm có dễ dàng?