Từ ngày 29/11 - 1/12 sẽ diễn ra phiên họp đặc biệt của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Geneva (Thụy Sĩ) nhằm tìm kiếm một hiệp ước chung về đại dịch, AFP đưa tin.
Diễn ra trong bối cảnh thế giới vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, sau gần hai năm phát hiện các ca mắc đầu tiên, phiên họp đặc biệt kéo dài ba ngày sẽ thảo luận về một hiệp ước chung trong đó đề ra cách xử lý cuộc khủng hoảng y tế tiếp theo - điều mà giới chuyên gia lo ngại chỉ là vấn đề thời gian.
Tình hình kinh tế hỗn loạn và hàng triệu sinh mạng đã bị cướp đi bởi đại dịch COVID-19, các chuyên gia đã kêu gọi cần thiết lập các hệ thống phòng thủ quốc tế mới để mạnh để ngăn chặn thảm họa lặp lại.
Jaouad Mahjour, trợ lý Tổng giám đốc WHO về công tác chuẩn bị khẩn cấp, nói với các phóng viên: "Chúng ta sẽ chứng kiến nhiều đại dịch hơn trong tương lai. Câu hỏi không phải là nếu, mà là khi nào".
AFP cho biết, Đại hội đồng Y tế Thế giới - cơ quan nắm quyền quyết định của WHO bao gồm tất cả 194 quốc gia thành viên - đang tổ chức một phiên họp đặc biệt chưa từng có để xem xét việc xây dựng một hiệp định mới về chuẩn bị và ứng phó với đại dịch.
Theo AFP, cuộc họp nên kết thúc bằng một nghị quyết về chặng được phía trước. Kết quả mong muốn - cho dù là một hiệp ước hay một công thức khác - sẽ đi vào chiều sâu sau này, có khả năng đến năm 2024.
Nhưng các quốc gia chuẩn bị đến đâu trong việc đồng ý các điều khoản ràng buộc về việc chuẩn bị sẵn sàng cho đợt bùng phát dịch bệnh tiếp theo và các hệ thống hiệu quả để dập tắt nó, vẫn chưa chắc chắn.
Ông Mahjour cho biết, các quy định y tế quốc tế hiện tại không được thiết kế để xử lý các đại dịch ở quy mô lớn như COVID-19, hoặc đảm bảo sự công bằng và sẵn sàng. Thật vậy, từ “đại dịch” thậm chí không xuất hiện trong các văn bản.
Mặc dù có hiệu lực nhanh hơn, phạm vi những gì có thể được thực hiện thông qua các quy định hẹp hơn nhiều so với một hiệp ước. Tuy nhiên, Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus muốn có một hiệp ước chấm dứt chu kỳ “lơ là và hoảng sợ” đáng tiếc như đã chứng kiến ở nhiều quốc gia tại thời điểm virus SARS-CoV-2 mới xuất hiện.
AFP cho biết, hơn 70 quốc gia cho đến nay đang ủng hộ theo đuổi một hiệp ước. Bộ trưởng Y tế của 32 nước trong số đó - trong đó có Anh, Chile, Đức, Italy, Kenya, Hàn Quốc, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ - đã khẳng định sự nhất trí trong một bài báo chung.
Những người đứng đầu ngành y tế các nước trên cho rằng hiệp ước chính là đề xuất quan trọng duy nhất có thể đảm bảo về cách ứng phó toàn cầu chung, nhanh chóng, hiệu quả và công bằng đối với các đợt bùng phát trong tương lai.
“Chúng ta không thể chờ cuộc khủng hoảng tiếp theo xảy đến rồi mới hành động”, họ viết.