13 lao động từ Algeria đã về đến Việt Nam

Xuân Tùng| 17/11/2015 22:35
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều 17/11, nhóm 13 lao động đầu tiên trong số 39 lao động Việt Nam từ Algeria về nước liên quan đến vụ việc bị người sử dụng lao động hành hung, bỏ đói, đã về đến Sân bay Nội Bài (Hà Nội).

Nhóm lao động này về nước theo hành trình Algeria - Dubai (Ấn Độ) - Bangkok (Thái Lan) - Hà Nội, khởi hành từ lúc 16h30 giờ địa phương (tức 22h30 giờ Hà Nội) ngày 15/11 và dự kiến về đến Sân bay Nội Bài vào chiều 16/11. Tuy nhiên, do gặp vấn đề về thủ tục giấy tờ, mua vé máy bay, đoàn đã phải nán lại một đêm ở Sân bay Dubai và hơn 18 tiếng tại Sân bay Bangkok.

13 lao động từ Algeria đã về đến Việt Nam

13 lao động đầu tiên từ Algeria về tới sân bay Quốc tế Nội Bài. Ảnh:  TTXVN

Anh Nguyễn Hữu Cẩn (sinh năm 1971, quê xã Hương Ngải, Thạch Thất, Hà Nội) cho biết: Lần đi xuất khẩu lao động này không như mong muốn và dự tính của anh. Trước đây, anh đã từng đi lao động xuất khẩu tại Hàn Quốc, Ấn Độ và đều suôn sẻ, tiết kiệm được một khoản tiền về nước.

Nhiều lao động Việt Nam làm việc cho Công ty Đông Nhất Giang Tô tại Algeria có nguyện vọng được về nước do không đồng tình với những chính sách tính công, trả lương, chăm lo đời sống người lao động và việc đối xử của người sử dụng lao động.

Anh Nguyễn Khắc Đức (sinh năm 1967, quê ở xã Hương Ngải, Thạch Thất, Hà Nội), một trong nhóm 13 lao động về nước đợt này, cho biết: Theo hợp đồng ký kết với công ty, công nhân được trả lương theo công nhật với mức lương tháng là 450 USD nếu làm đủ 28 ngày/tháng, mỗi ngày làm 8 tiếng. Nếu ngày làm 10 tiếng, mức lương là 650 USD/tháng. Tuy nhiên, đến tháng thứ 2, người sử dụng lao động bắt đầu chuyển sang cách tính công lao động khác khiến nhiều người lao động Việt Nam không đồng tình và phản đối, dẫn đến việc người sử dụng lao động cho người hành hung và bỏ đói lao động Việt Nam.

Các lao động trở về Việt Nam đợt này đều mong muốn Công ty Đông Nhất Giang Tô, Công ty Simco Sông Đà cùng các cơ quan chức năng tập trung giải quyết các vấn đề về hợp đồng, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Anh Nguyễn Khắc Đức cho biết thêm: Đến nay, anh đã làm việc ở Algeria 4 tháng. Tuy nhiên, phía Công ty Simco Sông Đà mới gửi về cho gia đình anh được hơn 6 triệu đồng tiền lương. Hiện việc trả lương, các vấn đề bồi thường hợp đồng giữa người lao động và người sử dụng lao động chưa được thống nhất giải quyết.

Dự kiến, tiếp theo hai nhóm người lao động Việt Nam từ Algeria trở về, mỗi nhóm 18 người, sẽ về nước trong các ngày tới. 7 lao động có nguyện vọng muốn ở lại tiếp tục làm việc, được ký phụ lục hợp đồng với định mức khoán mới.

Hiện tình hình sức khỏe của hai lao động bị hành hung là Đậu Hoàng Anh và Đào Ngọc Cường đã ổn định. Hai lao động này đang được Công ty Đông Nhất Giang Tô và Công ty Simco Sông Đà thống nhất các thủ tục, tiền bồi thường trước khi về nước.

Dự kiến ngày 16/12, Công ty Simco Sông Đà sẽ gặp và giải quyết hợp đồng lao động cho các lao động Việt Nam từ Algeria về nước trước thời hạn hợp đồng. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
13 lao động từ Algeria đã về đến Việt Nam