Xây dựng xã hội học tập là xây dựng một xã hội mà mỗi người dân phải học suốt đời”, GS.TSKH Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam chia sẻ.
Chia sẻ bên lề Hội nghị kiểm tra nhằm đánh giá tình hình thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020”, GS. Phạm Tất Dong nhận định: “Xây dựng xã hội học tập là xây dựng một xã hội mà mỗi người dân phải học suốt đời, muốn làm được như vậy cần phải có một không gian và thời gian thuận lợi nhất cho việc học tập”.
GS.TSKH Phạm Tất Dong chia sẻ tại Hội nghị.
“Tuy nhiên, để làm được điều này thì học tập theo phương pháp truyền thống yêu cầu phải có lớp học là rất khó, bởi không phải ở địa điểm nào cũng có thể tổ chức các lớp học và không phải ở thời điểm nào cũng có thể đòi hỏi được phải có sự tiếp xúc trực tiếp giữa người học và người dạy”, GS.TSKH Phạm Tất Dong nói.
Theo GS.TSKH Phạm Tất Dong, muốn thực hiện việc học tập suốt chúng ta phải học tập tự học và thông qua học tập trực tuyến. Vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào để mỗi người dân có thể sử dụng thành thạo một công cụ hỗ trợ việc học tập trực tuyến hiệu quả, từ đó họ có thể chủ động trong việc chọn thời gian, vấn đề học tập, học bất cứ lúc nào mà họ muốn cho nên vấn đề học trực tuyến sẽ là vấn đề cơ bản nhất cho học tập suốt đời.
Theo GS.TSKH Phạm Tất Dong, ngoài việc học trực tuyến với học sinh phổ thông thì các trường đại học phải tạo điều kiện để mỗi người dân có thể học được từ xa, học trực tuyến; cán bộ, công nhân viên chức phải biết sử dụng công nghệ thông tin để có thể tự học tập trực tuyến.
Từ đó, GS.TSKH Phạm Tất Dong khẳng định, học tập mặt đối mặt trong thời đại hiện nay vẫn là cần thiết nhưng chủ đạo vẫn phải là học trực tuyến. Trong những năm vừa qua, Hệ thống Giáo dục HOCMAI đã cùng đồng hành với Hội Khuyến học Việt Nam mở ra một hướng đi mới đó là học tập trực tuyến và đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ, khi có hàng chục nghìn người tham gia học tập trực tuyến. Đây là một lợi thế giúp HOCMAI mở rộng hơn nữa phạm vi ảnh hưởng và đóng góp to lớn vào phong trào học tập suốt đời trên cả nước”.