Bão số 16 có sức tàn phá lớn đổ bộ vào khu vực có khả năng chống chịu yếu

Mai Đỉnh| 24/12/2017 16:27
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nam Bộ rất ít khi có bão, người dân được cho là thiếu kinh nghiệm trong việc đối phó. Khu vực ĐBSCL là nơi có hoạt động tàu bè trên sông, kênh rạch rất lớn, đặc biệt là sông Hậu, chợ nổi Cái Răng, trong khi nhà cửa rất yếu.

Theo GĐ Trung tâm Dự báo KTTV TƯ cho biết, lúc 7h sáng nay, bão số 16 đã mạnh lên cấp 12, giật cấp 15. So với hôm qua, bão đang di chuyển lệch nam hơn, tuy nhiên vùng bị ảnh hưởng vẫn phủ rộng từ Bà Rịa Vũng Tàu – Cà Mau.

Để ứng phó với bão, từ 16h chiều qua, các tỉnh Nam Bộ đã ra lệnh cấm biển. Kế hoạch sơ tán dân tại 9 tỉnh theo 2 phương án: Nếu bão cập bờ dưới cấp 9, sơ tán hơn 270.000 người, trên cấp 9 sẽ sơ tán gần nửa triệu dân.

Do bão đổ bộ vào khu vực có khả năng chống chịu yếu, kinh nghiệm hạn chế nên Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài yêu cầu công tác di dân tại các cù lao xung yếu, vùng cửa biển, khu vực đê xung yếu phải hoàn tất trước 18h hôm nay (24/12), các khu vực sâu phía trong, di dân trước 12h trưa mai (25/12).

Thứ trưởng NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cũng chỉ đạo, trong trưa mai, phải di dời tất cả người dân trên các lồng bè lên bờ. Đến tối mai vẫn còn thì kiên quyết cưỡng chế, Ông Thắng nhấn mạnh, đây là cơn bão có phạm vi ảnh hướng rất lớn, do đó cần kiểm điểm lại việc thực hiện các công điện của Ban chỉ đạo và Thủ tướng.

Thứ trưởng yêu cầu các địa phương đặc biệt lưu ý xu thế thế lệch nam của bão, tác động đến các vùng rất dễ bị tổn thương, sạt lở dài, nhiều đảo, trong đó có Phú Quốc, Nam Du và các đảo đông dân cư. Nếu lệch nam như dự báo của Đài khí tượng Nhật Bản khi sang vùng biển phía Tây vẫn còn cấp 9 thì có nguy cơ vào rất sâu khu vực ĐBSCL. Đây là nơi có hoạt động tàu bè trên sông, kênh rạch rất lớn, đặc biệt là sông Hậu, chợ nổi Cái Răng, trong khi nhà cửa rất yếu.

Nam Bộ rất ít khi có bão, người dân được cho là thiếu kinh nghiệm trong việc đối phó. Vì vậy, khi có bão thiệt hại thường rất nặng nề. 20 năm trước, cơn bão Linda - bão số 5/1997 lúc đầu không mạnh nhưng chỉ trong 36 giờ gió từ cấp 6 tăng lên cấp 11 đổ bộ vào Cà Mau. Hậu quả là làm chết và mất tích gần 3.000 người; hư hại rất nhiều tài sản ước tính hơn 7.200 tỷ đồng.

Bão số 16 có sức tàn phá lớn đổ bộ vào khu vực có khả năng chống chịu yếu

Các thuyền nhỏ kết thành bè vây quanh tàu lớn để “bảo vệ” nhau khi bão số 16 đổ bộ.

Trước nguy cơ bão số 16 đổ bộ, các địa phương đang gấp rút lên phương án sơ tán dân, trong trường hợp cần thiết sẽ cưỡng chế đưa người dân đến nơi an toàn:

Kiên Giang: UBND tỉnh Kiên Giang thống kê có khoảng 300.000 hộ dân cần di dời đến nơi an toàn. Tỉnh đã cấm các tàu thuyền đánh bắt và các phương tiện hàng hải hoạt động trên biển kể từ chiều 23/12.

Tại huyện đảo Phú Quốc, nơi đây có khoảng 20.000 học sinh đang theo học ở tất cả các cấp học. Tổng số tàu đánh cá trên vùng biển Phú Quốc khoảng 2.600 tàu. Đa số các tàu cá đã vào nơi trú ẩn an toàn, địa phương tiếp tục, khẩn trương thông báo cho các tàu còn lại vào bờ, tránh bão. 

Bến Tre: Trong ngày 24/12, tỉnh Bến Tre đang gấp rút chuẩn bị sơ tán dân, kêu gọi tàu đánh cá vào bờ, chằng chống lại nhà cửa… Theo UBND huyện Bình Đại, toàn huyện có 1.144 tàu đánh bắt thủy sản và 26 tàu ngoài tỉnh. Trong đó có 825 tàu đang neo đậu ở nơi trú bão, 345 phương tiện phương tiện còn hoạt động trên biển. Trong số này, có 194 phương tiện đang trên đường vào bờ, số còn lại thông báo đang vào tránh trú bão tại các địa phương khác. 

Bạc Liêu: Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu, cho biết sẽ sơ tán hơn 85.000 hộ dân, tương đương hơn 365.700 người, với tổng số địa điểm sơ tán dân hơn 31.000 điểm. Để làm tốt công tác này, tỉnh huy động các lực lượng với hơn 12.000 người, 24.000 phương tiện….

Cà Mau: Tại cuộc họp, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết, sáng nay (24/12) đã thông báo di dời dân 8.000 dân ở các vùng ven biển, nhất là người già và trẻ em đến nơi an toàn. Ngày mai (25/12), 245.000 học sinh trên toàn tỉnh sẽ nghỉ học.

Trà Vinh: Ông Kim Ngọc Thái, Phó chủ tịch UBND Trà Vinh, Trưởng ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, toàn tỉnh hiện có 1.216 tàu thuyền đánh cá với gần 4.900 ngư dân hành nghề. Hiện, tất cả tàu thuyền và ngư dân đã được đưa vào bờ an toàn.

Theo Dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, vị trí tâm bão lúc 15 giờ: 8,3N-113,3E; cách đảo Trường Sa Lớn khoảng 130km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/h), giật cấp 15.

Dự báo: Trong 3 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ nhanh 20-25km/h. Chiều tối và đêm nay bão số 16 duy trì sức gió mạnh nhất cấp 12, giật cấp 15 với sóng biển cao 10m sẽ đi qua khu vực đảo Trường Sa Lớn và Huyền Trân. Sóng biển cao 10 mét, ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến cơ sở hạ tầng trên quần đảo. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão ở huyện đảo Trường Sa cấp 4 (rủi ro thiên tai rất lớn).

Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 250km tính từ vùng tâm bão. Vùng bán kính gió mạnh trên cấp 10, giật trên cấp 14 có bán kính khoảng 150km tính từ vùng tâm bão.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bão số 16 có sức tàn phá lớn đổ bộ vào khu vực có khả năng chống chịu yếu